Sôi nổi khí thế sản xuất đầu năm mới

Chào đón năm mới 2023, những ngày này, trên địa bàn tỉnh không khí thi đua lao động, sản xuất diễn ra sôi nổi khắp nơi. Ở trong nhà máy, trên công trường hay ngoài đồng ruộng đều rộn rã, náo nức, thể hiện quyết tâm và hy vọng năm mới sẽ gặt hái được nhiều thành công, thắng lợi mới, qua đó góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh.

Công nhân Công ty TNHH MTV Sơn Hà Phú Thọ - Cụm công nghiệp làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy tích cực sản xuất ngay từ đầu năm mới.

Doanh nghiệp thi đua sản xuất

Năm 2022, tuy phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì sự ổn định và đạt mức tăng trưởng khá. Tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt trên 12% so với năm 2021.

Quyết tâm giữ vững đà tăng trưởng của năm trước, các doanh nghiệp trong tỉnh đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với khí thế sôi nổi, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Các doanh nghiệp chủ động giao chỉ tiêu sản xuất cho từng bộ phận ngay từ đầu năm để đảm bảo cho công nhân bắt tay ngay vào guồng sản xuất, tạo thuận lợi cho những đơn hàng đầu tiên. Ở từng doanh nghiệp có những mục tiêu, giải pháp riêng và phát động phong trào thi đua, tạo nên khí thế thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong cộng đồng doanh nghiệp, biến những chỉ tiêu thi đua thành hành động cụ thể, hướng vào những nhiệm vụ trọng tâm.

Với động lực và tâm thế sẵn sàng, Công ty TNHH Chè Hoài Trung, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba đang tăng tốc sản xuất chuẩn bị cho các đơn hàng xuất khẩu. Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty cho biết: Những năm gần đây, dịch COVID-19, xung đột quân sự trên thế giới gây ra những cuộc khủng hoảng có quy mô lớn, nhiều chuỗi liên kết bị đứt gãy và ngành chè cũng không tránh khỏi vòng xoáy đó. Vì vậy, doanh nghiệp phải thích ứng để duy trì sản xuất, đảm bảo các đơn hàng. Năm 2022, sản lượng sản xuất của Công ty ước đạt 800 tấn, giá trị xuất khẩu đạt trên một triệu USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Kết quả khả quan này là động lực để doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục phấn đấu giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống là Trung Đông và xây dựng sản phẩm chè xanh Hoài Trung là sản phẩm OCOP năm sao, đạt thương hiệu quốc gia. Để thực hiện được khát vọng đó, chúng tôi tiếp tục đổi mới máy móc, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm lo đời sống người lao động ngày càng tốt hơn.

Trên các con đường dẫn vào các khu, cụm công nghiệp, từng tốp công nhân hối hả vào ca, xe lớn, xe nhỏ nối đuôi nhau chở vật liệu vào nhà máy, phân xưởng, chở sản phẩm giao đến các đối tác, bạn hàng. Tại Công ty CP Tasa Group, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì chuyên sản xuất gạch men, các phân xưởng sản xuất sạch sẽ, gọn gàng và không khí làm việc khẩn trương theo tiếng máy móc. Năm 2022, doanh thu của Công ty ước đạt 1.800 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 1.000 lao động. Ông Phạm Hữu Vũ - Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cho biết: Có thể nói năm 2022 là một năm còn nhiều khó khăn của thị trường vật liệu xây dựng nói chung. Để nâng cao sức cạnh tranh, Tasa Group chủ động đầu tư vào việc nâng cấp, mua mới dây chuyền đóng gói tự động, dây chuyền mài gia tăng sản lượng thành phẩm. Xác định người lao động là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, vì thế Công đoàn tiếp tục quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp, chú trọng chăm lo đời sống người lao động với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Đồng thời ngay từ đầu năm, Công ty phát động các phong trào thi đua, vận động người lao động phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp sức cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, không ngừng phát triển.

Năm mới đã sang cũng là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp đều tất bật hoàn thành đơn hàng để chuẩn bị cho đợt nghỉ Tết âm lịch. Những nỗ lực và quyết tâm lao động ngay từ những ngày đầu năm mới đã mang đến cho các doanh nghiệp sự tự tin và kỳ vọng một năm hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Nông dân xã Võ Lao, huyện Thanh Ba khẩn trương làm đất, chuẩn bị gieo cấy vụ Xuân.

Nông dân rộn ràng vào vụ mới

Không chỉ ở khu vực sản xuất công nghiệp, trên đồng ruộng, bà con nông dân cũng đã sẵn sàng cho vụ mới. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, khắp cánh đồng trên địa bàn tỉnh, nơi thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ Đông, tích cực làm đất, xuống giống để tiến hành gieo cấy vụ Xuân, nơi thì chăm sóc hoa, cây cảnh.

Mới mờ sáng nhưng trên các xứ đồng ở xã Hà Thạch, TX Phú Thọ bà con đã ra đồng đắp bờ, vệ sinh đồng ruộng. Trên những thửa ruộng đã đủ nước, tiếng máy cày bừa vang khắp cánh đồng. Sau khi bừa xong thửa ruộng của gia đình, ông Lê Văn Chung, khu 1 nhanh chóng thực hiện gieo mạ và che phủ nilon. Ông Chung chia sẻ: Vụ Xuân là vụ chính trong năm nên gia đình tôi tập trung nhân lực để kịp tiến độ. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi che phủ nilon, trữ nước để giữ ấm cho mạ, đảm bảo có mạ cấy đúng theo khung lịch thời vụ. Còn những ruộng khác khi nước về cũng tranh thủ làm đất, làm xong mới yên tâm đón Tết.

Trên các cánh đồng tại các huyện, thành, thị, bà con đang tập trung nhân lực để làm đất kịp cho thời vụ. Tính đến nay, tổng diện tích ngô Đông đã thu hoạch đạt 1.600/7.278ha, rau xanh thu hoạch được trên 100/5.574ha, diện tích đất đã làm để chuẩn bị sản xuất vụ Xuân đạt trên 14.000/35.300ha. Do ảnh hưởng của thời tiết nên các vụ sản xuất trong năm 2022 kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm trước đó dẫn đến vụ Xuân 2023 triển khai muộn hơn. Để bảo đảm nguồn nước gieo cấy, Công ty TNHH Nhà nước MTV khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ đã chỉ đạo các xí nghiệp sớm ký hợp đồng với các địa phương; tiến hành sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các hệ thống công trình thủy lợi, máy móc; khơi thông kênh mương, chuẩn bị đầy đủ vật tư để lấy nước theo lịch xả nước của các nhà máy thủy điện, bơm tưới kịp thời cho bà con làm đất.

Tại các làng rau vào thời điểm này, các hộ cũng đang tập trung chăm sóc những luống súp lơ, su hào, cải bắp, cà chua, rau ăn lá, rau gia vị để kịp cung cấp cho thị trường trước và sau Tết. Năm 2022 đối với người trồng rau được coi là thắng lợi khi giá rau xanh khá cao, thu nhập của nhiều gia đình tăng hơn so với năm trước.

Các loại hoa, cây cảnh vốn không thể thiếu được trong ngày Tết đã được người trồng hoa các làng hoa như Phương Viên (xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy), Làng Thượng (xã Tiên Du, huyện Phù Ninh), Long Ân (xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ)… tập trung chăm sóc. Nhiều thương lái đã tìm đến đặt hàng, chỉ chờ đến ngày là vận chuyển đi các địa phương phục vụ người dân chơi Tết. Theo nhiều chủ vườn, lượng hoa, cây cảnh tiêu thụ vào dịp Tết năm nay sẽ tăng hơn so với năm trước do đời sống kinh tế của người dân đã ổn định trở lại sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để bảo đảm kế hoạch sản xuất ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chăm sóc cây trồng vụ Xuân trong các giai đoạn phát triển, bảo đảm sản xuất đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi sát tiến độ gieo trồng, tăng cường kiểm tra, nắm bắt diễn biến sâu bệnh hại, nguy cơ thiếu nước tưới trên cây trồng, bệnh dịch trong chăn nuôi để có hướng dẫn kịp thời cho nông dân, hạn chế tối đa thiệt hại cho sản xuất.

Với niềm tin tràn đầy lạc quan cùng khí thế ra quân quyết tâm cao của người lao động những ngày đầu năm mới, hy vọng trong năm 2023 sản xuất trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều khởi sắc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cường - Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/soi-noi-khi-the-san-xuat-dau-nam-moi/189999.htm