Sau mây ngũ sắc, thời tiết TP HCM diễn biến ra sao?

Từ trưa cho đến chiều cùng ngày, thời tiết TP HCM có mây thay đổi, ngày nắng nóng.

Khi nào nắng giảm, mưa tăng?

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết đến 8 giờ ngày 13-5, thời tiết TP HCM có mây thay đổi, trời nắng, không mưa. Nhiệt độ lúc này là 33 độ C, độ ẩm 67%. Còn trên toàn khu vực Nam Bộ thời điểm này có mây thay đổi, trời nắng, miền Tây có mưa rào và dông vài nơi.

Từ trưa cho đến chiều cùng ngày, thời tiết TP HCM có mây thay đổi, ngày nắng nóng. Chiều tối có mưa rào và dông vài nơi. Nhiệt độ cao nhất trong ngày dao động từ 35-37 độ C.

Còn trên toàn khu vực Nam Bộ, từ trưa đến chiều thời tiết có mây thay đổi. Miền Đông vào ban ngày có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Còn miền Tây ngày nắng, có nơi nắng nóng.

Đến khoảng ngày 15-5, nắng nóng giảm dần rồi chấm dứt trên khu vực Nam Bộ. Ảnh: Hoàng Triều

Trưa, chiều tối Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông cần đề phòng gió giật mạnh, lốc, sét, mưa đá. Nhiệt độ cao nhất trong ngày được dự báo từ 35-37 độ C (có nơi trên 37 độ C đối với miền Đông).

Trong 2 đến 3 ngày tới, thời tiết Nam Bộ có mây thay đổi. Nắng nóng diện rộng ở miền Đông, miền Tây có nơi nắng nóng. Đến khoảng ngày 15-5 nắng nóng giảm dần rồi chấm dứt.

Chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Từ ngày 15-5 mưa tăng dần, có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc, sét, mưa đá.

Mây ngũ sắc dự báo thời tiết sẽ cực đoan?

Trước đó, trong chiều 12-5, bầu trời khu vực TP HCM xuất hiện mây ngũ sắc. Chòm mây ngũ sắc xuất hiện vào khoảng 16 giờ và kéo dài khoảng 20 phút. Do đám mây lớn và có màu nhiều màu sắc, lại xuất hiện đúng vào ngày của mẹ nên khiến nhiều người thích thú.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng hiện tượng mây ngũ sắc xuất hiện cũng báo hiệu những hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là mưa to, bão lớn, lũ lụt sẽ xuất hiện. Bạn đọc Kha để lại bình luận trên Báo Người Lao Động: "Nó đẹp đó nhưng theo người xưa thì đây là hiện tượng cực đoan của thiên nhiên như giông, lốc. Chúng ta nên đề phòng".

Mây ngũ sắc xuất hiện trên bầu trời TP HCM trong chiều 12-5. Ảnh: Thu Duyên

Theo ThS Lê Đình Quyết, Trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mây ngũ sắc chỉ là hiện tượng quang hiện tượng trong khí tượng, không nói lên bất kỳ dấu hiệu nào về diễn biến thời tiết sắp tới sẽ diễn ra như thế nào.

Cũng theo ThS Lê Đình Quyết, không có căn cứ khoa học nào giải thích cho mối liên hệ giữa mây ngũ sắc với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

"Mây ngũ sắc là hiện tượng tự nhiên, xảy ra khi có sự nhiễu xạ ánh sáng. Thỉnh thoảng trong bầu khí quyển xảy ra hiện tượng này, khi các hạt mây hoặc các tinh thể băng có kích thước nhỏ, cấu trúc riêng lẻ tán xạ ánh sáng" - ThS Lê Đình Quyết thông tin.

Theo vị chuyên gia này, màu sắc trong mây ngũ sắc này không giống như hiện tượng cầu vồng (7 màu) theo dải phổ mặt trời. Màu sắc trong mây ngũ sắc có khi nhạt, có khi rất sặc sỡ. Hiện tượng cầu vồng thường xuất hiện vào sáng hoặc chiều tối, góc quan sát là 42 độ hoặc xảy ra khi trời vừa tạnh mưa. Còn hiện tượng mây ngũ sắc ta có thể quan sát rộng hơn, ở bất kì vị trí nào.

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sau-may-ngu-sac-thoi-tiet-tp-hcm-dien-bien-ra-sao-196240513100205495.htm