SMA: 'Mảnh ghép' năng lượng trong hệ sinh thái DNP

Việc sở hữu Nhà máy thủy điện Đăkglun (Bình Phước) với công suất 18 MWV, CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (SMA) sẽ là mảnh ghép năng lượng đáng chú ý trong tham vọng đa ngành của 'nhóm DNP'.

CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn tiền thân là Công ty Thiết bị Phụ tùng Tp.HCM - một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong ngành vật tư, thiết bị phụ tùng trong hơn 40 năm và chuyển đổi sở hữu thành CTCP từ 1/3/2005.

Kinh doanh có chiều hướng thu hẹp

Sau đó, công ty mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và đầu tư thủy điện. Hiện đang sở hữu dự án Nhà máy Thủy điện Đakglun có công suất 18 MW với 2 tổ máy tại Bình Phước được đưa vào khai thác từ tháng 7/2011, sản lượng điện theo thiết kế đạt mức 75,81 triệu KWh/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp đang đặt kế hoạch tìm đối tác để đầu tư thêm dự án điện năng lượng mặt trời tại Đăkglun với công suất 49 MW, sản lượng điện là 86 triệu KWh/năm.

Cũng tại Bình Phước, Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn còn sở hữu 3 khu đất công trình năng lượng với tổng diện tích hơn 1 triệu m2, thời hạn thuê đến năm 2059, bao gồm: 570.675 m2 đất tại xã Bù Gia Mập; 325.064 m2 đất xã Đăk Nhau và 180.686 m2 đất tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng.

Với lĩnh vực năng lượng, CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn sẽ là một mảnh ghép mới trong tham vọng đa ngành của nhóm DNP.

Với lĩnh vực năng lượng, CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn sẽ là một mảnh ghép mới trong tham vọng đa ngành của nhóm DNP.

Mặc dù mảng thương mại hàng hóa là hoạt động đóng góp chính trong cơ cấu doanh thu của công ty nhưng biên lợi nhuận thấp, khiến đóng góp vào lợi nhuận gộp hầu như không đáng kể.

Nhìn chung, những năm qua, kết quả hoạt động kinh doanh của Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn không mấy khả quan. Sau khi niêm yết năm 2010, lợi nhuận ngày càng đi xuống với mức lãi hàng năm chỉ 5-7 tỷ đồng, thậm chí có năm lãi chưa đến 400 triệu đồng (năm 2015). Dòng tiền yếu kém cũng khiến công ty liên tục nợ cổ tức các năm 2012, 2013 và 2014.

Đến năm 2018, số cổ tức này mới được trả sau khi công ty báo lãi đột biến trên 38 tỷ đồng vào năm 2017 nhờ thời tiết thuận lợi giúp doanh thu, lợi nhuận của mảng thủy điện tăng vọt. Trái với kỳ vọng hoạt động của công ty sẽ khởi sắc hơn từ đây, bức tranh kinh doanh lại có chiều hướng đi xuống.

Kết thúc năm 2019, Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn ghi nhận lợi nhuận gộp thu về 35,9 tỷ đồng, giảm 35% so với 2018. Tương tự, năm 2020, lãi sau thuế của công ty lỗ 37,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty là 21,86 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 là -15,93 tỷ đồng. Do đó, cổ phiếu SMA của CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn bị Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo.

Trước đó, ngày 2/4/2021, cổ phiếu SMA đã bị HoSE đưa vào diện cảnh báo với lý do công ty có lợi nhuận sau thuế năm 2020 là -37,79 tỷ đồng. Chốt phiên 29/3, cổ phiếu SMA tăng kịch trần lên mức 11.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa hơn 223 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động kinh doanh chính có chiều hướng thu hẹp, Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn còn được nhắc đến nhiều hơn với những lùm xùm xung quanh vụ việc điều tra và xử lý sai phạm tại dự án trên lô đất 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM (trụ sở chính của công ty trước đây), được giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho 4 công ty thuê đất, trong đó có Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn.

Bóng dáng “nhóm DNP”

Mặc dù hoạt động kinh doanh nhiều năm nay không được khởi sắc. Song xét về hiệu quả kinh doanh năm 2021, doanh thu của Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn đạt 81,7 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020 và nguồn thu chủ yếu đến từ nhà máy thủy điện Đăkglun.

Được biết, thủy điện là mảng đầu tư nhận được nhiều quan tâm của CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings) và thời gian qua VSD Holdings đã có động thái "nhón chân" vào Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn.

Giữa năm 2019, dấu hiệu đổi chủ ở Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn đã xuất hiện với loạt giao dịch mua bán đáng chú ý. Cụ thể, ngày 13/6/2019, CTCP Thương mại và Đầu tư Vinataba đã thoái hết hơn 2,85 triệu cổ phiếu SMA chỉ sau 2 tháng nắm giữ. Đến phiên 29/7/2019, ông Nguyễn Đình Hiền, cựu Tổng Giám đốc - Thành viên HĐQT bán 1,7 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0,25%.

Chiều ngược lại, cũng trong phiên 13/6/2019, VSD Holdings đã mua vào thành công 4,6 triệu cổ phiếu SMA (tỷ lệ 24,43%). Cùng ngày, một nhà đầu tư khác là bà Đào Thị Hải Yến cũng mua 2,1 triệu cổ phần (11,27%) và trở thành cổ đông lớn của công ty.

Theo tìm hiểu, VSD Holdings thuộc sở hữu của doanh nhân Vũ Ngọc Tú. Ông Tú sinh năm 1989, là em họ của ông Vũ Đình Độ - Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Đồng Nai. Ông Tú đã tham gia vào nhiều thương vụ với người anh họ của mình.

Chẳng hạn, tháng 6/2017, VSD Holdings sang tay 1,57 triệu cổ phần CTCP Cấp thoát nước Long An (LAW) cho CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) - công ty con của Nhựa Đồng Nai (DNP) do ông Vũ Đình Độ làm Chủ tịch HĐQT. Trong thương vụ đấu giá CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình (NNB) vào đầu năm 2019, ông Vũ Ngọc Tú và DNP Water là 2 trong số 7 nhà đầu tư vượt qua vòng thẩm định năng lực tham gia đấu giá.

Đáng chú ý, tại chính Nhựa Đồng Nai, tính đến tháng 4/2020, nhóm nhà đầu tư liên quan tới ông Vũ Ngọc Tú gồm VSD Holdings, CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất và trực tiếp ông Tú sở hữu gần 21% cổ phần DNP.

Song song với việc thâu tóm Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn, nhóm nhà đầu tư họ Vũ đã hoàn tất mua lại CTCP Xây dựng và Năng lượng VCP (VCP Holdings) từ Vinaconex.

Đây không phải thương vụ hiếm hoi giữa “nhóm DNP” và Vinaconex. Vào cuối năm ngoái, Vinaconex cũng đã bán lại CTCP Xây dựng số 9 (VC9) cho nhóm này.

Trở lại với Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 đã thông qua cho phép VCP Holdings mua trên 25% vốn mà không cần chào mua công khai. Tới ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 10/2021, người mua lúc này được chuyển thành CTCP Thủy điện Nậm La - công ty con của VCP Holdings.

Theo đó, Thủy điện Nậm La được chấp thuận mua 10,5 triệu cổ phần, tương đương 51,55% cổ phần SMA từ 5 cá nhân với giá 20.000 đồng/cp. Vào cuối năm ngoái, Thủy điện Nậm La đã hoàn tất thương vụ này.

Thời gian qua, “nhóm DNP” của doanh nhân Vũ Đình Độ đang có động thái M&A hàng loạt doanh nghiệp chất lượng trên sàn chứng khoán, trong đó tập trung tái cấu trúc CTCP Tasco (HUT) thành một công ty holdings, ngoài ra còn có bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp (NVT), y tế (JVC), phân phối ô tô (SVC), xây dựng (VC9). Như vậy, với lĩnh vực năng lượng, CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn sẽ là một mảnh ghép trong tham vọng đa ngành của nhóm doanh nhân họ Vũ.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/sma-manh-ghep-nang-luong-trong-he-sinh-thai-dnp-1084526.html