Sôi nổi phong trào 'Bình dân học vụ số'

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thành phố Hạ Long là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh phát động và triển khai phong trào 'Bình dân học vụ số' đưa công nghệ đến gần hơn với mọi người dân. Qua đó, người dân có thể nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại.

Phường Hà Phong, thành phố Hạ Long tổ chức lớp “Bình dân học vụ số” hướng dẫn công nghệ cho người dân.

Phường Hà Phong, thành phố Hạ Long tổ chức lớp “Bình dân học vụ số” hướng dẫn công nghệ cho người dân.

Những kết quả tích cực

Hiện nay, chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hạ Long đã đạt được những kết quả tích cực: 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trên môi trường mạng; là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện trả thông báo thuế điện tử lĩnh vực đất đai kết hợp với thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% các cơ sở y tế triển khai bệnh án điện tử; 100% bệnh viện ứng dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 100% học sinh các cấp có hồ sơ, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử; bước đầu triển khai có hiệu quả việc khai thác, sử dụng các phần mềm AI trong dạy, học; lắp đặt hơn 1.900 camera an ninh ở các khu phố trên địa bàn.

Thành phố Hạ Long mong muốn đưa công nghệ đến gần hơn với mọi người dân, từ cán bộ, công chức, viên chức đến học sinh, người lao động và các nhóm yếu thế. Mục tiêu đặt ra đến năm 2026 là tất cả cán bộ, công chức, viên chức của thành phố đều thành thạo các nền tảng số, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Trong lĩnh vực giáo dục, học sinh từ cấp Trung học cơ sở trở lên sẽ được trang bị kỹ năng số để học tập và sáng tạo, đồng thời biết cách tự bảo vệ mình trên môi trường số.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long khẳng định: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đây cũng là con đường bền vững và ngắn nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hướng đến một “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”. Đối với Hạ Long, chuyển đổi số chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa tương lai. Từ bài học của phong trào “Bình dân học vụ” cho thấy, để nâng cao dân trí trong chuyển đổi số, cần phải huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, thành phố không chỉ để phong trào dừng lại ở việc tổ chức các lớp học công nghệ mà còn hướng tới xây dựng một thói quen số, một nền văn hóa số trong đời sống hằng ngày của người dân. Khi đã tự tin, người dân không chỉ dùng tốt dịch vụ công mà còn có thể áp dụng công nghệ số để cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, thậm chí tạo ra giá trị cho cộng đồng”.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu nêu trên, thành phố xác định chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn; kinh tế số giúp người dân giàu hơn và xã hội số khiến người dân hạnh phúc hơn.

Lan tỏa đến từng khu dân cư

Đồng chí Phan Thị Hải Hường, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hạ Long cho biết: “Thành phố tổ chức các đội tình nguyện và tổ chức tập huấn phong trào “Bình dân học vụ số” xuống đến tận khu dân cư, tổ dân, khu phố. Người dân sẽ được trực tiếp tương tác trên hệ thống nền tảng mạng xã hội, sử dụng các công cụ AI vào công việc, đời sống. Hạ Long - địa phương đi đầu trong phong trào “Bình dân học vụ số”, những “lớp học số” không còn bó hẹp trong không gian truyền thống mà đã lan tỏa đến từng khu dân cư, thậm chí là trên không gian mạng”.

Theo đó các tổ “Bình dân học vụ số” với nòng cốt là đoàn viên, thanh niên nhiệt huyết, được trang bị kiến thức và kỹ năng sư phạm, đã trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho người dân, nhất là người lớn tuổi. Từ những thao tác cơ bản trên điện thoại thông minh, cách sử dụng các ứng dụng hữu ích như VNeID, dịch vụ công trực tuyến, đến các kỹ năng giao dịch trực tuyến an toàn, tất cả đều được hướng dẫn một cách tận tình, dễ hiểu. Bà Lương Hồng Nga, phường Hồng Hà chia sẻ: “Tôi đã về nghỉ hưu được hơn một năm, việc tiếp cận với công nghệ nhiều lúc cũng hạn chế, khó khăn, nhưng từ khi được đoàn viên, thanh niên hướng dẫn tận tình, chu đáo, tôi đã sử dụng được nhiều ứng dụng và thấy nhiều tiện ích mang lại”.

Đến nay, phường Cao Xanh đã triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, tổ chức lớp học về chuyển đổi số, tìm hiểu trí tuệ nhân tạo AI và các nền tảng số cho 110 học viên là cán bộ, công chức phường; bí thư chi bộ, khu trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận các khu phố; giáo viên và đoàn viên, thanh niên các trường học trên địa bàn. Phường Cao Xanh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 100% cán bộ, công chức và người lao động khu vực công của phường có kiến thức về công nghệ số và kỹ năng số, sử dụng thành thạo các nền tảng số phục vụ công việc và dịch vụ công trực tuyến, an toàn an ninh mạng; 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành và ít nhất 95% hộ gia đình có thành viên có kỹ năng số, biết cách sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử, thanh toán số, y tế số và dịch vụ công trực tuyến để lan tỏa cho các thành viên khác.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị với cách làm cụ thể trong triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, cùng sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, thành phố Hạ Long đang từng bước tạo nền tảng vững chắc để hình thành xã hội số, công dân số một cách thực chất, triệt để, đồng bộ, toàn diện, góp phần xây dựng thành phố Hạ Long trở thành đô thị thông minh, trung tâm sáng tạo và phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.

LƯƠNG QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/soi-noi-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-post876279.html