Song hành nghề văn, nghề báo

Ngay từ những năm học cấp ba khi nghĩ về dự định tương lai tôi đã muốn mình trở thành nhà văn, nhà báo và sau này cả đời tôi đi theo hướng này mặc dù có rất nhiều cơ hội có thể gọi là ngọt ngào khác về sự nghiệp.

Tôi tập viết những bài thơ đầu tiên khi đang học THPT. Bài báo đầu tiên tôi viết gửi Báo Thái Bình tiến lên về một gương người tốt việc tốt là ông đội phó đội sản xuất ở làng tôi, rất chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Gửi đi rồi khoảng ít ngày sau nghe nói có phóng viên về xác minh sự thực bài viết. Có lẽ lãnh đạo xã đã công nhận tính xác thực của bài viết nên không ai hỏi han thêm gì ở tôi. Và sau đó tôi lên đường nhập ngũ nên không theo dõi được bài viết có được đăng hay không.

Tôi được in bài thơ đầu tiên vào thời điểm vừa bước sang tuổi 19 trên Tờ tin Quân đoàn 4 (chúng tôi vẫn gọi là Báo Quân đoàn 4 cho oai (!), lúc đó mừng ghê lắm. Và sau đó suốt những năm trong quân ngũ tôi là cộng tác viên tích cực của tờ tin này. Năm 1978, Ban Biên tập Tờ tin Quân đoàn 4 cử người về làm việc với thủ trưởng đơn vị xin tôi về làm phóng viên. Tôi khấp khởi mừng thầm vì đã nghe các anh trong Ban Biên tập Báo Quân đoàn 4 nói từ mấy hôm trước. Nhưng rồi thủ trưởng đơn vị không nhả người (không cho đi). Tôi đành làm cộng tác viên của báo đến khi ra quân.

Về Đồng Nai khi đã có một “lưng vốn” kha khá thơ, bài đăng các báo TP.HCM, Văn nghệ Đồng Nai, các giải thưởng thơ và truyện ký cấp tỉnh nên tôi được giao nhiệm vụ là biên tập viên thơ kiêm phóng viên Báo Văn nghệ Đồng Nai. Đây là hai nhiệm vụ cả văn và báo. Văn: sáng tác văn chương; còn báo là phóng viên phải thực hiện nhiệm vụ có bài hàng tháng theo chỉ tiêu: 1 bút ký, ghi chép, một vài tin bài văn hóa văn nghệ.

Trong rất nhiều đợt đi thực tế, đi viết bút ký, ghi chép tôi hay gặp các anh chị phóng viên của Báo Đồng Nai, Lao động Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai ở cùng một nơi đến: nông trường, công ty, nhà máy. Chúng tôi rất vui vẻ “nước sông không động nước giếng” (!) vì mỗi loại hình báo chí có cách khai thác tư liệu khác nhau. Các anh chị làm báo thời sự chính trị thường nhanh gọn khi khai thác thông tin. Còn chúng tôi nhẩn nha hơn, cố gắng nắm bắt, phát hiện cái sâu xa, tìm ra nguyên mẫu, manh nha hình tượng nhân vật sẽ xây dựng trong tác phẩm.

Và tôi cũng nhanh chóng trở thành cộng tác viên của các tờ báo của tỉnh: Báo Đồng Nai, Lao động Đồng Nai, Đài Phát thanh Đồng Nai (sau này là PT-TH Đồng Nai), có nhiều bài vở, tác phẩm văn chương cộng tác thường xuyên. Cũng xin được khoe lại: Ngay năm 1983, năm đầu tiên tôi về công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, cuối năm đó tôi đã được dự hội nghị cộng tác viên Báo Đồng Nai và được khen thưởng là cộng tác viên xuất sắc của báo. Phần thưởng là một cuốn sổ nhỏ bìa ny-lông màu xanh có chữ ký của Tổng biên tập và mộc đỏ hình chữ nhật của báo Đảng. Cả mấy chục năm công tác tôi viết rất nhiều bút ký, ghi chép, tin bài về các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt… cộng tác với các báo. Riêng bút ký, ghi chép tôi đã tập hợp lại in thành tập Trong màu lá cây rừng và nhiều tập sách in chung khác.

Nghề báo cho tôi nhiều hiểu biết thực tế, chiu chắt thành vốn sống, gặt hái xúc cảm sáng tác từ những chuyến đi cơ sở, đến vùng đất mới, bổ trợ rất nhiều cho nghề văn. Song hành giữa nghề văn, nghề báo là một trong những sự tâm đắc tôi mang trong suốt cuộc đời công tác, sự nghiệp sáng tác của mình.

Nhà thơ Đàm Chu Văn

(nguyên Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/song-hanh-nghe-van-nghe-bao-3169069/