Sôi nổi hoạt động xúc tiến, đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), trong 7 tháng năm 2024, đơn vị đã cấp mới 7 dự án đầu tư trong và ngoài nước thuộc địa bàn quản lý, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 410 tỷ đồng và 5 triệu USD, đồng thời đăng ký điều chỉnh 48 lượt dự án tăng vốn đầu tư. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp (DN) diễn ra sôi động, thúc đẩy tăng trưởng, góp phần tạo việc làm và tăng thu cho ngân sách Nhà nước trong thời gian tới.
Tại cảng nước sâu Nghi Sơn, Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn đang thực hiện đầu tư Dự án Cảng Tổng hợp Long Sơn, bao gồm bến số 7, 8, 9, 10 với tổng chiều dài 1.000m, đáp ứng tiêu chuẩn cảng cấp I. Theo Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn, Cảng Tổng hợp Long Sơn được đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, với chiều dài và độ sâu lớn có thể tiếp nhận tàu với tải trọng tới 70.000 tấn để trung chuyển hàng hóa, giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời có thể hỗ trợ giải phóng hàng cho các cầu bến của DN khác trong khu vực.
Hiện nay, Dự án Cảng Tổng hợp Long Sơn đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác 2 bến số 7 và số 8. Bến số 9 đang nạo vét để chuẩn bị đón tàu vào khai thác, còn lại bến số 10 dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2024 và đi vào hoạt động giữa năm 2025. Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn cũng đang tiếp tục nâng cấp cầu cảng, đầu tư nạo vét tuyến luồng tàu, vùng nước trước bến tới độ sâu đảm bảo đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 100.000 tấn vào bến neo đậu, bốc xếp hàng hóa, nâng công suất bốc xếp của Cảng Tổng hợp Long Sơn lên 1.000 tấn/giờ, tương đương với 20.000 tấn/ngày.
Cũng tại KKTNS, Công ty CP Cơ khí chế tạo Đại Dũng Nghi Sơn đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư Nhà máy Cơ khí công nghệ cao Nghi Sơn thuộc phường Mai Lâm (thị xã Nghi Sơn). Dự án có công suất thiết kế 50.000 tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Sản phẩm của nhà máy bao gồm sản phẩm cơ khí phục vụ cho các nhà máy công nghiệp nặng - nhiệt điện - hóa dầu; nhà cao tầng, nhà thép tiền chế; cơ sở hạ tầng công cộng; cấu kiện khác. Theo đó, sẽ có khoảng 70 - 80% sản phẩm được DN xuất khẩu, tiêu thụ thông qua cảng biển Nghi Sơn; còn lại khoảng 20 - 30% sẽ tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Đại diện Công ty CP Cơ khí chế tạo Đại Dũng Nghi Sơn cho biết, dự án đang bước vào giai đoạn gấp rút. DN đang tập trung tổng lực để triển khai lắp cấu kiện thép, phấn đấu hoàn thành dự án vào quý 1/2025 theo kế hoạch.
Theo thông tin từ KKTNS&CKCN, trong bối cảnh tình hình đầu tư vẫn còn khó khăn như hiện nay, nhằm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Trung ương, tỉnh, Ban Quản lý KKTNS&CKCN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường kinh doanh và hoạt động thu hút đầu tư. Từ đầu năm đến nay, ban đã tổ chức đón tiếp, làm việc và trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho 5 đoàn nhà đầu tư nước ngoài và 15 đoàn nhà đầu tư trong nước. Thông qua đó đã giới thiệu các cơ chế, chính sách ưu đãi, các ngành nghề, lĩnh vực tỉnh Thanh Hóa đang ưu tiên thu hút đầu tư vào KKTNS&CKCN.
Tính đến hết tháng 7/2024, tại KKTNS&CKCN đã thu hút được 729 dự án, trong đó có 655 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 181.296 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 85.618 tỷ đồng; 74 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.699 triệu USD, vốn thực hiện đạt 13.275 triệu USD.
Tại KKTNS đã thu hút được 336 dự án, trong đó có 311 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 161.619 tỷ đồng và 25 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.827 triệu USD. Tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 393 dự án, trong đó có 344 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 19.688 tỷ đồng; 50 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 871 triệu USD.
Cũng trong năm nay, ban đã ban hành Quyết định số 92/QĐ-BQLKKT NS&KCN ngày 11/3/2024 về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại KKTNS có công suất 1.500MW, diện tích thực hiện dự án khoảng 68,2ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 58.026 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 2.453 triệu USD). Hiện nay, ban đang tiếp tục triển khai công tác lập hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án này; đồng thời hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology (thuộc khu công nghiệp Phú Quý) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Theo đại diện Ban Quản lý KKTNS&CKCN, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức nhiều hội nghị để đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, như: Dự án hạ tầng khu công nghiệp số 3, số 19, số 17, số 20 (khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao Việt Nam - Ấn Độ giai đoạn 1); khu công nghiệp Đồng Vàng, khu công nghiệp Luyện Kim thuộc KKTNS; khu công nghiệp phía Nam khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng; khu công nghiệp Phú Quý (Hoằng Hóa); khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa; khu công nghiệp Giang Quang Thịnh (Thiệu Hóa); Cảng Container Long Sơn; Cảng Tổng hợp Long Sơn; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn số 2; Nhà máy sản xuất vật liệu bảo ôn và tấm thạch cao Long Sơn; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương; Nhà máy sản xuất vải Billion Union Việt Nam,... nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa các dự án đi vào vận hành đúng tiến độ và hiệu quả.