Sau thanh tra, rừng Sóc Sơn vẫn bị lấn chiếm

Dư luận hiện đang rất quan tâm đến nguyên nhân sạt lở ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó nhức nhối nhất là thực trạng nhiều công trình quanh điểm sạt lở vùi lấp ô tô thuộc xóm Ban Tiện đã có vi phạm, vô tư 'mọc' trên đất rừng.

Hàng trăm công trình vi phạm trên đất rừng

Cách đây hơn 4 năm, tháng 10/2018, sau khi dư luận phản ánh tình trạng hàng loạt công trình mọc lên trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, Thanh tra TP Hà Nội đã quyết định thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trong đó tập trung vào "điểm nóng" vi phạm tại hai xã Minh Phú và Minh Trí.

Tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn. Trong đó nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, cũng như khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm. Sau kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể, với 76 công trình vi phạm nằm ở ven các hồ dưới chân núi thuộc địa bàn 2 xã Minh Trí và Minh Phú được nêu trong kết luận thanh tra, huyện Sóc Sơn đã xử lý 40 trường hợp.

Với 36 trường hợp còn lại nằm ở ven hồ, khi huyện Sóc Sơn đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế thì trong năm 2020 Thanh tra Chính phủ đề nghị tạm dừng, giữ nguyên hiện trạng, chờ điều chỉnh quy hoạch rừng. Khi điều chỉnh quy hoạch xong, công trình nào phù hợp thì giữ lại còn không sẽ bị cưỡng chế.

Khu vực xảy ra sạt lở vùi lấp hơn 10 xe ô tô. Ảnh: QP

Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các kết luận của thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng. Cụ thể, 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp nêu ra từ năm 2008 nhưng không được xử lý mà tiếp tục để phát sinh các vi phạm mới.

Đến năm 2017, huyện mới xác định 555 công trình vi phạm, nay vẫn còn 485/555 công trình chưa xử lý. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy, việc xác định công trình vi phạm của UBND huyện Sóc Sơn năm 2017 không chính xác, con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có đến 797 công trình vi phạm.

Với việc xử lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), huyện Sóc Sơn vẫn chưa thu hồi 2/10 sổ đỏ cấp không đúng đối tượng. Chủ sử dụng 2 thửa đất trên đã chuyển nhượng đất và chính quyền Sóc Sơn lại làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ cho người mua vào năm 2009, 2017. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn đã ban hành 63 quyết định và thông báo thu hồi đất ở nằm trong quy hoạch rừng nhưng thực tế chưa thu hồi, các hộ dân vẫn đang sử dụng.

Huyện Sóc Sơn không kiểm tra và xử lý 336 trường hợp chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng. Sau khi TP phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng, huyện không thống kê, kiểm tra, để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng khiến tình hình phức tạp hơn; đặc biệt là khu vực ven hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan và lâm trường Sóc Sơn. Ngoài trách nhiệm thuộc về các cơ quan của huyện Sóc Sơn, Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ rõ trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Thanh tra Sở Xây dựng giai đoạn 2014-2016 và Sở Tài nguyên và Môi trường giai đoạn từ năm 2008 đến nay.

Vi phạm vẫn tiếp diễn

Tuy nhiên, thực tế, kể cả sau khi có kết luận của Thanh tra TP, hàng loạt công trình vẫn tiếp tục mọc lên trên đất rừng ở huyện Sóc Sơn buộc lực lượng chức năng phải ra quân xử lý. Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, đã phát hiện 187 trường hợp vi phạm, trong đó xử lý được 124 trường hợp. Trong năm 2022, có 245 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 xử lý hơn 300 trường hợp.

Tuy nhiên, ông Ngọc cũng cho rằng, dù huyện luôn đặt mục tiêu ngăn chặn và xử lý nhưng người dân vẫn tự phát vi phạm. Ông Ngọc cũng nhấn mạnh, huyện rất kiên quyết trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Tháng 6 vừa qua, huyện đã tạm đình chỉ 3 Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí, Nam Sơn, Mai Đình để tập trung vào công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Trước đó, đã có 2 Chủ tịch UBND xã bị kỷ luật vì để địa bàn xảy ra nhiều vi phạm.

Nhiều xe ô tô bị vùi lấp tại tuyến đường bê tông xóm Ban Tiện, thôn Phù Ninh, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vào sáng 4/8. Ảnh: TP

Ông Ngọc thẳng thắn, vẫn còn một số trường hợp vi phạm nhưng xã “giấu”, ở trên huyện không biết được. “Tháng 7 vừa rồi, huyện cho đi kiểm tra địa bàn từ đầu năm đến giờ xem xã nào giấu. Huyện đang làm hết sức nhưng việc này phức tạp, cần làm dần từng bước”, ông Ngọc nói. Theo ông Ngọc, việc phát hiện vi phạm bắt buộc phải từ cơ sở vì nhiều nơi trên địa bàn vẫn ở khu vực đất ở nông thôn, khi xây dựng không cần cấp phép. Khi có quy hoạch rừng, với những công trình phù hợp, cơ quan chức năng sẽ giữ lại, còn những công trình nằm trong phạm vi đất rừng sẽ bị cưỡng chế.

Ông Phạm Quang Ngọc cho biết, kể từ sau thời điểm Thanh tra TP ban hành kết luận năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng của huyện này vẫn tiếp tục phát hiện nhiều công trình vi phạm ở khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí). Năm 2022 và 2023, xã Minh Trí phải xử lý gần 30 trường hợp. Vừa rồi, huyện ra quân phá dỡ 268 lều nhỏ trong rừng.

Cũng theo ông Ngọc, ngày 7/8, sau 3 ngày xảy ra vụ sạt lở đất, đá vùi lấp hơn 10 ô tô, chính quyền huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã cho phương tiện vào đào tung tuyến đường bê tông ở xóm Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú). Tuyến đường nơi hơn 10 ô tô bị vùi lấp là do người dân tự ý làm để đi lên các homestay và nhà ở. Sau khi xảy ra vụ sạt lở, chính quyền địa phương đã huy động phương tiện vào phá dỡ tuyến đường. Trước đó, huyện cũng phá dỡ 2 tuyến đường tự phát trên địa bàn xã Minh Phú.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng khẳng định, một số công trình ở khu vực này có vi phạm vì nằm trong quy hoạch đất rừng. Hiện nay, huyện Sóc Sơn đang cho rà soát để phân định ranh giới đất ở và đất rừng.

Riêng khu nhà nằm ở vị trí cao nhất của ngọn núi bị sạt lở, ông Phạm Quang Ngọc cho biết, từ tháng 8/2022, huyện đã có biện pháp cưỡng chế nhưng chủ nhà có đơn xin tạm hoãn, do có người bị bệnh nặng. Trong tháng 8, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục cưỡng chế công trình vi phạm này. Hồ sơ thiết lập năm 2021 thể hiện hộ gia đình này tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.

TL

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/sau-thanh-tra-rung-soc-son-van-bi-lan-chiem-i703042/