'Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu'
Ngôi nhà nhỏ đượm màu hoài niệm nằm nép mình bên ruộng lúa mênh mang. Mùa này, lúa đã trĩu trịt, vàng ươm. Ông ngồi đó, giữa thoang thoảng mùi rơm rạ phảng phất trong gió chiều và giữa bao nhiêu ký ức xưa cũ bất chợt ùa về.
Xa quê ngót nghét 45 năm nhưng Giáo sư, tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Nguyễn Ngọc Thành vẫn giữ trọn vẹn tình yêu với quê hương như chất giọng Quảng Bình dẫu đi qua bao xứ sở vẫn ấm áp trong huyết quản. Thành đạt và được trọng vọng là thế nhưng mỗi lần trở về quê hương, ông vẫn nghẹn lòng thổn thức bởi những chân chất nơi chốn yên bình này.
GS. Nguyễn Ngọc Thành có cách chuyện trò mộc mạc, chân thành như chính dáng vẻ giản dị của ông. Càng chuyện trò, càng thấm thía dường như câu nói của người xưa “sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” là đang viết về chính ông. Không phô trương, không tự sự hoa mỹ, ông chỉ lặng lẽ kể về những ngày đã qua, những điều đã đạt được bằng chất giọng trầm ấm mà ẩn sâu trong đó là bao gửi gắm sâu xa.
GS. Nguyễn Ngọc Thành sinh năm 1963, trong một gia đình có bố mẹ đều là nhà giáo ở xã Quảng Hưng (Quảng Trạch). Từ năm 14 tuổi, ông đã rời quê để theo nghiệp học hành. Đằng đẵng hơn 45 năm thoát ly là chừng ấy thời gian không ngừng nghỉ phấn đấu, nỗ lực và gặt hái quả ngọt.
Ông bảo, hành trình ấy không ít khó khăn, thử thách nhất là với những học sinh xuất thân từ những miền quê nghèo khó. “Khi còn học ở Trường Quốc học Huế, chúng tôi tự thấy mình cần phấn đấu cật lực mới có thể ngang bằng với các bạn ở Huế. Rồi khi chọn theo học ngành Công nghệ thông tin-Khoa học máy tính tại Ba Lan-một ngành học hoàn toàn mới mẻ tại Việt Nam cũng là lựa chọn một lối đi khó. Điều đó đòi hỏi bản thân phải có ý chí phấn đấu, nỗ lực hơn gấp nhiều lần mới có thể bắt kịp bạn bè các nước”, GS. Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ.
Với ông, hơn 40 năm sống, học tập và làm việc tại Ba Lan là quãng thời gian thấm đẫm bao mồ hôi và nước mắt. Để trở thành một nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như ngày hôm nay, GS. Nguyễn Ngọc Thành đã phải nỗ lực gấp bội phần. Cuộc sống ở xứ sở của “đường bạch dương sương trắng nắng tràn” với đủ thứ lo toan đã có lúc buộc ông phải lựa chọn giữa việc theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học với việc mưu sinh.
“Có lần tôi quyết định bỏ cuộc nhưng chính vợ tôi khi ấy đã luôn đứng bên động viên, khích lệ. Cô ấy bảo rằng, công việc tôi làm tốt nhất chính là nghiên cứu khoa học, cứ vượt khó mà theo đuổi nó đến cùng”, ông kể, nụ cười hiền hậu lấp loáng nắng chiều. Và như lời người bạn đời, những thành quả ông đã đạt được trong suốt 4 thập kỷ qua đã minh chứng cho điều đó.
GS. Nguyễn Ngọc Thành đã có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học chất lượng, có tính ứng dụng cao, là tổng biên tập của nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín, là chủ tịch của nhiều hiệp hội, tổ chức cũng như các hội nghị khoa học về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trên thế giới, là “lưỡng quốc giáo sư” của Việt Nam và Ba Lan…
Con người ông sinh ra là để làm khoa học và tận hiến vì khoa học. Nhắc đến khoa học, đôi mắt ông lấp lánh, giọng nói hồ hởi và say sưa như thể đang đứng trên bục giảng trước hàng trăm sinh viên. Vừa làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, ông vừa hướng dẫn cho nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh các nước. Với ai, ông cũng nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn họ bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê.
GS. Nguyễn Ngọc Thành bảo: “Tôi luôn chia sẻ với sinh viên của mình rằng khi bạn đạt được học vị tiến sĩ, đừng vội thỏa mãn, mà đó mới là bước khởi đầu cho hành trình nghiên cứu khoa học. Trên hành trình đó, ý chí, quyết tâm, năng lực thôi vẫn là chưa đủ mà còn cần sự kiên trì. Đừng thấy khó khăn mà vội vàng bỏ cuộc”.
Lần này, vợ chồng GS. Nguyễn Ngọc Thành trở về thăm quê cùng cậu con trai cả. Sinh ra và lớn lên tại Ba Lan nhưng điều đặc biệt là con trai ông nói thành thạo tiếng Việt, hiểu luôn cả phương ngữ Quảng Bình. GS. Nguyễn Ngọc Thành bảo rằng, gia đình ông có một quy định bất thành văn đó là dù biết nhiều ngôn ngữ thì khi trở về nhà, các thành viên đều phải giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt.
Giờ hai con trai ông không chỉ nói thông, viết thạo mà còn hiểu sâu sắc văn hóa của Việt Nam, của quê hương Quảng Bình. Ông dạy con dù làm gì, ở đâu, thành đạt như thế nào cũng không được quên lãng gốc gác thuần Việt. Cũng như ông, xa quê tròn 45 năm, chất giọng Quảng Bình vẫn đậm đà trong huyết quản. Bằng tất cả tấm lòng của người con xa quê, mỗi khi quê hương gặp thiên tai, bão lũ, từ Ba Lan xa xôi, ông lại gửi quà về để động viên bà con cùng vượt qua khó khăn.
Là nhà khoa học hàng đầu thế giới, đi khắp năm châu, bốn biển, gặp gỡ nhiều người nhưng Quảng Bình luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim ông. GS. Nguyễn Ngọc Thành luôn trăn trở làm gì để đóng góp cho quê hương bằng chính sức lực, trí tuệ của mình?
Hội nghị châu Á về Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu thông minh (ACIIDS) được ông sáng lập đã được tổ chức hàng năm ở các nước châu Á với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Lần đầu tiên vào năm 2009 và lần thứ 10 vào năm 2018 diễn ra ACIIDS, ông đã chọn Quảng Bình là địa điểm tổ chức hội nghị. Hàng năm, Trường đại học Quảng Bình vẫn đồng hành với ông trong việc tổ chức các sự kiện của ACIIDS tại các nước ở châu Á.
“Tôi nghĩ đó là cơ hội quảng bá rất tốt cho trường đại học duy nhất của tỉnh nhà. Hai kỳ hội nghị ở Quảng Bình, tôi đều tổ chức cho các nhà khoa học trên thế giới tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng ở quê nhà. Hy vọng thông qua họ, Quảng Bình và du lịch Quảng Bình sẽ được biết đến và lan tỏa nhiều hơn”, GS. Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ.
Quan tâm sâu sát đến tình hình của quê hương, bằng chuyên môn của mình, ông nhận thấy, du lịch Quảng Bình cần có một cơ sở dữ liệu dùng chung để thuận tiện hơn cho du khách trong tiếp cận và sử dụng sản phẩm. Quảng Bình cũng cần quan tâm đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số để phát triển kinh tế-xã hội. Ông bày tỏ, nếu tỉnh nhà cần, bằng kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực này, ông sẵn sàng hỗ trợ hết mình.