Sau Hồng Kông và Tân Cương, Mỹ lại rục rịch ủng hộ Tây Tạng khiến Bắc Kinh giận dữ
Cuối tuần qua, các nhà lập pháp Mỹ đã công bố dự luật mới mà theo đó, sẽ cấm Bắc Kinh mở bất kỳ lãnh sự quán mới nào trên đất Mỹ cho đến khi Mỹ được phép thành lập văn phòng ngoại giao tại Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Điều này sẽ mở ra căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi hai nước đã bất đồng trong vấn đề Hồng Kông và Tây Tạng.
Dự luật được giới thiệu tại Hạ viện bởi dân biểu James McGitas thuộc đảng Dân chủ đến từ bang Massachusetts. Đồng thời, dự luật cũng đưa ra một lộ trình cho hành động trừng phạt chống lại các quan chức Trung Quốc can thiệp vào sự kế vị của Dalai Lama. Dự luật sẽ tăng cường sự hậu thuẫn của Mỹ cho người dân Tây Tạng trong cuộc đấu tranh vì quyền con người, tự do tôn giáo và quyền tự trị chân chính của họ, ông McGitas tuyên bố.
Freedom House năm nay xếp Tây Tạng là khu vực ít tự do thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Syria bị tàn phá bởi nội chiến. Tổ chức có trụ sở tại Washington đã cho điểm số Tây Tạng bằng 0 trên hầu hết các lĩnh vực, bao gồm tự do thực hành tôn giáo, tự do hội họp và tôn trọng thủ tục tố tụng theo luật pháp...
Dự luật hỗ trợ và chính sách Tây Tạng năm 2019 về bản chất là một sửa đổi của Đạo luật Chính sách Tây Tạng năm 2002, được quy định theo nghĩa rộng là sự ủng hộ của chính phủ Mỹ cho người dân Tây Tạng.
17 năm sau, những người ủng hộ luật mới nói rằng họ lo ngại trước việc Bắc Kinh siết chặt tự do tôn giáo cho người Tây Tạng, làm gia tăng mối lo ngại về an ninh nguồn nước và đặc biệt là những tuyên bố gần đây của Bắc Kinh rằng người kế vị Dalai Lama cần được chính phủ trung ương phê chuẩn. Do vậy, họ cho rằng Mỹ cần có phản ứng bằng một chính sách cập nhật.
Cụ thể, dự luật mới yêu cầu chính quyền Mỹ xem xét bất kỳ quan chức Trung Quốc nào là người đồng lõa trong việc chỉ định hoặc cài đặt một ứng cử viên được chính phủ phê chuẩn là lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, trái với ý nguyện của Dalai Lama hiện nay. Theo dự luật, các quan chức đó phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế và bị cấm vào Mỹ .
Dự luật cấm Bắc Kinh không được phép mở các cơ sở ngoại giao trên đất Mỹ cho đến khi Washington có thể thành lập một lãnh sự quán ở Lhasa cũng là sự tiếp nối với Đạo luật liên quan đến Tây Tạng vào năm ngoái. Đạo luật được ký vào luật vào tháng 12 năm ngoái đã cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng các chính sách hạn chế người nước ngoài vào Tây Tạng. Hiện lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục duy trì một khi Trung Quốc còn hạn chế người nước ngoài vào Tây Tạng.
Được biết, các nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng về vấn đề Tây Tạng sau khi lobsang Sangay, người đứng đầu chính phủ lưu vong Tây Tạng (CTA) có chuyến thăm Mỹ. Sangay, người lãnh đạo CTA từ trụ sở chính ở miền bắc Ấn Độ, đã có mặt ở Washington cách đây hơn tuần để thúc giục các nghị sĩ lưỡng viện ký vào dự luật mới. Ông cũng đã gặp các thành viên của chính quyền Trump, nhưng từ chối nêu tên những người dự cuộc họp.
Về phía nhánh hành pháp, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần trước, ông David Stilwell, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyên trách khu vực Đông Á, tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực để tìm tự trị thiết thực đối với người Tây Tạng. “Chúng tôi tin rằng người Tây Tạng, giống như tất cả các cộng đồng tôn giáo khác, phải có quyền thực hành đức tin của họ một cách tự do và lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ mà không bị can thiệp”, ông Stilwell nói.
Dự luật về Tây Tạng đã được đem chất vấn tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19.9. Phóng viên đặt câu hỏi: “Một số nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra "Dự luật hỗ trợ và chính sách của Tây Tạng năm 2019" tại Hạ viện. Ông có muốn bình luận về điều đó?”. Ông Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Cái gọi là "Dự luật hỗ trợ và chính sách Tây Tạng năm 2019" do một số nhà lập pháp Mỹ tại Hạ viện đưa ra là vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cơ bản trong điều chỉnh quan hệ quốc tế và can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Nó phát đi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng cho các lực lượng ly khai vì "độc lập Tây Tạng". Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó.
Các vấn đề Tây Tạng hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Không nước ngoài nào được phép can thiệp. Chúng tôi đề nghị phía Mỹ công nhận đầy đủ bản chất nhạy cảm cao của các vấn đề liên quan đến Tây Tạng, ngừng thúc đẩy hành động liên quan và ngừng can thiệp vào các vấn đề đối nội của Trung Quốc với Tây Tạng như một vỏ bọc”.
Trước đó, Thượng viện Mỹ hôm 11.9 đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương (Trung Quốc). Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc.
Về chuyện này, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Các vấn đề Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không nước ngoài nào có quyền can thiệp. Gần đây, các quan chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích chính sách Tân Cương của Trung Quốc bất chấp sự thật dưới cái cớ nhân quyền. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó”.