Sôi động làng nghề cơ khí Xuân Tiến
Làng nghề cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) đã có
Về Xuân Tiến những ngày này, chúng tôi cảm nhận được nhịp lao động khẩn trương, sôi động của người dân làng nghề. Đầu sáng, bước chân vào xã đã nghe dồn dập tiếng máy búa nện xuống đe sắt, tiếng xì xì cần mẫn của máy hàn, máy cắt. Bên ngoài các xưởng sản xuất, những xe tải lớn, nhỏ nối nhau xếp hàng để vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa. Đến Công ty TNHH Anh Khoa của ông Phạm Anh Khoa, chúng tôi có dịp trò chuyện với một trong những người thợ tài hoa nhất, nhì làng nghề cơ khí. Ngoài 60 tuổi, ông Khoa có trên 40 năm gắn bó với nghề. Theo ông, làm nghề cơ khí rất khó bởi không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà còn phải biết tính toán chuẩn xác các nguyên lý hoạt động của máy móc. Chưa kể đây còn là nghề nặng nhọc, quanh năm lấm lem dầu mỡ, ít nhiều chịu những tác động tiêu cực của nghề.
Tuy nhiên, cũng theo ông Khoa, niềm vui của người làm nghề cũng không thể nào đong đếm được. “Đó là cảm giác thỏa mãn, tự hào khi nghiên cứu, chế tạo thành công những loại máy móc mới. Là những phản hồi tốt của khách hàng khi nhập mua máy, các loại phụ tùng, linh kiện của làng nghề mang lại hiệu quả sản xuất cao, giá thành phải chăng. Đó cũng là động lực giúp những người thợ chúng tôi duy trì nghề, tiếp tục tạo ra những loại máy hữu ích phục vụ cuộc sống”, ông Khoa chia sẻ.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, theo thời gian, các thợ nghề Xuân Tiến đã mở rộng sản xuất sang các sản phẩm đúc, rèn bằng các nguyên liệu nhôm, sắt với các sản phẩm như: phụ tùng xe đạp, đèn măng-xông, kèn đồng... Hiện nay, thợ làng nghề sản xuất đa dạng các loại máy được chia làm nhiều “dòng” khác nhau gồm: các sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, máy bóc lạc); các loại máy phục vụ xây dựng (máy trộn đảo bê tông, máy ép gạch thủy lực); máy chế biến gỗ (máy phay, bào, đục) cho đến động cơ điện... Mỗi loại máy lại gắn với tên tuổi của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: Doanh nghiệp tư nhân Tân Việt sản xuất máy tuốt lúa; Công ty TNHH Toản Chung với máy thái thuốc lá, máy bóc lạc, máy tẽ ngô; Công ty Thanh Bằng có sản phẩm máy đùn gạch; Công ty TNHH một thành viên An Thuận Phát, cơ sở cơ khí Hải Liên nghiên cứu và chế tạo thành công dây chuyền sản xuất viên than sinh học…
Đặc biệt, ở mỗi thời điểm khác nhau, Xuân Tiến lại có những mặt hàng “chủ lực” được thị trường tin dùng, đánh giá cao. Nếu những năm 1990, thợ làng nghề tự hào vì làm ra được những chiếc máy tuốt lúa tốt, giá cả hợp lý thì cách đây trên chục năm, cũng chính những người thợ tài hoa lại sản xuất ra máy gặt đập liên hoàn với sản lượng bình quân 5-6 nghìn chiếc/năm. Những năm gần đây, máy trộn bê tông, lò sấy thóc mi-ni là những sản phẩm tiêu biểu của làng nghề được đặt hàng nhiều hơn cả. Với ưu điểm chất lượng đảm bảo, độ bền cao, giá cả phù hợp và thuận tiện trong vận hành, các sản phẩm của làng nghề cơ khí Xuân Tiến không chỉ được thị trường trong tỉnh, trong nước tín nhiệm mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia. Các sản phẩm của làng nghề cũng được đăng ký chất lượng, thương hiệu, bản quyền và giành được những giải thưởng cao tại các hội chợ cơ khí lớn nhỏ.
Trong bối cảnh nhiều làng nghề truyền thống trong đó có nghề cơ khí đang đứng trước những thách thức không nhỏ, thì sự tồn tại và phát triển không ngừng của một làng nghề cơ khí như Xuân Tiến là sự nỗ lực đáng ghi nhận. Đến nay, làng nghề cơ khí truyền thống Xuân Tiến đã có bước phát triển vượt bậc với 30 doanh nghiệp, cơ sở đang đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp tập trung có tổng diện tích 15,6ha và trên 200 hộ gia công, sản xuất tại nhà. Từ nghề xưa, nhiều hộ gia đình trong xã đã giàu lên nhanh chóng, cho thu nhập vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các xã, huyện lân cận với mức thu nhập từ 300-400 nghìn đồng/người/ngày. Nghề xưa đã và đang mang lại "trái ngọt" cho những thợ nghề chăm chỉ, giỏi giang nơi đây, là cơ sở để những bàn tay “vàng” tiếp tục “giữ lửa” và nối tiếp nghề./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân và Văn Huỳnh