Sau khi Steve Jobs qua đời, Tim Cook luôn cố làm điều này

Thậm chí nhiều lãnh đạo cấp cao của Apple chỉ ở lại trên danh nghĩa, họ không hề làm việc nhưng vẫn được Tim Cook giữ lại.

Các công ty thường gặp khó khăn khi những giám đốc chủ chốt ra đi, nhưng Apple có một cách đã được kiểm chứng qua thời gian để giải quyết vấn đề này: đảm bảo rằng người nghỉ việc không thực sự rời đi.

Đó là nhận xét của Mark Gurman, phóng viên của hãng tin Bloomberg, người thường theo dõi và tiết lộ các thông tin thú vị về nội bộ của Apple. Mới đây, Gurman đã tiết lộ một điều rất thú vị về chiến lược giữ chân nhân tài của CEO Tim Cook: chi một khoản lương hậu hĩnh để níu kéo các lãnh đạo cao cấp muốn rời bỏ công ty nhằm duy trì niềm tin của các nhà đầu tư và công chúng vào Apple.

Bob Mansfield (phải), cùng với Tim Cook và Steve Jobs.

Việc giữ chân những "người cũ của Apple" không phải điều gì mới mẻ. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2011, thời điểm Steve Jobs qua đời, chỉ 6 tuần sau khi Tim Cook đảm nhận vị trí CEO của Apple. Khi đó, Bob Mansfield, thành viên chủ chốt trong bộ phận kỹ thuật phần cứng Apple, muốn rời công ty. Cook lo ngại rằng việc một lãnh đạo cao cấp rời bỏ công ty không lâu sau khi Steve Jobs qua đời sẽ khiến các cổ đông hoang mang nên đã thuyết phục Mansfield ở lại thêm một thời gian nữa với một khoản thưởng hậu hĩnh. Mansfield đã đồng ý ở lại nhưng theo phóng viên Gurman, ông hầu như không phải làm gì cả cho đến khi tiếp nhận dự án Apple Car.

Cook đã phải áp dụng chiến thuật tương tự vào năm 2015 khi nhà thiết kế huyền thoại của Apple, Jony Ive, muốn rời đi. Ive được coi là nhân vật chủ chốt của Apple chỉ sau Steve Jobs. Cook đã níu chân Ive bằng một mức lương cao nhưng chế độ làm việc chỉ khoảng 1-2 buổi mỗi tuần. Cuối cùng, đến năm 2019, Ive rời khỏi Apple để mở công ty riêng nhưng Cook đã dành nhiều năm để trấn an dư luận rằng Ive vẫn hợp tác và đã đầu tư nhiều công sức vào Apple.

Theo phóng viên Gurman, Cook cũng áp dụng chiến thuật này với Phil Schiller, một trong những lãnh đạo cao cấp phụ trách tiếp thị đã gắn bó với Apple từ năm 1987. Apple đã tạo ra danh hiệu "Apple Fellow" đặc biệt dành cho cá nhân có đóng góp quan trọng và gắn bó lâu dài với công ty. Đây cũng là chức danh Schiller đang nắm giữ trong khi quản lý App Store.

Tới hiện tại, 13 năm sau khi Steve qua đời, Cook vẫn áp dụng triệt để chiến lược dùng người này. Mới đây nhất, Giám đốc tài chính của Apple, Luca Maestri, dự kiến sẽ từ chức vào năm 2025 nhưng vẫn được công ty giữ lại với vai trò là cố vấn cho Tim Cook và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác với mức lương cao.

Tim Cook, John Giannandrea và Craig Federighi của Apple tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu năm nay.

Bên cạnh mục đích xoa dịu nhân viên và cổ đông, có lẽ còn một lý do khác khiến Cook muốn giữ lại các lãnh đạo cấp cao của công ty. Đó là việc tuyển dụng của Cook cho các vị trí lãnh đạo Apple thường không đạt hiệu quả như ý muốn. Người đầu tiên được ông tuyển dụng bên ngoài - John Browett - đã bị sa thải sau 6 tháng, trong khi người thứ hai, Angela Ahrendts, lại gây tranh cãi và rời đi sau 5 năm.

Tuy nhiên, việc giữ lại các lãnh đạo cấp cao sau khi họ muốn nghỉ việc cũng tồn tại một số nhược điểm. Trong nội bộ Apple, các nhân viên cho biết đôi khi điều này có thể kìm hãm tư duy, ngăn cản công ty phát triển và tái tạo. Cách làm này có thể tốt trong ngắn hạn đến trung hạn, nhưng lại có hại về lâu dài.

Hiện Apple vẫn thu về khoảng 400 tỷ USD mỗi năm từ iPhone, dịch vụ và các sản phẩm khác. Có vẻ doanh nghiệp này chưa cần cải tổ một cách mạnh mẽ nhưng Apple cũng đã đạt đến kỷ nguyên bão hòa thị trường và tăng trưởng chậm. Nhiều người cho rằng một thế hệ lãnh đạo mới là vô cùng cần thiết để xoay chuyển và tạo ra nhiều đột phá trong kinh doanh.

Hà My (Tổng hợp)

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doi-song-24h/sau-khi-steve-jobs-qua-doi-tim-cook-luon-co-lam-dieu-nay-221980.html