Siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp
Ngày 30/6, Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN báo cáo về việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 tác động xấu đến nền kinh tế, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả khả quan. Năm 2022, thu ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN đạt 14,3 nghìn tỷ đồng (tăng 63% so với năm 2021).
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thu hút được 68 dự án FDI mới, 80 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,78 tỷ USD (đạt 89% mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra); 36 dự án DDI mới, 7 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 17.000 tỷ đồng (đạt 85% mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra).
Đến hết tháng 6/2023, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 461 dự án, trong đó có 359 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,2 tỷ USD, 102 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 31.200 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 16 KCN đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 17,5 nghìn tỷ đồng và 246,8 triệu USD.
Tổng diện tích đất quy hoạch cho các KCN là 3.156 ha, trong đó, diện tích đã bồi thường, GPMB là 1.901 ha, diện tích đã cho thuê, đăng ký là 1.293 ha.
Trong các KCN hiện có 390 dự án đang hoạt động SXKD (chiếm 87,4% tổng số dự án đầu tư), 56 dự án đang thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tỷ lệ lấp đầy các KCN đang hoạt động đạt 83%.
Về phát triển hạ tầng các CCN, đến hết tháng 6/2023, tỉnh đã thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh 16 CCN với tổng diện tích gần 424 ha (đạt 61,5% tổng diện tích quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh).
Hiện nay, đã có 7/9 KCN đã đi vào hoạt động, có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 33.000m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý 100% lượng nước thải phát sinh tại các KCN đã đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh; 100% các cơ sở SXKD trong KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tỷ lệ đấu nối hệ thống xử lý nước thải của các dự án SXKD trong KCN đạt 95%.
Hiện tại, 40/45 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý các KCN đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm 98% tổng số hồ sơ, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng và trước hạn đạt hơn 98%.
Năm 2022, Ban Quản lý các KCN đã đề xuất UBND tỉnh giảm thời gian giải quyết 6 TTHC, trình UBND tỉnh phê duyệt sửa đổi quy trình giải quyết nội bộ các TTHC 4 tại chỗ thuộc lĩnh vực lao động việc làm.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành khẳng định tỉnh luôn thực hiện theo tôn chỉ, mục đích về phát triển công nghiệp. Mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt ra về thu hút đầu tư là 2 - 2,5 tỷ USD, đến nay mới đi được nửa nhiệm kỳ song tỉnh đã gần cán đích, với số vốn thu hút được là 1,8 tỷ USD.
Nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý các KCN nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp.
Các ngành liên quan cần siết chặt công tác quản lý trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng hạ tầng, xây dựng hệ thống thông tin, lao động… trong các KCN.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành liên quan đến thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghiệp, trình UBND tỉnh xem xét, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong phát triển công nghiệp thời gian tới.