Siết chặt kỷ cương
Buông lỏng quản lý, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, vụ lợi cá nhân, để vợ con, người thân 'thò tay' thao túng… là những vấn đề nổi cộm trong các vụ án, vụ việc lớn gần đây, gây bức xúc dư luận.
Trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT) đã chỉ rõ những cá nhân, tổ chức đảng vi phạm, mức độ vi phạm và xử lý, kiến nghị xử lý nghiêm minh.
Có những vi phạm mang tính cá nhân, đơn lẻ song, không ít vi phạm nghiêm trọng kéo dài, liên quan nhiều cá nhân có chức trách trong cấp ủy đảng. Sai phạm trong tổ chức đảng liên quan những người đứng đầu mà bị bưng bít, không được khui lộ, làm rõ để xử lý, lâu ngày tạo bức xúc, bất mãn trong cán bộ, đảng viên và hiển nhiên tác động xấu đến đời sống tư tưởng, tinh thần của họ.
Nghiêm trọng hơn, nó tạo khủng hoảng tâm lý, khiến người trong cuộc bất mãn, gây ra những diễn biến phức tạp.
Những tồn tại đó đang được chấn chỉnh, tháo gỡ. Nhiều năm qua, người dân chờ đợi những kết luận của kỳ họp UBKT Trung ương với tính chất là một địa chỉ trao gửi niềm tin. Ở đó, người dân biết rõ được trong tháng qua những cá nhân nào, tổ chức đảng nào vi phạm, vi phạm mức độ ra sao, xử lý như thế nào.
Nhiều cán bộ lão thành cho biết, họ rất để tâm nghe những bản kết luận đó trên Đài Truyền hình Việt Nam hoặc theo dõi kỹ lưỡng trên báo chí, từ đó có các cuộc bàn luận rôm rả tại chi bộ thôn, phố. Và, cũng từ sự tin tưởng đó, nhiều vấn đề bức xúc, sai phạm liên quan cán bộ, đảng viên được người dân gửi đến UBKT Trung ương, đề nghị làm rõ, xử lý.
Câu hỏi đặt ra: Cơ quan UBKT Trung ương có từ lâu và các kết luận, xử lý cũng là việc chuyên môn thường ngày, vậy tại sao gần đây lại tạo nên sức hút, sự để tâm lớn như vậy? Ở đây, có 2 ý cần thấy:
Thứ nhất, trước đây, những bản kết luận kiểm tra của Đảng thường là tài liệu nội bộ, được công bố trong tổ chức đảng. Khi đảng viên nào đó sai phạm, bị xử lý kỷ luật thì thường chỉ trong nội bộ biết, chỉ một số trường hợp thông tin lên báo chí. Vì thế, nhiều khi đảng viên bị xử lý kỷ luật nhưng đi làm việc thì cơ quan, tổ chức và nhân dân vẫn không hay biết, thậm chí họ vẫn chăm chú nghe những đảng viên này giáo huấn như “tấm gương sáng”.
Ngày nay, câu chuyện “lưu hành nội bộ” đã thay đổi. Cái gì thuộc nội bộ và cái gì công khai đã rõ ràng, minh bạch theo tiến trình dân chủ. Người dân giám sát cán bộ, đảng viên thì về nguyên tắc, người dân phải biết được đảng viên của mình có thành tích, khen thưởng hay vi phạm, bị xử lý kỷ luật ra sao. Người dân có quyền được biết và cơ quan chức năng có nhiệm vụ công bố cho dân biết.
Sự công bố rộng rãi vừa đảm bảo nguyên tắc nhân dân làm chủ, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, vừa có ý nghĩa cảnh báo, răn đe, phòng ngừa rất hữu hiệu. Khi một ông bí thư tỉnh ủy có sai phạm, nếu việc kiểm tra chậm trễ, việc công bố cũng “nội bộ”, dễ tăng sự ngờ vực trong nhân dân. Ngược lại, khi sai phạm được kiểm tra và công bố công khai, để muôn dân được biết, tính răn đe của công tác kiểm tra, kỷ luật tăng lên gấp bội.
Thứ hai, kết luận của UBKT Trung ương tạo sự quan tâm đặc biệt trong công luận kể từ khi Đảng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII với tinh thần xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên sai phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Chính tinh thần mạnh tay, quyết liệt với vấn nạn tham nhũng, quan liêu, công cuộc “nhóm củi đốt lò” của Đảng đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Một nghị quyết đến nay thực sự mang thương hiệu, đó là thương hiệu của niềm tin, của tình cảm người dân với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chèo lái của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
UBKT Trung ương làm rõ những sai phạm của đảng viên, tổ chức đảng theo thẩm quyền và xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo đúng quy định của Đảng, đồng thời chuyển cơ quan quản lý nhà nước xử lý về mặt pháp luật.
Có thể thấy, nổi lên trong các kết luận về sai phạm của cá nhân, tổ chức đảng được UBKT Trung ương nêu ra là vi phạm về nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này nếu do người đứng đầu vi phạm kéo dài sẽ dẫn đến cả tổ chức đảng cơ quan, đơn vị đó trì trệ, gây hệ lụy lớn về vật chất và tinh thần.
Tại Kỳ họp thứ 35, UBKT Trung ương kết luận đối với Ban cán sự đảng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Kết luận nêu rõ: Ban cán sự đảng Bộ GTVT đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và Bộ GTVT.
Các Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng gồm: ông Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông và Nguyễn Nhật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công...
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 34, UBKT Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật Đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đại tá Đào Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
Kết luận nêu rõ: Trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty Thái Sơn, các ông Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tiếp nhận, chuyển ngạch lương, bổ nhiệm, phong quân hàm đối với Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) sai quy định, để đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian dài; trong việc thành lập, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn do Đinh Ngọc Hệ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, để công ty có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự.
Vụ gian lận điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang liên quan nhiều cá nhân có chức quyền ở tỉnh. Kết luận của UBKT Trung ương nêu rõ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã chấp hành không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra một số vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, nhất là công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018.
Trong các cá nhân có sai phạm thì ông Phạm Văn Thủy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT và ông Hoàng Tiến Đức, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi THPT chịu trách nhiệm chính về những vi phạm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành giáo dục, gây bức xúc trong xã hội, để nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự.
Tại Hội thảo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Bích Ngà - Ủy viên UBKT Trung ương cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều cán bộ ở cơ sở thấy cái đúng không dám bảo vệ, phát hiện cái sai không dám đấu tranh.
“Qua xem xét một số vụ việc với cán bộ, cấp cao cũng có, đứng đầu tỉnh cũng có, tôi cảm giác là họ trơ trẽn. Khi họp, tôi phát biểu tại sao một bí thư lại làm việc như thế, không thấy ngượng và trơ quá” - bà Bích Ngà thẳng thắn. Một số cán bộ thực hiện được hành vi tham nhũng là nhờ có chức vụ, quyền hạn nhưng để họ vi phạm được thì xung quanh phải có người “cùng họa vào”.
Tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Lâu nay, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức có quyền còn quan cách, gia trưởng, thậm chí có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng”.
Tổng Bí thư cho rằng, việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất.
Việc nắm tình hình nhân dân và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền làm chủ của nhân dân chưa kịp thời. Trong khi đó, nhiều người lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/siet-chat-ky-cuong-552956/