Sinh viên Việt thiết kế phần mềm hỗ trợ người khuyết tật tại nơi làm việc
Cuộc thi thiết kế công cụ hỗ trợ cho người khuyết tật Accessibility Design Competition năm 2024 đã thu hút sự tham gia của 126 sinh viên đến từ 25 trường đại học trên cả nước.
Xây dựng trang web thư viện âm nhạc cho người mù hay ứng dụng giúp nâng cao khả năng đọc cho những người bị chứng khó đọc là hai trong rất nhiều ý tưởng sáng tạo của sinh viên Việt Nam tham gia cuộc thi thiết kế Accessibility Design Competition năm 2024 (ADC 2024) với chủ đề “Một thế giới dành cho tất cả mọi người”.
Cuộc thi do Đại học RMIT tổ chức,thu hút 126 thí sinh đến từ 25 trường đại học thuộc nhiều tỉnh, thành trên cả nước với sự đồng hành của 50 chuyên gia giữ vai trò cố vấn, huấn luyện viên và giám khảo.
Theo thông tin từ ban tổ chức, ngày 18/6, cuộc thi đã khép lại sau đêm chung kết đầy hấp dẫn với sự cạnh tranh của 4 đội thi xuất sắc nhất.
Danh hiệu Quán quân thuộc về The Great Musica, đội của các sinh viên Trường Đại học Fulbright. Xếp vị trí Á quân là đội Lexopia đến từ Đại học RMIT Việt Nam. Đồng hạng Quý quân là các đội HiWin gồm các sinh viên của Trường Đại học VinUni và đội Vista (gồm các thành viên đến từ Trường Đại học Thăng Long, Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Bách khoa Hà Nội).
Đội thắng cuộc The Great Musica gồm các thí sinh Lâm Vũ An, Nguyễn Khánh Thùy Dương và Đỗ Phan Quỳnh Trang. Nhóm giới thiệu dự án về một trang web đóng vai trò là thư viện âm nhạc toàn diện dành cho người mù và khiếm thị. Nền tảng này sẽ cung cấp một bộ sưu tập đa dạng các bản nhạc Việt bằng chữ nổi Braille, cùng tính năng chuyển đổi các bản nhạc tiêu chuẩn. Trang web thân thiện với người dùng, giúp những người gặp vấn đề về thị lực có thể tiếp cận âm nhạc một cách dễ dàng, nuôi dưỡng niềm đam mê và tài năng của họ.
Chia sẻ về chiến thắng sau đêm chung kết, trưởng nhóm The Great Musica Lâm Vũ An nhấn mạnh: “Thành tích này là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực và truyền cảm hứng cho những người khác.”
Cũng theo Lâm Vũ An, các cuộc thi thiết kế công cụ hỗ trợ người khuyết tật như ADC tại Việt Nam rất cần thiết vì giúp nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho các giải pháp đổi mới và thúc đẩy tính toàn diện, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người khuyết tật.
Đội Á quân Lexopia gồm ba sinh viên ngành Cử nhân Kinh doanh từ RMIT Việt Nam, Đỗ Phương Anh, Hồ Ngọc Khánh Quỳnh và Nguyễn Phúc Quỳnh Như.
Ý tưởng của nhóm là ứng dụng “Lexopia”. Đây là ứng dụng sáng tạo được thiết kế để nâng cao khả năng đọc, viết của những người mắc chứng khó đọc tại nơi làm việc, cho phép họ đóng góp vào hiệu quả chung của tổ chức. Bằng cách tận dụng các dịch vụ Microsoft Azure AI và Copilot, Lexopia đặt mục tiêu tăng năng suất của những người mắc chứng khó đọc trong môi trường chuyên nghiệp.
Các đội thi với sáng kiến liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và lọt vào vòng hai ADC 2024 cũng có cơ hội tham gia cuộc thi Microsoft ASEAN AI4A Hackathon tại Việt Nam. Đây là cuộc thi được Microsoft tổ chức hằng năm dành cho các đội thi khu vực Đông Nam Á sử dụng công nghệ AI để xây dựng các giải pháp nhằm xử lý những vấn đề thực tế, hướng đến xã hội dễ tiếp cận và toàn diện hơn.
Đánh về chất lượng các đội thi năm nay, ông Colin Blackwell, Chủ tịch Ủy ban nhân sự, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, thành viên ban giám khảo ADC cho biết: “Trong những năm trước của ADC, tôi đã thách thức các đội thi dùng AI để tạo các ứng dụng hoàn chỉnh và video chuyên nghiệp. Lần này, đội nào cũng đạt được mục tiêu đó. Các đội thi đã ứng dụng AI một cách thuận lợi để xây dựng giải pháp và giúp đỡ người khuyết tật có việc làm”.
Cũng theo ông Colin Blackwell, từ cuộc thi đã giới thiệu một số tài năng công nghệ trẻ xuất sắc của Việt Nam, được các đại diện doanh nghiệp tham dự cuộc thi săn đón tuyển dụng.
Phó Giáo sư Seng Kiat Kok, Giám đốc phụ trách sinh viên RMIT Việt Nam cho biết ADC là nơi ươm mầm các ý tưởng, mang đến sự đổi mới nhằm hỗ trợ tính bao hàm và khả năng tiếp cận, đồng thời mang lại ảnh hưởng thực sự cho cộng đồng./.