Sầu riêng và niềm vui chung của Đạ Huoai

Đảng bộ, chính quyền huyện Đạ Huoai một thời gian dài rất trăn trở trong việc tìm những giải pháp kịp thời khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Cuối cùng cây sầu riêng đã bén rễ, đơm hoa, kết trái; đưa nền sản xuất nông nghiệp lên tầm cao mới, mang lại sự giàu có cho người dân.

Đạ Huoai biểu dương 138 tỷ phú sầu riêng của địa phương

Đạ Huoai biểu dương 138 tỷ phú sầu riêng của địa phương

THÀNH CÔNG TỪ 3 NGHỊ QUYẾT CHUYÊN ĐỀ

Từ những thành quả ban đầu mà cây sầu riêng mang lại, với tiềm năng lợi thế về quỹ đất, sự phù hợp với chủng loại cây trồng, Đảng bộ huyện Đạ Huoai đã định hướng phát triển cây sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực để xây dựng kế hoạch chuyển đổi giống cây trồng giúp cho người nông dân trong huyện vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Để phát triển cây sầu riêng thành cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện theo đúng định hướng, Huyện ủy đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh chỉ đạo, đặc biệt là cây sầu riêng: Nghị quyết số 19 về chuyển đổi cây điều và cải tạo cây ăn quả trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2012; Nghị quyết số 03 về đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích và thu nhập cho người dân giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 01 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương giai đoạn 2021-2025.

Quá trình triển khại thực hiện, nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự hưởng ứng, tin tưởng vào sự lãnh chỉ đạo của Đảng, chính quyền của người dân; chương trình chuyển đổi giống cây trồng đã đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Diện tích cây sầu riêng được người dân chuyển đổi từ các giống cây trồng kém hiệu quả tăng hàng năm. Cụ thể năm 2015, trên địa bàn toàn huyện chỉ có 2.316 ha sầu riêng, trong đó, diện tích sầu riêng ghép 1.477 ha nhưng đến năm 2024, diện tích cây sầu riêng đạt 6.393 ha, trong đó diện tích sầu riêng ghép là 6.294 ha, chiếm 98,4% tổng diện tích sầu riêng của huyện; năng suất, chất lượng, sản lượng sầu riêng được nâng lên rõ rệt.

Công tác quy hoạch vùng sản xuất sầu riêng tập trung, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; hình thành 5 vùng quy hoạch sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 1.120 ha.

Hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất đã được quan tâm đầu tư: Hệ thống đường giao thông trên địa bàn được đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản của người dân; đến nay có trên 360 km đường giao thông kết nối. Hệ thống điện 3 pha phục vụ sản xuất sầu riêng tại vùng sản xuất tập trung đã được đầu tư; đến nay có 3 công trình đường điện hạ thế phục vụ cho sản xuất. Hệ thống hồ, đập thủy lợi, các ao, hồ nhỏ kết hợp khai thác nguồn nước tự chảy, sông, suối để sản xuất sầu riêng cũng được đẩy mạnh triển khai thực hiện.

NHỮNG NÔNG DÂN TỶ PHÚ

Sản phẩm "Sầu riêng Đạ Huoai" có ưu điểm thơm ngon, ngọt dịu, mịn, ít xơ; đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng. Để giữ được thương hiệu và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm sầu riêng thuận lợi; thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm chỉ đạo triển khai Đề án truy xuất nguồn gốc sầu riêng Đạ Huoai. Đồng thời, triển khai chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mã vùng trồng; triển khai Chương trình OCOP; đẩy mạnh phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng theo chuỗi giá trị.

Đến nay có trên 954 ha/359 hộ thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩnVietGAP; có 2 sản phẩm sầu riêng được cấp giấy chứng nhận Sản phẩm OCOP 3 sao; xây dựng 7 dự án/kế hoạch sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; có 3 mã cơ sở đóng gói, 47 mã vùng trồng với 1.979 ha (932 hộ) đã được Cục Hải quan Trung Quốc cấp giấy chứng nhận mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Để đảm bảo cho ngành hàng sầu riêng phát triển ổn định, bền vững, huyện Đạ Huoai đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng trong việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn; tiếp tục triển khai và hoàn thành quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Đạ Oai để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sầu riêng. Phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hợp tác xã trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm chất lượng, ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc để nâng cao chuỗi giá trị nông sản.

Có thể thấy, cây sầu riêng có vai trò rất lớn trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo sinh kế, giúp người nông dân vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện toàn huyện có hơn 1.000 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên; số hộ cho thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên đạt 391 hộ. Và, trong những lần hội nghị, gặp gỡ nông dân, đồng chí Nguyễn Quý Mỵ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện luôn luôn nhắc nhở người nông dân hãy trở thành những nông dân tử tế; tử tế để tạo ra sản phẩm sầu riêng chất lượng, tử tế để cạnh tranh...

Huyện ủy Đạ Huoai cũng đã giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền từ xã, thị trấn đến các thôn, TDP tiếp tục vận động, xây dựng các “Câu lạc bộ những người nông dân tỉ phú”, đây sẽ là nơi lan tỏa, chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh sầu riêng. Hướng đến mục tiêu tất cả các hộ trồng sầu riêng là xã viên hợp tác xã, toàn bộ diện tích sầu riêng đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng. Phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện có hơn 4.600 hộ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện đều trở thành “những người nông dân tỉ phú”.

ĐỨC TÚ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/sau-rieng-va-niem-vui-chung-cua-da-huoai-f182996/