Sổ điểm, học bạ điện tử: Tránh tình trạng 'làm đẹp' học bạ
Triển khai đại trà sổ điểm, học bạ điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn ngành mang lại nhiều lợi điểm...
Thúc đẩy triển khai đại trà sổ điểm, học bạ điện tử trên hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn ngành giúp đội ngũ giáo viên tiết kiệm nhiều thời gian, tập trung cho công tác chuyên môn. Số hóa trong giáo dục còn minh bạch kết quả học tập của học sinh, tránh tình trạng “làm đẹp” học bạ.
Tiện ích, minh bạch
Từ khi trường chuyển sang sử dụng sổ điểm điện tử, cô Lê Thị Kim Bông - Trường THPT Bình Sơn (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) không phải mang theo nhiều hồ sơ, sổ sách mỗi lần lên lớp.
“Với chức năng phân quyền trên hệ thống, việc vào điểm bài kiểm tra định kỳ của giáo viên nhanh chóng, thuận lợi. Nhất là với giáo viên bộ môn phải dạy nhiều lớp trước đây, mỗi lần nhập điểm thủ công rất vất vả vì đông học sinh. Nhưng với sổ điểm điện tử, các thầy cô có thể thao tác bất kỳ đâu chỉ với chiếc điện thoại thông minh”, cô Bông so sánh.
Thầy Lê Văn Một - Trường THCS Trần Hưng Đạo (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Trước đây, vào sổ điểm và ký học bạ giấy mất nhiều thời gian, dễ nhầm lẫn, khó hiệu chỉnh. Nhưng với sổ điểm điện tử, thao tác nhập điểm nhanh hơn, giáo viên thuận tiện, không phải chờ đợi nhau sử dụng chung một sổ điểm giấy/lớp. Sổ điểm điện tử giúp thông tin hai chiều giữa phụ huynh và nhà trường kịp thời”.
Triển khai sổ điểm, học bạ điện tử giúp việc quản lý toàn diện hoạt động dạy và học của nhà trường thuận lợi, nhanh chóng, chính xác và mang tính tương tác cao. Với sổ điểm điện tử, giáo viên cập nhật hằng ngày số học sinh vắng học, có và không phép. Các cột điểm kiểm tra định kỳ, thường xuyên…, ban giám hiệu vẫn có thể kiểm tra được với thao tác nhấp chuột.
Chia sẻ thông tin, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đồng thời cho hay: Với sổ điểm điện tử, hoạt động vào điểm của giáo viên lưu vết trên hệ thống. “Nếu muốn sửa điểm, giáo viên phải được sự cho phép của lãnh đạo nhà trường và mọi hoạt động lưu lại lịch sử. Điều này giúp hạn chế tối đa tình trạng giáo viên nâng và làm đẹp điểm số cho học sinh”, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai khẳng định.
Trong thời gian đầu triển khai sổ điểm điện tử, giáo viên Trường THPT Bình Sơn được sự hỗ trợ kịp thời của tổ Công nghệ thông tin. Theo nhận xét của cô Lê Thị Kim Bông, thao tác của phần mềm sổ điểm điện tử dễ sử dụng, không vướng mắc. Giáo viên có thể truy xuất dữ liệu mọi lúc miễn là có thiết bị kết nối Internet.
Cùng với sổ điểm điện tử, theo cô Lê Thị Kim Bông, giáo viên trong quá trình dạy học đều có sổ phụ cá nhân. Sổ này như một dạng nhật ký dạy học, giúp thầy cô ghi nhớ học sinh cần lưu ý trong tiết dạy.
“Ngoài đánh giá định kỳ, còn có cột điểm đánh giá thường xuyên. Sổ phụ giúp giáo viên nắm được tiến bộ, thay đổi trong quá trình học tập của học sinh để cải thiện điểm số qua phát biểu xây dựng bài, đóng góp nổi bật trong quá trình làm dự án học tập…”. Cùng quan điểm, cô Lê Thị Ngọc Anh cho biết, với học sinh mong muốn cải thiện điểm đánh giá thường xuyên, bao giờ giáo viên cũng tạo điều kiện. Khi đó, điểm số “tạm thời” được giáo viên ghi chép ở sổ phụ.
Trường vùng khó gỡ khó
Các trường học ở địa bàn miền núi huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) triển khai sổ điểm điện tử từ sớm, trước khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Bà Đinh Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD&ĐT Trà Bồng cho biết: “Dù có nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, song trước xu hướng chuyển đổi số, số hóa giáo dục, các trường học đều tìm cách khắc phục để sử dụng sổ điểm và học bạ điện tử. Các dữ liệu này được nhập lên hệ thống của ngành nên trường phải tiến hành đồng bộ”.
Thời gian đầu thực hiện sổ điểm điện tử, trường học thuộc xã Trà Sinh (huyện Trà Bồng) gặp nhiều khó khăn. “Đây là vùng “lõm”, không có trạm phát sóng nên giáo viên phải sử dụng mạng 3G để kết nối Internet. Vì vậy, tốc độ nhập dữ liệu chậm do mạng yếu. Nhiều thầy cô phải đợi đêm khuya mới đi “bắt sóng” nhập điểm do chất lượng đường truyền hạn chế, máy không load hết. Sau này, khi có 4G, tình trạng này được cải thiện nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Bồng, phần đông phụ huynh không quan tâm đến ứng dụng sổ liên lạc điện tử. Vì vậy, trong cuộc họp cha mẹ học sinh, giáo viên phải in bảng điểm giấy. Đây cũng là tình trạng diễn ra ở Trường THPT Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Việc liên kết giữa sổ điểm điện tử với một số ứng dụng của mạng giáo dục Việt Nam VnEdu để phụ huynh theo dõi, cập nhật kết quả học tập học sinh còn hạn chế. Nguyên nhân là do một bộ phận cha mẹ học sinh không có điện thoại hoặc điện thoại không kết nối Internet nên triển khai sổ điểm, sổ liên lạc điện tử gặp rào cản kỹ thuật”.
Ngoài ra, tuy thực hiện sổ điểm, học bạ điện tử nhưng giáo viên ở Trà Bồng chưa có chữ ký số. Chữ ký số của hiệu trưởng các trường mới sử dụng để thực hiện các giao dịch liên quan đến công tác tài chính là chủ yếu.
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng cho biết: Nhà trường đẩy mạnh số hóa hồ sơ hoạt động giáo dục, sổ điểm và chữ ký điện tử. Trường ký hợp đồng mua phần mềm của VNPT về sổ điểm điện tử, chữ ký số và triển khai học bạ, hồ sơ điện tử, giảm chi phí in ấn cho giáo viên, nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số của trường còn một số khó khăn như kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin lớn, thiết bị hay hư hỏng, tốc độ truy cập của một số website có liên quan đến giáo dục chậm…