Sở GTVT TP.HCM: Trạm sạc quyết định tính khả thi khi chuyển đổi xe điện
Theo Sở GTVT TP.HCM, để việc chuyển đổi sang xe buýt điện đạt hiệu quả, việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật hệ thống trạm sạc là rất cần thiết.
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi các bộ ngành liên quan về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo hướng dẫn kỹ thuật trạm sạc xe buýt điện.
Sở GTVT TP.HCM nhận định, hệ thống trạm sạc điện sẽ quyết định tính khả thi của lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đối với xe buýt nói riêng và phương tiện giao thông đường bộ nói chung.
Hệ thống này thông thường sẽ bao gồm các hợp phần chính như trụ sạc điện xoay chiều, trụ sạc điện một chiều, trụ sạc không dây, dây và cáp sạc, chuẩn đầu sạc giữa xe và trụ sạc, thiết bị bảo vệ an toàn cho người sử dụng…
Các phần chính trong hệ thống trạm sạc điện nêu trên đã có các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng, một số tiêu chuẩn cũng đã được đưa vào kế hoạch xây dựng trong các năm tới.
Trên thị trường hiện nay đang có nhiều loại trụ sạc điện, có thể tương thích với các loại xe điện khác nhau. Tuy nhiên, việc thiếu thống nhất về tiêu chuẩn trụ sạc có thể gây ra những khó khăn cho cơ quan quản lý, người dùng và doanh nghiệp.
Sở GTVT thông tin thêm, trong khi chờ các cơ quan Trung ương xây dựng và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm sạc, trụ sạc, cổng sạc dùng chung, Sở GTVT TP cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật hệ thống sạc xe buýt điện. Đến nay, dự án đã hoàn thành.
Tuy nhiên, trạm sạc điện có liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của nhiều ngành như: xây dựng, công thương, khoa học - công nghệ, phòng cháy chữa cháy. Do đó, Sở GTVT TP đề nghị các bộ ngành quan tâm cho ý kiến góp ý để Sở tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện hướng dẫn và triển khai các bước tiếp theo theo quy định.
Trước đó, TP.HCM thống nhất triển khai đề án chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, nhiên liệu xanh theo hai giai đoạn.
Ở giai đoạn 1 sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ và khuyến khích việc chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng; giai đoạn 2 sẽ xây dựng và hoàn thành đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông.
Trong giai đoạn 2, huyện Cần Giờ sẽ được xem xét như một đơn vị ưu tiên để thực hiện thí điểm chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng năng lượng điện.
Sở GTVT là đơn vị được giao thực hiện và đã hoàn thành chuyên đề đề án giai đoạn 1. Dự kiến thông qua HĐND TP sẽ thông qua chủ trương xây dựng nghị quyết ban hành quy định về lộ trình thực hiện trong kỳ họp chuyên đề tháng 1/2025.
TP.HCM, hệ thống xe buýt hiện có khoảng 2.209 phương tiện. Trong đó có 546 xe điện, xe CNG; 1.663 xe sử dụng nhiên liệu diesel. Tổng lượng phát thải hiện tại là CO2 là 553.299 tấn/năm 2024.
Dự kiến số lượng xe trên các tuyến mở mới giai đoạn năm 2025-2030 là 1.108 xe, nâng tổng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2030 là 3.317 xe.
Để đáp ứng kế hoạch chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, TP.HCM cần xây dựng ít nhất 25 trạm với 269 trụ sạc đến năm 2030.