Số nghị sĩ 'nổi loạn' đạt mốc kỉ lục, Thủ tướng Anh đối diện áp lực cực lớn

Tối ngày 16/1 (giờ Anh), khoảng 60 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền đã bỏ phiếu ủng hộ việc chỉnh sửa dự luật đưa người nhập cư trái phép đến Rwanda (Dự luật Rwanda) theo hướng cứng rắn hơn, qua đó tiếp tục tạo áp lực lớn lên Thủ tướng Anh Rishi Sunak trước cuộc bỏ phiếu then chốt tiếp theo của dự luật gây tranh cãi ở chính trường nước này trong suốt thời gian qua.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu trước Hạ viện (Ảnh: Financial Times).

Mặc dù các đề xuất chỉnh sửa theo hướng cứng rắn hơn đối với Dự luật Rwanda đều không được Hạ viện Anh thông qua, cộng với việc một số thành viên chủ chốt trong đảng Bảo thủ, trong đó có một thành viên nội các, từ chức để bỏ phiếu theo hướng đi ngược lại đường lối của chính phủ nước này đã tạo nên cuộc “nổi loạn” lớn nhất kể từ khi ông Sunak lên nắm quyền hồi tháng 10/2022.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thương mại Kemi Badenoch, Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ Lee Anderson, cùng hai nghị sĩ Brendan Clarke-Smith và Jane Stevenson là những cá nhân đã từ chức để nằm trong nhóm 60 nghị sĩ “nổi loạn” (trong đó có cựu Thủ tướng Anh Liz Truss), trước những lời “đe dọa ngầm” rằng những nghị sĩ này có nguy cơ bị sa thải khi đi ngược lại đường lối của Chính phủ Anh.

“Bài kiểm tra” thực sự đối với ông Sunak sẽ đến trong ngày 17/1 khi Hạ viện Anh sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với “lần đọc thứ ba” (third reading) của Dự luật Rwanda, theo quy trình lập pháp ở đảo quốc sương mù.

Nếu như tiếp tục được các nghị sĩ thông qua, dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện Anh để tiếp tục thảo luận, trong khi đó kết quả ngược lại sẽ khiến cho một trong những chính sách cốt lõi của ông Sunak chính thức “chết yểu”, và có thể đem đến những tác động tiêu cực đối với uy tín của đảng Bảo thủ nói chung và vai trò lãnh đạo của ông Sunak nói riêng, trong bối cảnh năm nay sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.

Hiện, tình thế của ông Sunak phần nào giống với một trong những người tiền nhiệm của vị thủ tướng gốc Ấn Độ, bà Theresa May, bây giờ vẫn là một nghị sĩ và đang “ngồi hàng ghế sau” (backbench MP) của đảng Bảo thủ tại Hạ viện Anh.

Thời điểm nắm quyền, bà May đối mặt với sự nổi loạn “không hồi kết” của các nghị sĩ trong vấn đề thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) khi các thành viên cấp cao trong nội các “thay nhau” từ chức. Khi đó, ông Sunak vẫn là một Bộ trưởng cấp thấp trong chính phủ của nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử chính trị Vương quốc Anh.

Cựu Thủ tướng Anh, Nghị sĩ Theresa May (hàng sau cùng, thứ hai từ bên phải) lắng nghe ông Sunak trình bày (Ảnh: Getty).

Có thể nói, cuộc bỏ phiếu then chốt đối với Dự luật Rwanda (nhiều khả năng diễn ra vào buổi tối giờ địa phương) sẽ được một số nghị sĩ xem như “cuộc bỏ phiếu tín nhiệm” đối với ông Sunak.

Chắc chắn, vị thủ tướng sinh ra ở thành phố Southampton sẽ không xem nhẹ việc có nhiều nghị sĩ “nổi loạn” trong chính đảng của mình, khi đây là một trong những nguyên nhân chính đã khiến cho cả ba người tiền nhiệm, bao gồm bà Theresa May, ông Boris Johnson và bà Liz Truss buộc phải rời khỏi vị trí mà ông Sunak đang nắm giữ.

Việt Long

Theo BBC và The Guardian

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/so-nghi-si-noi-loan-dat-moc-ki-luc-thu-tuong-anh-doi-dien-ap-luc-cuc-lon-post1605159.tpo