Sớm hạn chế phương tiện cá nhân, đảm bảo an toàn giao thông tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Dù đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, song tình hình TTATGT trên cả nước vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, cùng với đó là huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, chung tay xây dựng văn hóa giao thông, hạn chế tối đa TNGT, mang lại hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người.

Ngày 6-7, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia và Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công an 44 Yết Kiêu đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 35 nghìn đại biểu. Tại điểm cầu Hà Nội, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thừng trực UBND thành phố Hà Nội; Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP cùng các đồng chí Phó Giám đốc.

Chuyển biến rõ nét

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: “Công tác đảm bảo TTATGT là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo ANTT, an ninh con người với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc hội nghị

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc hội nghị

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với đảm bảo TTATGT. Trong các năm 2003, 2012, 2023, cứ mỗi 10 năm, Ban Bí thư đều có Chỉ thị chỉ đạo về công tác bảo đảm ATGT, đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT”.

Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh, qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư, các cấp, ngành đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp đã đề ra trong Chỉ thị 18. Trong đó đã dành nhiều nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của toàn dân, góp phần làm chuyển biến tích cực trong đảm bảo ATGT, nhất là trong thời gian gần đây, đã có nhiều cách làm sáng tạo như kiểm soát nồng độ cồn, kiểm soát xe quá tải, quá khổ…

Qua đó, ý thực chấp hành pháp luật giao thông có chuyển biến rõ nét, số người chết, bị thương và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra giảm mạnh (năm 2022 giảm khoảng 3.000 người chết so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, giảm 548 người chết vì tai nạn giao thông).

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

“Có thể nói, Ban Bí thư Ban hành Chỉ thị số 23 nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo TTATGT trong tình hình mới là rất kịp thời, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong đảm bảo TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận.

Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP. HCM và trên các quốc lộ trọng điểm đang có xu hướng cải thiện… Từ năm 2012 - 2022, toàn quốc xảy ra 190.020 vụ TNGT, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người; so với giai đoạn 10 năm trước đó giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết và giảm 44% số người bị thương.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, tình hình TTATGT trên toàn quốc 10 năm trở lại đây có sự chuyển biến tích cực rõ nét

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, tình hình TTATGT trên toàn quốc 10 năm trở lại đây có sự chuyển biến tích cực rõ nét

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cũng thông tin, đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, quán triệt Chỉ thị số 18, Trung ương Đảng đã chỉ đạo cấp ủy, các ngành, tập trung tham mưu, đề xuất thực hiện các giải pháp khắc phục tình hình ùn tắc giao thông phức tạp. Cấp ủy, chính quyền Hà Nội cũng như TP. HCM đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn như:

Điều chỉnh quy hoạch luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh để giảm lưu lượng phương tiện xe khách ra vào trung tâm thành phố; xử lý nghiêm việc sử dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, trông giữ xe; sắp xếp nơi trông giữ, xây dựng các bãi đỗ, điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng; tiếp tục đầu tư phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng…

“Bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ của toàn xã hội, do đó, công tác bảo đảm TTATGT phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác bảo đảm TTATGT, trong đó, lực lượng Công an nhân dân và Ngành Giao thông vận tải giữ vao trò nòng cốt, xung kích” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.

Những giải pháp trọng tâm

Quán triệt Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh các nội dung xuyên suốt của Chỉ thị: kiên trì xây dựng văn hóa chấp hành pháp luật, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông; tiếp tục giảm tai nạn giao thông, hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông.

Đồng thời, hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm, bảo đảm công tác quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt, hiệu quả; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông phù hợp với quy mô, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông…

Trước tình trạng TTATGT trên cả nước còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư cũng đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATGT; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về giao thông; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân;

Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông; nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT và một nhiệm vụ được cho là cấp bách, đó là khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Hà Nội và TP. HCM.

Tình hình TTATGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM còn nhiều phức tạp

Tình hình TTATGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM còn nhiều phức tạp

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá các nội dung lớn. Trong đó chú trọng tổng kết đánh giá, làm rõ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW để nhân rộng trên toàn quốc. Đồng thời, phân tích những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm TTATGT, từ đó đưa ra các biện pháp, giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong thời gian tới.

Tham luận tại hội nghị, đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội đánh giá, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thành ủy Hà Nội; sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương; bám sát nội dung Chỉ thị số 18 và các chuyên đề, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của các cấp, tình hình TTATGT trên địa bàn Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực rõ rệt.

Đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội phát biểu tham luận

Đồng chí Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội phát biểu tham luận

“Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, tình hình trật tự, an toàn giao thông cũng như trật tự đô thị, trật tự công cộng vẫn còn đó những bất cập, những tồn tại, hạn chế mà chính quyền Thủ đô cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá như:

Ùn tắc giao thông vẫn diễn ra; tai nạn giao thông tuy giảm đều qua các năm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, chưa đạt như kỳ vọng; một số hành vi vi phạm giao thông mặc dù đã được các lực lượng chức năng kiên quyết, kiên trì xử lý nhưng vẫn “nóng”, “nổi cộm”, chưa được giải quyết triệt để; trật tự đô thị, trật tự công cộng trên nhiều tuyến đường, tuyến phố nội đô còn “bừa bộn”, chưa tương xứng với quy mô, tầm vóc của Thủ đô” - đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nói.

Đồng chí Lê Hồng Sơn cũng thông tin thêm, thời gian tới, bám sát Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, UBND thành phố Hà Nội tham mưu Thành ủy ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch, Chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức Đảng từ Thành phố đến cơ sở, địa phương để triển khai, thực hiện đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ công tác trọng tâm.

Đặc biệt, Đảng ủy, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các lực lượng có liên quan tổ chức nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT, TTĐT, TTCC;

Huy động và vận dụng triệt để các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội để mọi tầng lớp nhân dân tự giác, gương mẫu chấp hành, chủ động phát hiện, lên án, kiến nghị, phản ánh đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm qua các kênh tương tác trực tuyến.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao ý nghĩa cũng như kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, cũng như sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trên cả nước nhằm bảo đảm TTATGT.

Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo

Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo

“Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung bình mỗi ngày lực lượng chức năng xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; tăng cường xử lý vi phạm phương tiện giao thông vận tải quá khổ, quá trọng tải… Tuy nhiên, đánh giá khách quan, thực trạng ý thức chấp hành Luật ATGT của một bộ phận người dân vẫn còn là vấn đề lâu dài; tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; vi phạm giao thông tại các đô thị lớn vẫn là thách thức…

Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để từng bước góp phần bảo đảm TTATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho mỗi người dân khi tham gia giao thông” - Trưởng Ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu vấn đề.

Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp để góp phần bảo đảm TTATGT. Đặc biệt, các cán bộ đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước nhân dân khi tham giao thông; nghiêm cấm việc can thiệp, tác động khi xử lý các vi phạm về giao thông.

Liên quan đến tình trạng giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu cần sớm có giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, qua góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.

Hy vọng, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của Đảng ủy Trung ương, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng địa phương với những biện pháp, giải pháp thiết thực, bám sát tình hình thực tế từng địa bàn, tình hình TTATGT trong giai đoạn tiếp theo sẽ có những chuyển biến tích cực hơn nữa, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, không để TNGT là nỗi ám ảnh của mọi người, mọi nhà.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/som-han-che-phuong-tien-ca-nhan-dam-bao-an-toan-giao-thong-tai-ha-noi-va-thanh-pho-ho-chi-minh-post544996.antd