'Soi' danh mục đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm

Lãi suất huy động xuống thấp khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phải điều chỉnh giảm tỷ trọng đầu tư vào tiền gửi ngân hàng và gia tăng đầu tư vào trái phiếu.

Trái phiếu do doanh nghiệp phát hành còn chưa hấp dẫn các công ty bảo hiểm

Trái phiếu do doanh nghiệp phát hành còn chưa hấp dẫn các công ty bảo hiểm

Ưa chuộng trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành

Lãnh đạo Bảo hiểm Bưu điện (PTI) chia sẻ, năm 2024, danh mục đầu tư tiếp tục tập trung vào các tài sản hưởng lãi suất cố định như tiền gửi tổ chức tín dụng, trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, không đầu tư vào các loại tài sản có tính rủi ro cao hơn như cổ phiếu, bất động sản... Trong đó, PTI định hướng gia tăng tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, giảm bớt tỷ trọng tiền gửi để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn trong bối cảnh lãi suất tiền gửi giảm thấp như hiện nay.Tại thời điểm cuối quý I/2024, PTI đầu tư ngắn hạn 487 tỷ đồng trái phiếu.

Tại Bảo hiểm Quân đội (MIC), giá trị trái phiếu đầu tư ngắn hạn tính đến ngày 31/3/2024 đạt 168,8 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông mới đây, trả lời thắc mắc của cổ đông về tỷ trọng trái phiếu, cổ phiếu tại khoản đầu tư ủy thác cho MB Capital, ông Uông Đông Hưng - Chủ tịch HĐQT MIC cho biết, MB Capital là công ty thành viên của Tập đoàn MB và là đối tác lâu năm của MIC. Việc hợp tác này mang lại lợi ích cho MIC hàng năm.

“Hoạt động đầu tư là mảng mang lại lợi nhuận chính cho các công ty bảo hiểm, nên MIC hợp tác với một số tổ chức chuyên nghiệp để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả và an toàn. Các kế hoạch đầu tư đều được Ủy ban Đầu tư của MIC phê duyệt, kể cả tiền gửi ngân hàng cũng được xếp loại rủi ro. Với cổ phiếu, vì là loại tài sản có rủi ro cao nên MIC chỉ đầu tư các mã bluechip có triển vọng tốt”, ông Hưng nói.

Về danh mục trái phiếu, đại diện MIC cho hay, tại thời điểm tháng 4/2023, MIC nắm giữ trái phiếu của CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt và CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland). Tính đến cuối tháng 6/2023, MIC có 137 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn, 150 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, chiếm 10% tổng tài sản sinh lời, chủ yếu là trái phiếu của công ty sản xuất, công ty tài chính và có giá trị tài sản đảm bảo cao gấp 3 lần so với giá trị trái phiếu.

Theo đại diện MIC, trong 5 năm qua, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính của MIC ở mức cao nhất trong khối phi nhân thọ. Trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ cấu danh mục đầu tư của MIC bao gồm tiền gửi (71%), ủy thác đầu tư (24%), trái phiếu (5% và những trái phiếu này đều được trả lãi đầy đủ, thực hiện đúng các cam kết).

Tại Công ty Tái bảo hiểm quốc gia (VINARE), tỷ trọng tiền gửi và trái phiếu trong danh mục đầu tư năm 2023 lần lượt chiếm tỷ trọng 59,5% và 23,5%. Nhờ việc tăng đầu tư vào trái phiếu tăng vốn cấp II của các ngân hàng có lãi suất coupon (lãi suất định kỳ) cao hơn lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn, cùng việc tranh thủ được các thời điểm lãi suất tiền gửi ở mức cao, đã giúp lợi nhuận đầu tư năm 2023 đạt 462.5 tỷ đồng, hoàn thành 106,3% kế hoạch cả năm. Tại thời điểm 31/12/2023, tổng danh mục đầu đạt 4.800 tỷ đồng, tăng 11,27% (486 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư tiền gửi và trái phiếu ngân hàng tăng 538 tỷ đồng.

“Năm 2024, VINARE sẽ thường xuyên rà soát tài sản đầu tư, đánh giá rủi ro các khoản mục đầu tư để đảm bảo an toàn, hiệu quả”, Chủ tịch HĐQT VINARE Nguyễn Anh Tuấn nói.

Không chỉ với các doanh nghiệp phi nhân thọ, tái bảo hiểm, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ cũng tăng cường bỏ vốn vào trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu tổ chức tín dụng, nhằm tối đa hóa hiệu quả đầu tư khi lãi suất tiền gửi xuống thấp.

Chẳng hạn, tại Dai-ichi Việt Nam, hiện chưa có số liệu cập nhật, nhưng tính đến cuối năm 2023, nhà bảo hiểm này nắm giữ lượng lớn trái phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Vietcombank, BIDV, VietinBank... Theo báo cáo tài chính năm 2023 của Dai-ichi Việt Nam, các khoản đầu tư dài hạn chủ yếu nằm dưới dạng trái phiếu (37.549 tỷ đồng), chiếm hơn 96% tổng giá trị danh mục đầu tư.

Trong đó, khoảng 8.315 tỷ đồng trái phiếu được phát hành bởi các ngân hàng Vietcombank (1.900 tỷ đồng), BIDV (1.800 tỷ đồng), VietinBank (1.585 tỷ đồng), LPBank (750 tỷ đồng), ACB (300 tỷ đồng), HDBank (630 tỷ đồng), OCB (300 tỷ đồng)…, trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp có thể kể đến như Năng lượng Hồng Phong 1 (400 tỷ đồng), Vingroup (300 tỷ đồng), Cơ điện lạnh - REE (200 tỷ đồng), Thiết bị điện Việt Nam (150 tỷ đồng)…

Nhờ đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Dai-ichi Việt Nam đạt hơn 3.439 tỷ đồng trong năm 2023, trong đó phần lớn đến từ lãi trái phiếu (2.140 tỷ đồng) và tiền gửi ngân hàng (552 tỷ đồng). Sau khi trừ chi phí, hoạt động này mang về 2.971 tỷ đồng lợi nhuận thuần, tăng 65,2% so với năm trước đó.

Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp còn thấp

Với đặc thù riêng, các doanh nghiệp bảo hiểm luôn ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài như trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng, mà hạn chế các tài sản rủi ro hơn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu…

Với đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn phải bảo đảm năng lực tài chính nhằm đáp ứng cam kết dài hạn của các hợp đồng bảo hiểm (đặc biệt là mảng bảo hiểm nhân thọ), các doanh nghiệp bảo hiểm luôn ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài như trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng, mà hạn chế các tài sản rủi ro hơn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu…

Tại Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Bảo hiểm Bảo Minh…, tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp đều ở mức thấp. Đơn cử, năm 2023, tỷ trọng đầu tư tiền gửi của BIC chiếm xấp xỉ 80% danh mục đầu tư, trong khi tỷ trọng đầu tư trái phiếu và cổ phiếu không cao. Năm 2024, định hướng đầu tư của BIC là tiếp tục tập trung vào tiền gửi ngân hàng.

Lãnh đạo một công ty phi nhân thọ lớn cho biết, dù có nguồn vốn dồi dào, nhưng nh bảo hiểm bị hạn chế trong hoạt động đầu tư để đảm bảo yếu tố an toàn, nhất là với những tài sản rủi ro như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu do doanh nghiệp phát hành... Chưa kể, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn chưa thực sự phát triển nên nhà bảo hiểm chưa “tự tin” bỏ vốn.

“Tất nhiên, trái phiếu của những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hiệu quả, có đủ xếp hạng tín nhiệm, minh bạch thông tin… vẫn hấp dẫn các công ty bảo hiểm”, vị lãnh đạo này nói.

Thực tế, việc công ty bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp từng gây lo ngại cho các cổ đông, nhà đầu tư. Còn nhớ, tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của MIC, nhiều cổ đông bày tỏ sự băn khoăn về tính an toàn của danh mục đầu tư trái phiếu khi MIC nắm giữ lượng lớn trái phiếu bất động sản. Để trấn an cổ đông, ông Đinh Như Tuynh - Tổng giám đốc MIC cho biết, việc trả gốc và lãi của các tổ chức phát hành vẫn đầy đủ, vẫn đảm bảo quyền và nghĩa vụ theo đúng hợp đồng.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, chủ yếu phân bổ vào trái phiếu chính phủ và tiền gửi ngân hàng, chỉ một tỷ lệ nhỏ phân bổ vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, đầu tư vào trái phiếu chính phủ chiếm tỷ trọng hơn 60% danh mục đầu tư (các doanh nghiệp nhân thọ chiếm khoảng 60% tỷ trọng đầu tư toàn thị trường nhân thọ; các doanh nghiệp phi nhân thọ chiếm khoảng 10%); tiền gửi ngân hàng chiếm tỷ trọng trên 20%; đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp khác chiếm khoảng 8%; các tài sản đầu tư còn lại như cho vay, kinh doanh bất động sản, ủy thác đầu tư và hoạt động khác chiếm tỷ khoảng 5%.

Tại hội nghị “Thị trường vốn nợ Việt Nam 2024” do FiinRatings tổ chức vào trung tuần tháng 4/2024 vừa qua, các chuyên gia đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện chưa hấp dẫn các công ty bảo hiểm - là các định chế tài chính lớn với danh mục đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD.

Theo FiinRatings, tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm hiện chỉ chiếm 6% trong cơ cấu nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu, trong khi ở Thái Lan tỷ lệ này là 18%. Phần lớn tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phân bổ vào trái phiếu chính phủ hoặc tiền gửi tiết kiệm với mức lãi suất chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp có thể giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, đem lại lợi suất tốt hơn, đồng thời có thể có kỳ hạn dài hơn, phù hợp với các nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp bảo hiểm. Được biết, tăng trưởng của ngành bảo hiểm (đi kèm các nghĩa vụ nợ tiềm tàng trong tương lai) duy trì ở mức 15-20%/năm trong những năm gần đây.

Các chuyên gia đầu tư quản lý quỹ cũng cho biết, nhiều công ty bảo hiểm muốn tăng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh trái phiếu chính phủ có lãi suất tương đối thấp, đồng thời phải đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cho người mua bảo hiểm. Do đó, về lâu dài, trái phiếu doanh nghiệp là một kênh đầu tư tốt để tăng lợi tức cho các công ty bảo hiểm. Nếu khắc phục được những điểm hạn chế hiện nay thì đây sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn thêm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong tương lai.

Kim Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/soi-danh-muc-dau-tu-cua-doanh-nghiep-bao-hiem-post345096.html