Sớm giải quyết dứt điểm

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa bền vững, khiến tình trạng ùn tắc giao thông chưa được giải quyết triệt để. Đến nay, Hà Nội vẫn còn 36 điểm ùn tắc giao thông, trong đó có nhiều điểm ùn tắc 'kinh niên', ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Nguyên nhân chính là do lượng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng, trong khi kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Ngoài ra, quá trình triển khai thi công một số dự án phải rào chắn khiến mặt đường bị thu hẹp; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhiều người dân còn hạn chế… cũng là những yếu tố làm tăng ùn tắc.

Từ nay đến cuối năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu giảm 10/36 điểm ùn tắc giao thông. Để đạt mục tiêu trên đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách và hệ thống các giải pháp đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành.

Trong đó, giải pháp ưu tiên là chú trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng, như: Cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng số lượng xe buýt; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào vận hành hai tuyến đường sắt đô thị vận tải hành khách khối lượng lớn: Tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông), tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội)…

Cùng với việc tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ quản lý, điều hành và điều tiết giao thông…, các lực lượng chức năng cần phối hợp tổ chức tốt việc chốt trực phân luồng, hướng dẫn giao thông tại các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc. Đồng thời, đẩy mạnh tuần tra, xử lý các trường hợp dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, đi sai làn, đi ngược chiều… gây ùn tắc giao thông; tăng cường xử phạt nguội qua hệ thống camera giám sát.

Song song đó là tiếp tục duy trì việc tổng hợp tình hình ùn tắc giao thông khu vực nội đô, cung cấp thông tin cho kênh VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) để người tham gia giao thông biết, chủ động tránh các điểm ùn tắc giao thông; xây dựng bản đồ úng ngập, tổ chức phân luồng giao thông từ xa tại các điểm có khả năng xảy ra úng ngập nhằm giảm ùn tắc khi xảy ra mưa bão. Đối với các dự án đang triển khai, cần đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.

Với các địa phương, đơn vị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.

Về lâu dài, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện tốt Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, tập trung đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông khu vực đô thị lên 12-15% diện tích đất đô thị; phát triển hệ thống đường vành đai, đường hướng tâm, các cầu qua sông... Đặc biệt, tiếp tục ưu tiên nguồn lực hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn.

Sớm giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển. Đây vừa là nhiệm vụ thường xuyên vừa là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/999711/som-giai-quyet-dut-diem