Sau hàng loạt kỷ lục nhiệt độ thiết lập, diễn biến nắng nóng thời gian tới thế nào?

Nắng nóng sẽ gia tăng trong những ngày cuối tháng 7 và tiếp tục còn xuất hiện đan xen với các đợt mưa trong tháng 8 tại các khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, có thể xảy ra nắng nóng gay gắt.

Những kỷ lục nắng nóng được ghi nhận

Ngày 21/7, Cố vấn cấp cao về nắng nóng cực đoan của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), ông John Nairn, cảnh báo các đợt nắng nóng gay gắt có thể sẽ kéo dài đến hết tháng 8 ở nhiều nơi trên thế giới.

chuyên gia Nairn cho biết nắng nóng khắc nghiệt sẽ xảy ra thường xuyên hơn và rải rác trong các mùa do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh nhiệt độ toàn cầu ngày càng có xu hướng gia tăng khiến các đợt nắng nóng xảy ra với tần suất dày hơn và cường độ mạnh hơn.

Trước đó, đầu tuần, WMO cảnh báo nhiệt độ ở Bắc Mỹ, châu Á, Bắc Phi và Địa Trung Hải có thể sẽ vượt quá 40 độ C trong tuần này. Khu vực Nam Âu đang vật lộn với đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa cao điểm du lịch Hè, khiến nhà chức trách phải ban bố cảnh báo người dân về nguy cơ gia tăng các vấn đề sức khỏe và thậm chí tử vong. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ. Nắng nóng ngột ngạt cũng đang bao trùm khu vực Trung Đông.

Nắng nóng năm nay còn kéo dài hết tháng 8.

Nắng nóng năm nay còn kéo dài hết tháng 8.

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm đã lý giải nguyên nhân mùa hè năm 2023 đến sớm và nắng nóng gay gắt hơn so với mùa hè năm 2022.

Trước hết năm nay do áp thấp nóng phía Tây (một trong những hệ thống thời tiết gây nắng nóng) phát triển sớm và mạnh nên hiện tượng nắng nóng diện rộng đã xảy ra sớm và gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ, đặc biệt là đã thiết lập những giá trị nhiệt độ cực đoan, vượt giá trị lịch sử đã được thiết lập với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối đo được trong lều khí tượng tại trạm Tương Dương (Nghệ An) ngày 7/5 là 44.2 độ C (vượt giá trị cao nhất lịch sử tại Hương Khê là 43.4 độ C năm 2019 và vượt cả giá trị lịch sử mới được thiết lập trước đó tại Hồi Xuân là 44,1 độ C vào ngày 6/5/2023).

Bên cạnh đó, năm nay dự báo toàn cầu tiếp tục là năm thứ 10 liên tiếp có nhiệt độ tăng cao có với thời kỳ tiền công nghiệp do tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời hiện tương El Nino (pha nóng) đang dần được thiết lập cũng là nguyên nhân gây ra những giá trị kỷ lục về nhiệt độ tuyệt đối ngày.

Dự báo nên nhiệt trung bình năm 2023 ở mức cao trung bình nhiều năm khoảng 0,5-1,0 độ. Thông thường một đợt nắng nóng sẽ diễn ra khoảng 3-5 ngày, thì năm nay có thể sẽ dài hơn, khoảng 5-7 ngày, riêng khu vực Trung Bộ có thể kéo dài hơn. Khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.

Nắng nóng kéo dài hết tháng 8

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nắng nóng có khả năng xuất hiện trong những ngày cuối tháng 7 và tiếp tục còn xuất hiện đan xen với các đợt mưa trong tháng 8 tại các khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, riêng Trung Bộ có thể xảy ra những ngày có nắng nóng gay gắt trong thời kỳ dự báo. Tháng 9, nắng nóng khả năng xảy ra ở Bắc và Trung Trung Bộ với cường độ giảm dần so với 2 tháng trước đó.

Khoảng thời từ 21/7 đến 20/8, hiện tượng mưa dông lốc, sét, có thể kèm theo mưa đá vẫn tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Miền Bắc xuất hiện nhiều trận mưa trong nửa đầu tháng 8; tổng lượng mưa tại vùng núi và trung du phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm; khu vực đồng bằng cao hơn 5-20%. Đặc biệt, Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Hiện tượng mưa dông lốc, sét, khả năng kèm theo mưa đá vẫn tiếp tục xuất hiện trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Tại Bắc Bộ, mưa sẽ tập trung nhiều trong khoảng nửa đầu tháng 8/2023.

Cũng trong khoảng thời gian này, tổng lượng mưa tại vùng núi và trung du Bắc Bộ, khu vực Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; đồng bằng, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 5-20%.

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, cơ quan khí tượng sẽ tiếp tục chú trọng tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm, dài hạn với các mục tiêu cụ thể là tăng thời hạn dự báo, ban hành bản tin sớm hơn để các cơ quan phòng chống thiên tai và người dân có thêm thời gian chuẩn bị, thời gian xây dựng kế hoạch sớm ứng phó thiên tai, đặc biệt để giám sát và dự báo tình hình El Nino và nguồn nước năm nay và năm 2024.

Bổ sung các công cụ, phương án dự báo để tăng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; Nâng dự báo bão/ áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày. Dự báo, cảnh báo mưa lớn diện rộng trước 2-3 ngày. Không chỉ tăng hạn dự báo, thời điểm phát tin cũng sớm hơn. Đồng thời thực hiện tăng cường giám sát và cảnh báo dông, mưa lớn cụ bộ, lũ quét, sạt lở đất thời gian thực.

Tăng cường các trao đổi hợp tác quốc tế, ví dụ khi bão vào gần bờ chúng ta có yêu cầu cơ quan Khí tượng Nhật Bản tăng cường quan trắc vệ tinh khí tượng với tần suất 2,5 phút/lần và chụp sát với vùng Việt Nam hơn.

Tăng cường các quan trắc radar và trạm ven bờ khi bão có khả năng ảnh hưởng, điều này cho phép chúng ta có các dự báo độ tin cậy cao trước 24h khi bão đổ bộ.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sau-hang-loat-ky-luc-nhiet-do-thiet-lap-dien-bien-nang-nong-thoi-gian-toi-the-nao-169230722073947757.htm