Solar Orbiter chụp được ảnh có độ phân giải cao về bề mặt Mặt trời
Ngày 20.11, hình ảnh mới về bề mặt Mặt trời với độ phân giải cao nhất từ trước đến nay do sứ mệnh Solar Orbiter chụp lại đã được công bố.
Hình ảnh được chụp vào ngày 22.3.2023, cho thấy chuyển động của từ trường cũng như của vành nhật hoa (lớp ngoài cùng bầu khí quyển). Tàu vũ trụ dùng hai trong số 6 thiết bị - EUI cùng PHI - để chụp từ khoảng cách 74 triệu kilomet.
Là sứ mệnh chung giữa Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) với Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Solar Orbiter được phóng vào tháng 2.2020, di chuyển quanh Mặt trời ở khoảng cách trung bình 42 triệu kilomet. Loạt sứ mệnh như Solar Orbiter hay Parker Solar Probe giúp giải mã những bí ẩn quan trọng, chẳng hạn thứ gì thúc đẩy vùng thượng quyển giải phóng điện tích tạo nên gió Mặt trời, tại sao vành nhật hoa lại nóng hơn bề mặt Mặt trời rất nhiều.
“Từ trường Mặt trời là chìa khóa để hiểu bản chất động của ngôi sao quê hương chúng ta từ quy mô nhỏ nhất đến lớn nhất. Hình ảnh độ phân giải cao này cho thấy vẻ đẹp lẫn dòng chảy từ trường một cách rất chi tiết. Chúng rất quan trọng với nỗ lực suy đoán từ trường trong vành nhật hoa”, nhà khoa học Daniel Müller (phụ trách dự án Solar Orbiter) cho biết.
PHI chụp ảnh bề mặt Mặt trời có thể nhìn thấy hay còn gọi là quang quyển. Hầu hết bức xạ từ Mặt trời đều bắt nguồn từ quang quyển, với nhiệt độ dao động từ 4.500 đến 6.000 độ C. Bên dưới lớp quang quyển là plasma nóng di chuyển, giống magma nóng di chuyển dưới bề mặt Trái đất.
Mục đích của PHI là lập bản đồ độ sáng quang quyển, đo tốc độ và xác định hướng từ trường. Hình ảnh hiển thị nhiều vết đen kích thước bằng Trái đất hoặc hơn, dường như do dòng từ trường mạnh và liên tục thay đổi. Vết đen mát hơn môi trường xung quanh đồng thời phát ra ít ánh sáng hơn. Trên hình ảnh, vùng màu xanh dương biểu thị vật chất bề mặt chuyển động hướng về Solar Orbiter, vùng màu đỏ biểu thị vật chất chuyển động ra xa. Còn EUI phụ trách quan sát vành nhật hoa nhằm tìm hiểu nguyên nhân khiến nó có nhiệt độ cao hơn bề mặt đáng kể (1 triệu độ C).
Do ở gần Mặt trời nên Solar Orbiter phải xoay sau mỗi lần chụp ảnh để chụp được toàn bộ. Mỗi hình ảnh độ phân giải cao là kết quả của quá trình ghép 25 ảnh riêng lẻ.
Nhà khoa học Mark Miesch (Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ) đánh giá cao hình ảnh do Solar Orbiter chụp lại: “Càng nhìn kỹ chúng tôi càng thấy nhiều hơn”.
Nỗ lực chụp ảnh được thực hiện đúng lúc Mặt trời đến thời kỳ cực đại – đỉnh điểm trong chu kỳ 11 năm, các cực từ đảo ngược khiến Mặt trời chuyển từ trạng thái tĩnh lặng sang trạng thái hoạt động. Thời gian hoạt động ước tính khoảng 1 năm, tạo nên nhiều hiện tượng tác động đến Trái đất, chẳng hạn bão Mặt trời ảnh hưởng lưới điện, tín hiệu GPS lẫn vệ tinh ở quỹ đạo thấp.
Ngày 24.12 tới, sứ mệnh Parker Solar Probe sẽ tiếp cận Mặt trời ở khoảng cách 6,2 triệu kilomet, đủ gần để di chuyển qua các luồng plasma.