Số người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời tăng gấp 3 lần
Năm 2024, ngành ghép tạng Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ khi số người hiến tạng sau khi qua đời tăng đột biến, gấp 3 lần so với những năm trước, đạt tỷ lệ 12% từ người hiến tạng. Dù số ca hiến tăng gấp nhiều lần nhưng Việt Nam hiện vẫn là nước có số lượng người hiến tạng từ người cho chết não thấp nhất thế giới.
Biến đau thương thành hành động
Ngày 20.5.2024 sẽ đi vào lịch sử của ngành ghép tạng Việt Nam, bởi đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi" và cùng gia đình trực tiếp đăng ký hiến tạng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hiến mô, tạng chính là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác.
Về chuyên môn, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ghép tạng là thành tựu y học lớn nhất của nhân loại thế kỷ XX và là biểu tượng của sự nhân văn, khi một người ra đi vẫn có thể trao tặng cơ hội sống cho 8-10 người khác, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội.
Theo thống kê của ngành y tế, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật ghép các loại tạng. Tính từ ca ghép tạng đầu tiên vào năm 1992 đến nay, đã có 9.297 ca ghép tạng được thực hiện, tuy vậy tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não còn khiêm tốn so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng. Số lượng ca chờ ghép cao, danh sách người chờ ghép tạng vẫn còn rất dài và mỗi ngày vẫn có rất nhiều người không có tạng để ghép.
Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng gia đình trực tiếp đăng ký hiến tạng, số người hiến tạng sau khi qua đời tăng đột biến, gấp 3 lần so với những năm trước, đạt tỷ lệ 12% từ người hiến tạng. Những con số ấn tượng trên đã phản ánh sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng về ý nghĩa của việc hiến tạng của bản thân mỗi công dân và người thân của mình.
Năm 2024, số ca được chẩn đoán chết não (tính đến ngày 15.12) là 189 ca, gấp gần 6 lần so với 34 ca được chẩn đoán chết não trong năm 2023; số bệnh nhân hiến tạng sau chết năm 2024 là 38 ca - đây được coi là số ca hiến tạng cao kỷ lục của Việt Nam tính đến nay.
Đây là thành quả sau những nỗ lực không ngừng nghỉ từ phía các cơ quan y tế, tổ chức vận động hiến tạng và đội ngũ y bác sĩ, những người đã làm việc ngày đêm để biến giấc mơ hồi sinh sự sống thành hiện thực. Tuy vậy, tỷ lệ hiến tạng từ người cho chết não còn khiêm tốn so với nhu cầu người đăng ký nhận tạng, đặc biệt là so với quy mô dân số 100 triệu dân…
Việt Nam có số ca ghép tạng/năm cao nhất Đông Nam Á
Theo Bộ Y tế, Việt Nam triển khai ghép tạng muộn hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á tới 20 năm. Trong hai năm 2022 và 2023, mỗi năm đã ghép hơn 1.000 ca và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có quyền tự hào, mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của chúng ta đã ngang bằng nhiều nước và tỉ lệ bệnh nhân sống khỏe mạnh sau ghép tạng còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, hiện chỉ hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỉ lệ này rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, chỉ số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam là 0,15 so với Tây Ban Nha là 49 - nước có chỉ số chết não hiến mô tạng cao nhất thế giới, nghĩa là 49 người chết não hiến mô tạng/1 triệu dân/năm. “Trong những năm qua, chúng ta đã có những tiến bộ để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não. Tỉ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023,” Bộ trưởng Đào Hồng Lan cung cấp thông tin.
Các cơ sở y tế Việt Nam đã làm chủ được chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ và tổ chức điều phối thực hiện ghép tạng. Tuy nhiên nếu không đủ nguồn mô, tạng của người hiến thì hàng vạn người bệnh vẫn phải tiếp tục chờ và hằng ngày, hằng giờ giành giật sự sống trước bệnh tật.
Trong năm 2024, việc thực hiện thành công các ca ghép tạng cũng là sự kiện của ngành y tế. Đáng chú ý nhất là ca ghép phổi thành công tại Bệnh viện Phổi Trung ương của bệnh nhân T.T.H (39 tuổi) - vốn được chẩn đoán mắc bệnh Lymphangioleiomatomatosis (LAM). Đây là một bệnh hiếm, trong quá trình ghép tĩnh mạch phổi dưới bên trái bệnh nhân còn bị khiếm khuyết gây ra khó khăn. Các bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng đã phải hội chẩn liên tục, "cân não" để tạo hình tĩnh mạch phổi dưới cho bệnh nhân (đây là kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng hiện nay, hầu hết chỉ được thực hiện ở các nước phát triển). Bệnh nhân chỉ được ra viện sau 7 tháng điều trị, theo dõi và có những diễn biến sức khỏe thật sự tích cực.
Bên cạnh đó là ca ghép đồng thời tim và gan cho bệnh nhân Đ.V.H (41 tuổi) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Anh H. phát hiện bệnh cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm theo thời gian kèm theo gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan. Và lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ tiến hành thành công ca ghép tim, gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng.
Đây đều là những kỳ tích chưa từng có trong lịch sử y học nước nhà, thành công của ca ghép khẳng định về mặt chuyên môn kỹ thuật phẫu thuật, gây mê hồi sức sánh ngang các nước phát triển, đồng thời khẳng định sự phối hợp chặt chẽ giữa các ê kíp, giữa bệnh viện hiến và bệnh viện ghép. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự trưởng thành của ngành ghép tạng nước nhà, sánh ngang với các nước có nền y học phát triển.
Số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho thấy tính từ ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Học viện Quân y vào ngày 4.6.1992, đến hết tháng 8.2024, tổng số ca ghép tạng đã được thực hiện tại Việt Nam là 9.089 ca. Có 8.331 ca ghép thận (8.011 ca hiến sống, chết não 313 ca và 7 ca chết tim); ghép gan 649 ca (521 ca hiến sống, 128 ca chết não); ghép tim 90 ca; ghép thận - tụy 1 ca; ghép tụy 1 ca; ghép tim - phổi 1 ca; ghép phổi 11 ca; ghép chi trên 3 ca; ghép ruột 2 ca.
Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 1.000 ca ghép được thực hiện, trong đó có khoảng 100 ca ghép gan, 90 ca ghép tim, 13 ca ghép phổi, ghép tụy và ghép ruột non đều tiến hành 2 ca. Việt Nam là nước duy nhất Đông Nam Á trong danh sách quốc gia thực hiện hơn 1.000 ca hiến ghép tạng mỗi năm kể từ 2022.
Mặc dù ghi nhận nhiều thành công, nhưng như đã đề cập ở trên, ghép tạng Việt Nam vẫn đối mặt với một vấn đề lớn: đó thiếu nguồn tạng hiến. Theo thống kê, 96% số ca ghép tạng hiện nay là từ người cho sống, trong khi nguồn hiến từ người chết não chỉ chiếm 4%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ 40 - 90% ở các nước phát triển.
Với những ý nghĩa của câu chuyện hiến mô, tạng và nền tảng là những thành tựu của năm 2024, y tế Việt Nam nói chung đã một lần nữa khẳng định tinh thần “lấy người bệnh là trung tâm”, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ y học khu vực và thế giới, đồng thời tạo động lực tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong năm 2025 và thời gian tiếp theo.