Sau sáp nhập, thuận lợi và thách thức với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau ra sao?

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu (cũ) được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau.

Theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025, tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu sáp nhập thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Cà Mau.

Sau khi sắp xếp, tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên là 7.942,39 km2, quy mô dân số là 2.606.672 người.

Tân Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau từng giữ chức vụ Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu

Chiều ngày 30/6/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã tổ chức hội nghị công bố các Quyết định về công tác cán bộ.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Nguyên, Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu (cũ) được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau (mới).

Các Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau (sau sáp nhập) gồm: ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau (cũ), Tạ Thanh Vũ – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau (cũ); Nguyễn Bá Long - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu (cũ).

Ông Nguyễn Văn Nguyên (sinh năm 1970, tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An), có trình độ chuyên môn cử nhân Toán học, cử nhân Quản lý giáo dục, Thạc sĩ Toán học.

Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, ông Nguyên từng làm Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, Quyền Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu. [1]

 Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau phát biểu tại buổi họp toàn thể cán bộ, công chức cơ quan. Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau phát biểu tại buổi họp toàn thể cán bộ, công chức cơ quan. Ảnh: Website Sở Giáo dục và Đào tạo Cà Mau.

Những thuận lợi, thách thức của ngành giáo dục và đào tạo 2 tỉnh trước sáp nhập

Trước khi sáp nhập, cả Cà Mau và Bạc Liêu đều có những thế mạnh riêng về giáo dục và đào tạo tạo dấu ấn phát triển mạnh mẽ cho vùng cực Nam Tổ quốc.

Tại tỉnh Cà Mau (cũ), thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, trong năm qua, ngành giáo dục Cà Mau đã vượt qua nhiều khó khăn và đưa ra nhiều giải pháp giúp nâng cao chất lượng đào tạo và đã gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được củng cố và tăng cường, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy và giáo dục của nhà trường trong mọi cấp học. Đặc biệt là việc đẩy mạnh đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và quản lý giúp người dạy và người học thuận tiện trong việc truyền, nhận kiến thức...

Hệ thống trường học của tỉnh được đầu tư phát triển đã giúp đảm bảo tỷ lệ huy động và duy trì sĩ số học sinh. Tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng; Kết hợp dạy văn hóa gắn với dạy nghề tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; Tổ chức triển khai dạy học tích hợp giáo dục kĩ năng sống và giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học chính khóa và ngoại khóa...

Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng đối với cấp trung học cơ sở duy trì trên 96%, trung học phổ thông 94,3%; Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở duy trì trên 99%, tốt nghiệp trung học phổ thông trên 97%, năm 2024 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp kỳ thi trung học phổ thông đạt 99,12%.

Tính đến tháng 11/2024, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị, gồm: 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (3 trường cao đẳng), có 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập (2 trung tâm đào tạo lái xe và 2 cơ sở đào tạo khác có tham gia đào tạo nghề); So với năm 2021, giảm 9 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đối với giáo dục mầm non, hiện toàn tỉnh có 134 cơ sở giáo dục mầm non (120 công lập, 14 ngoài công lập); với 1.172 lớp và 30.217 trẻ. 100% các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện nghiêm túc Chương trình giáo dục mầm non và chế độ sinh hoạt một ngày của trẻ theo quy định.

Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đã được ngành giáo dục triển khai, quán triệt sâu rộng đến các đơn vị giáo dục, đội ngũ công chức, viên chức của ngành.

Theo đó, ngay từ đầu năm, ngành giáo dục Cà Mau đã tập trung triển khai thực hiện các phong trào và các cuộc vận động, nhất là tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy; Chú trọng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học; Phổ biến tài liệu hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến từng giáo viên...Từ đó góp phần lớn vào công tác nâng cao chất lượng giáo dục.

Công tác xã hội hóa giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng có nhiều khởi sắc, được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đã có hàng trăm tổ chức cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh chung tay đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà. Theo đó, hàng tỷ đồng được sử dụng để xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học; hàng ngàn phần quà, học bổng đến với học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh góp phần ngăn dòng bỏ học. [2]

Cũng theo báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 6 năm 2025 tỉnh Cà Mau, tỉnh đã xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm thực hiện

Đến nay toàn tỉnh hiện có 388/486 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 79,8%. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với tổng số 11.130 thí sinh dự thi (Trong đó có 10.983 thí sinh trung học phổ thông; 147 thí sinh giáo dục thường xuyên). Tỉnh đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ học sinh con hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn về nơi ăn ở, phương tiện đi lại, không để bất kỳ một em học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không tham dự kỳ thi. [3]

Đối với tỉnh Bạc Liêu (cũ), ngành giáo dục và đào tạo tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong tình hình mới.

Trong đó triển khai kịp thời giáo dục STEM, vận dụng hiệu quả “Học thông qua chơi”, xây dựng “Trường học hạnh phúc”, triển khai tích cực Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh được chú trọng, các hoạt động phong trào thi đua trong các nhà trường, cơ sở giáo dục được đẩy mạnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức được quan tâm thực hiện, chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp tiếp tục được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong quản lý giáo dục được đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.

Các kỳ thi, hội thi được chuẩn bị chu đáo và tổ chức tốt, đạt kết quả khá cao, nổi bật là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024, tỉnh có 18 học sinh đoạt giải, tăng 14 giải so với năm 2023. Chất lượng giáo dục phổ thông năm học học 2023 - 2024 được duy trì, ổn định và đạt ở mức cao; trẻ mầm non đến trường được đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất lẫn tinh thần.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, toàn tỉnh có 99,97% học sinh đỗ tốt nghiệp, tăng 0,25% so với năm 2023, đứng thứ tư khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng. Tỉnh tiếp tục đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (64/64 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) đạt chuẩn mức độ 2, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (có 64/64 xã đạt chuẩn mức độ 3) và phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3 (có 64/64 xã đạt chuẩn mức độ 3).

Đồng thời, nhiệm vụ năm học mới 2024 - 2025 được triển khai theo kế hoạch. Công tác đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cơ bản đi vào nề nếp, chất lượng giảng dạy được chú trọng, nâng lên.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học tiếp tục được quan tâm đầu tư đáp ứng yêu cầu đổi mới, bảo đảm phù hợp cho từng cấp học. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu được quan tâm.

Ước tính toàn tỉnh có 239/266 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 89,85%. 74/76 trường mầm non, mẫu giáo công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt 97,37% (trong đó có 43 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2); 96/107 trường tiểu học (trong đó có 51 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), đạt tỷ lệ 87,85%; 54/63 trường trung học cơ sở (trong đó có 23 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), đạt tỷ lệ 85,71% và 15/20 trường trung học phổ thông (trong đó có 02 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2), đạt tỷ lệ 75%. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 9 trường (gồm 3 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông). [4]

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành giáo dục của 2 tỉnh vẫn còn một số thách thức còn tồn đọng. Tại tỉnh Cà Mau (cũ), lĩnh vực giáo dục hiện nay còn một số bất cập như: Tỷ lệ huy động trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo 3,4 tuổi ra lớp còn thấp, đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu, hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tuyển dụng nhưng không có nguồn.

Mạng lưới trường học tuy được sắp xếp theo hướng phù hợp, nhưng còn phân tán, thiếu tập trung. Cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đủ thu nhận hết trẻ trong độ tuổi; nhiều nơi chưa đảm bảo điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày. Riêng cấp học mầm non hiện còn một số phòng học nhờ, mượn tại trường tiểu học và trung học cơ sở, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy học. [5]

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn xảy ra; một số máy móc, thiết bị y tế đã cũ và cơ sở hạ tầng xuống cấp, bị hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến liên kết, cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề cho doanh nghiệp chưa kịp thời. [6]

Đối với tỉnh Bạc Liêu (cũ), một số khó khăn còn gặp phải như tiến độ biên soạn và xuất bản Tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh còn chậm so với lộ trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số trường còn gặp nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và dạy 2 buổi/ngày. [7]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://camau.edu.vn/tin-trong-nganh/ong-nguyen-van-nguyen-duoc-bo-nhiem-lam-giam-doc-so-gd-dt-ca-mau-285481

[2] https://sogddt.camau.gov.vn/tin-trong-nganh/khoi-sac-giao-duc-ca-mau-279391

[3] https://www.camau.gov.vn/bao-cao-kinh-te-xa-hoi/bao-cao-so-277-bc-ubnd-cong-tac-chi-dao-dieu-hanh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thang-6-nam-2025-tin-285634

[4] Văn bản Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

[5] https://sogddt.camau.gov.vn/tin-trong-nganh/so-gd-dt-ca-mau-hoi-nghi-tong-ket-cac-de-an-chuong-trinh-trong-linh-vuc-giao-duc-nam-hoc-2024-20-284320

[6] https://www.camau.gov.vn/bao-cao-kinh-te-xa-hoi/bao-cao-so-528-bc-ubnd-cong-tac-chi-dao-dieu-hanh-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-thang-12-ca-nam-2024-263956

[7] Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Thanh Thúy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sau-sap-nhap-thuan-loi-va-thach-thuc-voi-so-giao-duc-va-dao-tao-tinh-ca-mau-ra-sao-post252600.gd