Siết chặt công tác thẩm định, cấp phép về phòng cháy, chữa cháy

Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, góp phần quan trọng trong sự phát triển KT-XH của địa phương. Công tác PCCC hiện nay được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng với nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là lĩnh vực quản lý, thẩm định, cấp phép về PCCC.

Từ đầu năm đến nay, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 71 vụ cháy, thiệt hại hơn 282 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển KT-XH, môi trường sống cũng như tình hình ANTT tại địa phương. Nguyên nhân được xác định chủ yếu là do xuất phát từ việc chủ quan, lơ là của người dân và sự thiếu ý thức, thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật trong việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn PCCC của một số cơ sở. Nhất là việc một số cơ sở cố tình trốn tránh, không thực hiện thủ tục thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC trước khi đi vào hoạt động; tự ý cơi nới, cải tạo sai với thiết kế, thẩm duyệt ban đầu; chuyển đổi công năng nhưng không đáp ứng yêu cầu về hệ thống PCCC.

Công an tỉnh tăng cường kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở nhằm phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm, đảm bảo an toàn PCCC.

Công an tỉnh tăng cường kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở nhằm phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm, đảm bảo an toàn PCCC.

Qua rà soát của cơ quan công an, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, lưu trú và một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được xây dựng từ những năm 2002 đến 2008 còn tồn tại nhiều hạn chế như: đường, lối thoát nạn; khả năng chống cháy lan; trang bị phương tiện PCCC... chưa đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành. Mặc dù được cơ quan Công an tỉnh hướng dẫn các giải pháp khắc phục song tiến độ thực hiện còn chậm.

Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh tăng cường nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác PCCC. Tham mưu với cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm trách nhiệm đối với đơn vị không chấp hành quy định pháp luật về an toàn PCCC. Đơn vị bố trí, phân công lực lượng tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm về cháy, nổ. Kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, xử lý nghiêm trường hợp chậm khắc phục, không khắc phục tồn tại, hạn chế về PCCC mà cơ quan chức năng đã chỉ ra.

Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở thuộc diện quản lý nhằm nắm bắt tình hình tại các địa bàn trọng điểm về cháy, nổ.

Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các cơ sở thuộc diện quản lý nhằm nắm bắt tình hình tại các địa bàn trọng điểm về cháy, nổ.

Trong 6 tháng đầu năm, cơ quan công an tiến hành 7.260 lượt kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở thuộc diện quản lý; xử lý vi phạm hành chính về PCCC đối với 194 trường hợp, với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Điển hình là Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu may Hải Anh, Công ty Cổ phần tổng hợp Trường Giang Phú Thọ, Công ty TNHH Tarp Line Hà Nội với những hành vi vi phạm chủ yếu là thiếu giấy phép PCCC, hệ thống PCCC không đảm bảo hoặc không được bảo trì định kỳ, lối thoát hiểm bị cản trở, hoặc không có phương án PCCC hiệu quả. Bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động hơn 200 cơ sở để khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC. Trong đó, có Nhà nghỉ Hải Nam (xã Xuân Lãng); Dự án Khách sạn Đại Lải Lake View của Công ty TNHH Đạt Phú Vinh Vĩnh Phúc (phường Xuân Hòa).

Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết: Một trong những giải pháp hiệu quả phòng ngừa cháy, nổ đó là việc thẩm định, cấp phép phải được siết chặt, thực hiện khắt khe. Thời gian qua, Công an tỉnh tham mưu với cấp có thẩm quyền siết chặt công tác cấp giấy phép kinh doanh, không cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đối với các cơ sở chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn PCCC. Xem xét rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở đang hoạt động nhưng không đủ điều kiện an toàn về PCCC, an ninh trật tự theo kiến nghị của ngành Công an hoặc các cơ quan có thẩm quyền.

Từ ngày 1/7/2025, theo Nghị định số 106/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Nghị định 106) chính thức có hiệu lực. Các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong thẩm định thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy được siết chặt hơn, với mức phạt tăng đáng kể. Đáng chú ý là phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với hành vi: “Đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan quản lý chuyên ngành.”

Với những quy định chặt chẽ và mức phạt nghiêm khắc hơn, tin tưởng rằng, Nghị định 106 sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức chấp hành pháp luật PCCC của các chủ đầu tư, đơn vị thi công và các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc chấp hành quy định an toàn về PCCC được tuân thủ nghiêm ngặt từ giai đoạn thiết kế, thẩm duyệt, thi công đến nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Từ đó, hạn chế tối đa nguyên nhân có thể xảy ra cháy, nổ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Phú Thọ nói riêng, cả nước nói chung.

Lê Minh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/siet-chat-cong-tac-tham-dinh-cap-phep-ve-phong-chay-chua-chay-236514.htm