Sóc Trăng tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Sóc Trăng đã tận dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, nâng cấp tuyến lộ giao thông nông thôn liên ấp, xã Kế Thành (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) góp phần thuận lợi cho đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân. Ảnh: Hữu Lợi
Chương trình MTQG 1719 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua 2 năm triển khai thực hiện chương trình, đến nay tỉnh Sóc Trăng có 15/35 mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch trung hạn 2021-2025.
Theo ông Lý Rotha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, đến nay, tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ, xây dựng 4 công trình nước tập trung; thực hiện trên 40 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng. Đồng thời, triển khai xây dựng 113 công trình, trong đó 81 công trình lộ giao thông nông thôn, 21 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 10 công trình mạng lưới chợ; duy tu bảo dưỡng trên 50 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú...
“Đến ngày 30/10/2023, tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân được hơn 260,8 tỷ đồng (đạt 48,58%). Trong đó, kinh phí không thể giải ngân được trong năm 2023, ngân sách Trung ương hơn 71,5 tỷ (chiếm gần 15%). Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719 để đồng bào dân tộc thụ hưởng kịp thời chính sách, góp phần ổn định cuộc sống và phấn đấu, nỗ lực vươn lên” - ông Rotha nói.
Để Chương trình MTQG 1719 phát huy hiệu quả, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Chương trình MTQG 1719 tổng hòa tích hợp các chương trình, dự án chính sách dân tộc trước đây gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung thành phần với 180 hoạt động, trong đó có nhiều nội dung thành phần tập trung hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào Khmer). Trong triển khai thực hiện, tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhất là văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa kịp thời và đầy đủ, việc phân bổ nguồn vốn vào thời điểm giữa năm là chậm nên sẽ gặp khó trong giải ngân vốn.

Mô hình sinh kế đan lục bình được triển khai tại xã Vĩnh Qưới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ Khmer. Ảnh: Hữu Lợi
“Tuy nhiên, xác định mục tiêu, yêu cầu và ý nghĩa của Chương trình MTQG 1719 trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Căn cứ mức vốn được giao của các nội dung, dự án thành phần thuộc chương trình, khẩn trương rà soát, đăng ký danh mục và thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, đảm bảo kế hoạch giao vốn đúng theo quy định và giải ngân nguồn vốn kịp thời. Từ nay đến cuối năm 2023, tỉnh phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023 được giao thực hiện chương trình; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện tại đơn vị, địa phương...” - bà Ngọc nói.
Với sự chủ động, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự đồng thuận của người dân, tin rằng tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện đạt các mục tiêu chương trình đề ra.