Sống ở Paris 5 năm, cô gái kể những điều kinh ngạc không phải ai cũng nhận ra
Quãng thời gian 5 năm không phải dài nhưng cũng không quá ngắn. Bản thân Amanda đã rút ra được những điều kinh ngạc về cuộc sống ở thủ đô nước Pháp mà ít người nhận thấy.
Amanda Rollins là một cô gái sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Tuy nhiên, khi trưởng thành và có cuộc sống riêng, cô lại chọn nước Pháp là nơi để gắn bó dài lâu.
Tính đến thời điểm hiện tại, Amanda đã có hơn 5 năm sống ở kinh đô ánh sáng Paris, nơi vẫn nổi tiếng là thành phố hoa lệ với nhiều điều thú vị mà bất kỳ ai đặt chân đến cũng phải trầm trồ. Trong thời gian sống ở thủ đô Paris, Amanda đã được trải qua vô số những điều bất ngờ, từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến những bữa trưa thân thuộc của người Pháp...
Cô nàng tâm sự: "Ngay sau khi bước sang tuổi 25, tôi đã tự hỏi mình rằng nếu có thể sống ở bất cứ đâu trên thế giới thì tôi sẽ lựa chọn điểm đến nào. Câu trả lời luôn là Paris. Lớn lên ở Mỹ, tôi đã học tiếng Pháp từ lớp 6 cho đến bậc đại học. Ngôn ngữ và văn hóa Pháp đã 'ăn vào máu' của tôi, vì vậy tôi quyết định thực hiện một bước nhảy vọt. Và kết quả đã bày ra đấy! Sau 5 năm sau, tôi và con mèo giống Mỹ của tôi vẫn ở Paris".
Quãng thời gian 5 năm không phải dài nhưng cũng không quá ngắn, và bản thân Amanda đã rút ra được những điều kinh ngạc về cuộc sống ở thủ đô nước Pháp mà ít người nhận thấy.
Phong cách thời trang sang trọng
Amanda cho biết, ở Paris, cô hiếm khi trông thấy ai đó mặc quần thể thao hoặc quần bó ở nơi công cộng. Nó hoàn toàn trái ngược với trải nghiệm của cô ở Mỹ. Hầu hết người dân ở thủ đô nước Pháp dường như đều cố gắng chăm chút cho vẻ bề ngoài, kể cả khi chạy vội đến cửa hàng tạp hóa.
Cô nói: "Tôi thấy rất nhiều quần dài được thiết kế riêng để kết hợp với áo len trơn và khăn quàng cổ. Mọi người cũng mặc quần jean với giày lười hoặc giày thể thao màu trắng sắc nét và áo khoác phù hợp.
Ở Mỹ, tôi có 3 kiểu thời trang lặp đi lặp lại: quần áo đi chơi (áo crop top, quần jean và giày cao gót), đồ thể thao (quần legging, giày thể thao màu và áo ba lỗ) và trang phục công sở (quần lửng, giày lười và áo cánh lụa). Vào bất kỳ ngày thứ Bảy nào, tôi đều mặc quần áo để đến quán bar hoặc phòng tập thể dục. Thực sự không có gì khác.
Thời gian sống ở đây đã cải thiện phong cách thời trang của tôi. Nó giúp tôi tự hào về cách mình thể hiện bản thân với thế giới.
Tủ quần áo mới của tôi bao gồm những món đồ thông minh, đơn giản mà tôi có thể mặc cả ban ngày và buổi tối. Tôi đã biết cách phối đồ, từ quần tây, quần jean, giày thể thao màu trắng, váy maxi lụa, áo phông trơn, áo khoác được thiết kế riêng và rất nhiều món đồ màu đen.
Giờ đây, tôi cảm thấy tự tin, sẵn sàng cho mọi thứ khi ra khỏi nhà".
Bữa trưa kéo dài từ 2 tiếng trở lên
Amanda kể: "Lần đầu tiên tôi đi ăn trưa với đồng nghiệp ở Paris, chúng tôi ngồi trong nhà hàng từ trưa đến 2 giờ chiều. Mọi người gọi một bữa 3 món gồm khai vị, món chính, tráng miệng rồi cả cà phê. Khi còn ở Mỹ, tôi đã quen với việc lấy một đĩa salad nhanh và ăn vội nó ngay tại bàn làm việc. Vì vậy, khi sang Paris, tôi phải điều chỉnh theo tốc độ chậm rãi này".
Sau đó, Amanda biết được rằng bữa ăn trưa kéo dài với cuộc trò chuyện tán gẫu rất phổ biến ở Paris.
Amanda đánh giá cao thói quen thoải mái ấy nhưng cô vốn không phải người thích ăn trưa nên dần tìm cách từ chối khéo những lời mời để tránh phải mất hàng giờ liền ở nhà hàng.
Văn hóa tập thể dục
"Khi tôi sống ở Mỹ, câu hỏi thường thấy là tôi đã tập thể dục ở đâu chứ không phải tôi có tập hay không. Tôi thường xuyên đến phòng tập thể dục vào buổi sáng. Những năm gần đây, mặc dù các phòng tập thể dục và phòng tập mới đã mọc lên khá nhiều ở Paris, nhưng dường như người dân ở đây không có thói quen tập thể dục như ở Mỹ", cô nàng cho biết.
Ban đầu, khi mới đến Paris, Amanda vẫn đến phòng tập theo thói quen nhưng giờ đây cô thích chạy bộ thư giãn dọc sông Seine, vài lần một tuần.
Nhiều người Paris mà Amanda biết thường đi bộ rất nhiều và có lối sống năng động, dù không đến phòng tập. "Mặc dù ở Paris, tôi tập thể dục ít hơn, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy khỏe mạnh hơn khi ở đây", cô nàng khẳng định.
Người Paris ăn bánh mì mỗi ngày
Amanda cho biết: "Baguette là một 'cách sống' ở đây. Bánh mì là món có mặt trong hầu hết mọi bữa ăn của người Paris và được dùng để ăn cùng với các món chính chứ không phải món khai vị như ở Mỹ.
Hầu hết bánh mì baguette ở Pháp đều chứa các thành phần nguyên chất (bột mì, nước, men và muối) và không có chất bảo quản, nghĩa là chúng có thể bị ôi thiu trong thời gian ngắn. Không có gì lạ khi người dân ở Paris mua bánh mì mới mỗi ngày".
Điều kỳ lạ khi mua thuốc
"Lần đầu tiên tôi mua một đơn thuốc ở Paris, dược sĩ lấy bút ra và bắt đầu viết hướng dẫn lên trên hộp. Tên và thông tin của tôi không được ghi trên đó, và cách duy nhất để tôi biết phải uống liều lượng bao nhiêu là đọc dòng chữ viết tay của cô ấy – bằng tiếng Pháp và hơi khó đọc.
Ở Mỹ, hộp thuốc thường có tất cả thông tin liên quan - như tên bệnh nhân, ngày sinh và hướng dẫn liều lượng - được in bằng chữ cỡ lớn", Amanda kể.
Chi phí chăm sóc sức khỏe
Và cuối cùng, điều khiến cô gái người Mỹ ngạc nhiên nhất khi chuyển đến Paris là chi phí chăm sóc sức khỏe thấp hơn đáng kể so với ở Mỹ. Dù đã được biết về hệ thống chăm sóc sức khỏe của Pháp từ trước khi chuyển đến, nhưng việc trải nghiệm tận nơi là một điều hoàn toàn khác với Amanda.
Amanda ấn tượng với hệ thống chăm sóc sức khỏe do chính phủ tài trợ, chi trả cho mọi người thường trú tại quốc gia này.
"Mọi người dân ở Pháp đều đóng góp cho an sinh xã hội, vì vậy nó không miễn phí theo bất kỳ cách nào, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ hoàn trả hầu hết các chi phí y tế. Kể từ khi chuyển đến Paris, tôi hiếm khi phải bỏ tiền túi ra trong các lần khám bác sĩ và mua thuốc. Nếu muốn, tôi cũng có thể đăng ký bảo hiểm y tế bổ sung do các công ty tư nhân cung cấp.
Mùa đông năm 2017, có lần, tôi bị ốm và bất đắc dĩ phải đến phòng cấp cứu ở Paris vì khó thở. Nếu tôi ở Mỹ, có lẽ tôi sẽ tránh đi bằng mọi giá vì hóa đơn bệnh viện cực đắt. Khi tôi phản đối yêu cầu chụp X-quang ngực (như thể một một phản xạ, vì chụp X-quang có thể tốn hàng nghìn USD ở Mỹ), bác sĩ đáp lại bằng cách nói với tôi rằng việc đó sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả. Đó là lúc tôi hiểu bảo hiểm y tế toàn cầu thực sự có nghĩa là gì.
Từ khi sang Pháp, tôi luôn làm xét nghiệm và gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi có vấn đề về sức khỏe. Ở đây, việc chăm sóc sức khỏe không phải là một điều xa xỉ", cô gái chia sẻ.
Nguồn: Insider