Amata VN lãi lớn: Loạt lùm xùm liên quan đến các dự án

Thu lãi lớn từ những dự án khu công nghiệp, song Amata vẫn còn để xảy ra những lùm xùm trong thu hút đầu tư hay hoang phí những khu đất cho dự án khu dân cư và thương mại khi hàng chục năm vẫn chưa triển khai...

Amata có mặt tại Việt Nam tròn 30 năm, đã sở hữu quỹ đất khoảng 3.000 ha với tổng vốn đầu tư là 860 triệu USD. Amata VN sở hữu 3 khu công nghiệp và 2 dự án phát triển đô thị trong danh mục đầu tư của mình dưới sự điều hành của 7 công ty con và 1 dự án liên doanh.

Loạt dự án đình đám mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cho Amata thời gian qua như: KCN Amata City Biên Hòa, KCN Amata City Long Thành, KCN Amata City Hạ Long…

Thu lãi lớn từ những dự án khu công nghiệp là vậy, song Amata vẫn còn để xảy ra những lùm xùm trong thu hút đầu tư hay hoang phí những khu đất cho dự án khu dân cư và thương mại khi hàng chục năm vẫn chưa triển khai...

* Amata Thái Lan lãi lớn thế nào từ chuỗi khu công nghiệp tại Việt Nam?

* Dự án chưa ‘thành hình’, Thành phố Amata Long Thành vẫn lãi tốt nhờ đâu?

* Lợi nhuận khác biệt của KCN Amata Biên Hòa, Amata Long Thành và Amata Hạ Long

Bỏ hoang loạt khu đất thuộc dự án thương mại và chung cư

Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, hồi đầu tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký Công văn số 12278/UBND-KTN gửi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai yêu cầu thành lập Tổ kiểm tra, rà soát lại hồ sơ pháp lý đối với dự án Khu thương mại Amata và khu đất thực hiện dự án nhà ở xã hội (tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai) của CTCP Đô thị Amata Biên Hòa.

Được biết, năm 2007, CTCP Đô thị Amata Biên Hòa được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho triển khai dự án Khu thương mại Amata tại phường Long Bình có quy mô tổng diện tích đất là 19,19 ha. Mục tiêu của dự án này là đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn năm sao, trường học quốc tế, phòng khám chất lượng cao, căn hộ cao cấp, biệt thự và khu giải trí. Tuy nhiên, đến nay là 17 năm nhưng phần lớn diện tích đất của dự án này vẫn đang bỏ hoang.

Ngoài ra, năm 2011, CTCP Đô thị Amata Biên Hòa cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng chung cư 2,43 ha là một phần trong dự án phát triển nhà ở Khu dân cư phục vụ tái định cư tại phường Long Bình rộng 14,3 ha.

Ttheo lộ trình, giai đoạn 1 (từ năm 2011-2012), công ty Amata sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như san nền, giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, nước bẩn, cây xanh, thông tin liên lạc theo quy hoạch được duyệt.

Ở giai đoạn 2 (từ năm 2013-2015) sau khi đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu tư xây dựng các hạng mục công trình nhà ở và chung cư.

Nhưng đến nay đã 13 năm, khu đất này vẫn bỏ hoang.

 Khu đất 2,43 ha xây dựng chung cư thuộc dự án đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Khu đất 2,43 ha xây dựng chung cư thuộc dự án đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Đô thị Amata Biên Hòa bị thua kiện liên quan vụ án tranh chấp hợp đồng thuê đất

Trước đó, hồi năm 2019, CTCP Đô thị Amata Biên Hòa đã bị thua kiện liên quan vụ án “Tranh chấp hợp đồng thuê đất”, nguyên đơn là Công ty TNHH ô tô Tấn Đạt Phát (phường Long Bình, TP.Biên Hòa).

Cụ thể, tháng 10/2009, Công ty Tấn Đạt Phát và Công ty Amata Biên Hòa (chủ đầu tư) ký hợp đồng thuê lại 8.420m2 đất có hạ tầng trong khu thương mại tại phường Long Bình với số tiền hơn 92 tỷ đồng. Thời hạn thuê là 50 năm.

Tháng 10/2011, Sở Tài nguyên - Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn với đất cho Công ty Tấn Đạt Phát.

Công ty này đã đầu tư xây dựng các công trình trên đất gồm: phòng trưng bày và xưởng sửa chữa ô tô với giá trị hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng đã trả 100% giá trị hợp đồng thuê đất cho Công ty Amata Biên Hòa (thuế, lãi trả chậm, tiền đất thô, các khoản phí…). Tổng cộng số tiền đầu tư gần 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tháng 12/2015, Sở Tài nguyên - Môi trường quyết định thu hồi giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho Công ty Tấn Đạt Phát.

Lý do, thửa đất đó nằm trong quy hoạch dự án Khu thương mại, dịch vụ và nhà ở của Công ty Amata Biên Hòa, không thuộc quy hoạch Khu công nghiệp Công ty Amata Biên Hòa; căn cứ theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Công ty Amata Biên Hòa thuê đất trả tiền hằng năm thì không được thực hiện quyền cho Công ty Tấn Đạt Phát thuê lại đất.

Sau đó, Công ty Amata Biên Hòa nộp thuế một lần cho nhà nước với tổng diện tích 8.420m2 (đất cho Công ty Tấn Đạt Phát thuê) và đã tiến hành ký lại hợp đồng thuê đất với Công ty Tấn Đạt Phát.

Trong đó, Điều 4 của hợp đồng này có nêu rõ: “Bên cho thuê (Công ty Amata Biên Hòa) đồng ý thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bên thuê (Công ty Tấn Đạt Phát) trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng”. Thế nhưng, Công ty Amata Biên Hòa không thực hiện đúng như thỏa thuận.

Tháng 3/2017, Sở Tài nguyên - Môi trường có công văn gửi UBND tỉnh đề nghị Công ty Amata Biên Hòa ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho Công ty Tấn Đạt Phát (thay cho hợp đồng thuê lại QSDĐ). Trên cơ sở đó, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh lập thủ tục thu hồi đất thuê của Công ty Amata Biên Hòa và cho Công ty Tấn Đạt Phát thuê đất.

Thế nhưng, Công ty Amata Biên Hòa không đồng ý mà yêu cầu Công ty Tấn Đạt Phát trả thêm 54 tỷ đồng thì mới ký chuyển nhượng. Không đồng tình, công ty Tấn Đạt Phát đã khởi kiện Công ty Amata Biên Hòa ra tòa.

Tại phiên sơ thẩm tháng 12/2019, Tòa án đã buộc Công ty Amata Biên Hòa phải có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục để Công ty Tấn Đạt Phát được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đồng thời trả lại những khoản thu trái pháp luật của Tấn Đạt Phát với số tiền trên 4,5 tỷ đồng và hơn 4,1 tỷ đồng là số tiền lãi mà Công ty Amata Biên Hòa thu trái pháp luật.

Ngoài ra, Công ty Amata Biên Hòa phải hủy Điều 3.1.C của hợp đồng liên quan đến chi phí về đất, vì công ty không có quyền cho thuê đất thô theo quy định của pháp luật; buộc Công ty Amata Biên Hòa không được thu tiếp chi phí về đất đối với Công ty Tấn Đạt Phát trong suốt thời hạn thuê từ năm 2021-2057.

 KCN Amata Biên Hòa

KCN Amata Biên Hòa

Để doanh nghiệp xây dựng không phép trong Khu công nghệ cao Long Thành

Gần đây nhất, tháng 2/2024, Chủ tịch UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 130 triệu đồng đối với Công ty TNHH Kingfa Science & Technology (Việt Nam) về hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép trong Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành.

Quyết định xử phạt buộc Công ty Kingfa Science & Technology (Việt Nam) khắc phục hậu quả bằng việc ngừng thi công công trình vi phạm; đồng thời, phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng theo quy định.

Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành có diện tích 410 ha, do CTCP Đô thị Amata Long Thành làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư 282 triệu USD được khởi công xây dựng hạ tầng vào ngày 7/7/2023.

Qua sự việc này, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của CTCP Đô thị Amata Long Thành ở đâu khi là chủ đầu tư Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành nhưng lại để cho Công ty TNHH Kingfa Science & Technology (Việt Nam) là đơn vị thuê đất xây dựng không phép như vậy?

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/bat-dong-san/amata-vn-lai-lon-loat-lum-xum-lien-quan-den-cac-du-an-228287.html