Sau bão số 3, các tỉnh phía Bắc sẽ hứng chịu một đợt mưa rất lớn

Trong đêm nay (7/9) và ngày mai, thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ vẫn hứng chịu các trận mưa lớn. Nam Định, Thái Bình, Hải Dương và Hà Nội sẽ có thể bị ngập lụt nặng nề.

23:51

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Phủ Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Văn Lý (Nam Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Hải Dương gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Hoài Đức (Hà Nội) gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8;…

. Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 3 lúc 22h00 ngày 7/9.

. Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 3 lúc 22h00 ngày 7/9.

Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 7h đến 20h ngày 7/9 có nơi trên 200mm như: Phủ Dực (Thái Bình) 414.4mm, Đông Triều (Quảng Ninh) 221.6, Xuân Thủy (Nam Định) 218.8mm, Lương Tài (Bắc Ninh) 217.8mm, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) 207.8mm,…

Hồi 22 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Do ảnh hưởng của bão số 3, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ đêm 7/9 đến sáng ngày 8/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70- 150mm, cục bộ có nơi trên 300mm.

Chiều và đêm 8/9 có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, cục bộ có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Phía Tây Bắc Bộ từ đêm 7/9 đến sáng 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

22:29

Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc đang có mặt tại Hải Phòng cập nhật thông tin: Đến 22h ngày 7/9, cầu Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) đã thông xe trở lại.

Trước đó, từ sáng 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn kèm gió to tại Hải Phòng, các cơ quan chức năng đã thông báo cấm phương tiện lưu thông qua cầu Đình Vũ – Cát Hải để đảm bảo an toàn cho người dân.

22:22

Thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra tại Hà Nội đến chiều 7/9

Thành phố Hà Nội vừa có thống kê sơ bộ thiệt hại do bão số 3 gây ra tính đến 14h chiều nay 9/7.

Từ hôm qua đến nay tại Hà Nội cây đổ đã làm 2 người chết, 7 người bị thương và làm một số ô tô, xe máy hư hỏng. Tính đến chiều nay thành phố Hà Nội gần 500 cây xanh trên các tuyến đường bị gãy, đổ cụ thể Đại lộ Thăng Long gần 60 cây đổ, Cầu Giấy hơn 20 cây, và nhiều tuyến phố ở hầu hết các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng và nhiều quận huyện khác... Hơn 3.500 hah lúa ở các huyện ngoại thành bị đổ, úng ngập, có nơi bị ngập sâu.

Hiện 5 trạm bơm của công ty cấp thoát nước Hà Nội đang vận hành liên tục, cùng với 22 trạm bơm thủy lợi đang tiếp tục bơm tiêu nước.

Trước đó trong đêm 6/9 trước khi cơn bão đổ bộ, thành phố Hà Nội đã di dời và vận động di dời 426 người dân ở nơi nguy hiểm về nơi an toàn. Cụ thể : di dời 160 người dân ở chung cư xuống cấp nguy hiểm tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai sang trú tại Trường Tiểu học Tân Mai; 75 người tại tập thể khu liên cơ, phường Hoàng Liệt đến nhà văn hóa và khách sạn; sơ tán 162 người ở phường Chương Dương ven sông Hồng, quận Hoàn Kiếm về nhà người thân và trường học; 16 người trên thuyền về nhà thân nhân; di dời 11 nhân khẩu tại tòa nhà G6A Thành Công, quận Ba Đình đến Trường mầm non; thị xã Sơn Tây cũng đã di dời 2 hộ dân nơi ở không an toàn đi tránh bão.

22:15

Phóng viên Vũ Miền VOV Đông Bắc đưa tin: Đêm 7/9, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng các sở ban ngành, địa phương đã đi kiểm tra thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn TP Hạ Long.

Theo thống kê sơ bộ, hiện các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh đã mất điện, mạng viễn thông bị gián đoạn, thiệt hại về tài sản rất nặng nề.

Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. 60% cây xanh bị đổ gãy, nhiều nhà cao tầng bị vỡ kính.

Sau khi kiểm tra, ông Cao Tường Huy yêu các ban ngành địa phương vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ người dân bị thiệt hại. Trong đó ưu tiên việc hỗ trợ bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản; các tàu du lịch đánh bắt cá bị chìm đắm, các hộ thiệt hại hoa màu và các gia đình bị tốc mái.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra tại thiệt hại bão số 3 gây ra tại TP Hạ Long vào đêm 7/9

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra tại thiệt hại bão số 3 gây ra tại TP Hạ Long vào đêm 7/9

22:14

Phóng viên Thanh Nga/VOV Đông Bắc đưa tin: Đến tối 7/9, trên địa bàn Hải Phòng đã ghi nhận 13 trường hợp phải cấp cứu tại bệnh viện do bị cành cây gãy rơi, đổ vào người.

Nhiều nơi trên địa bàn thành phố bị cắt điện; nhiều nhà dân, xưởng sản xuất bị tốc mái tôn; Hơn 28.000 ha lúa, hơn 1700 ha rau màu bị ảnh hưởng nặng, nhiều trang trại chăn nuôi đã bị thiệt hại.

Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến thời điểm này vẫn đảm bảo an toàn.

22:13

Phóng viên Thu Hòa/VOV4 thông tin: Trước diễn biến phức tạp của cơn bảo số 3 (Yagi), trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn kèm theo giông lốc gây tốc mái, nghiêng nhà nguy cơ đổ sập và sạt lở nhiều ngôi nhà. Cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên BĐBP tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân chủ động phòng, chống thiên tai, bắn pháo hiệu báo tin bão khẩn cấp thông báo khẩn cấp cho các chủ tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn, không ra khơi khi có mưa bão trên biển, phối hợp tham gia cùng Ban phòng Chống Thiên tai, các lực lượng của địa phương khắc phục thiệt hại cho các hộ dân bị tốc mái, kịp thời động viên thăm hỏi, đưa công dân đi cấp cứu tại bệnh viện, đồng thời vận động, hỗ trợ Nhân dân sơ tán về những nơi tránh trú an toàn.

22:09

Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão

Ngày 7/9, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam có công điện gửi các tổng cục, quân khu, quân chủng, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quân đoàn, binh đoàn, binh chủng, học viện, nhà trường, các tổng công ty yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm Công điện số 88 của Thủ tướng Chính phủ, và các công điện của Bộ Tổng tham mưu tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Theo đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão và mưa lớn; triển khai các biện pháp phòng, chống bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra do bão sổ 3 và hoàn lưu sau bão gây ra, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ. Bộ tư lệnh các Quân khu 1, 2, 3, 4 chỉ đạo Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chỉ đạo đơn vị thuộc quyền phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn.

Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện.

Bộ đội giúp dân gặt lúa chạy bão

Bộ đội giúp dân gặt lúa chạy bão

Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Quân chủng Phòng không-Không quân, Binh đoàn 18 chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Quân đoàn 12; các Binh chủng và các Binh đoàn: 11, 12 sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các Tổng cục theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra, khắc phục hậu quả sạt lở đất, đá, mưa lũ, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, trang bị cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.

21:52

Phóng viên Phi Long/VOV.VN từ Thái Bình cập nhật thông tin: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thái Bình mưa đã giảm dần, nhưng vẫn còn mưa nhỏ kèm gió. Nhiều tuyến phố của TP Thái Bình đang mất điện và bị ngập do cơn mưa kéo dài từ chiều đến tối gây ra.

Đặc biệt tuyến đường Lý Thường Kiệt, đoạn qua phường Trần Lãm bị ngập khá sâu. Người dân cho biết do vừa bị cắt điện, vừa bị ngập nước nên cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều.

Tính đến 21h đêm nay, nhiều phường trên địa bàn TP Thái Bình đang bị cắt điện do sự cố về hạ tầng lưới điện của tỉnh Thái Bình;

Công ty Điện lực Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 4 đường dây 110 kV, 3 trạm biến áp 110kV, trên 80 lộ đường dây trung áp bị ảnh hưởng, gây mất điện ở 109/124 đường dây trung áp, khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện.

Hiện Công ty đang nỗ lực khắc phục tại các điểm cấp điện xung yếu; còn lại phải chờ thời tiết bảo đảm đủ an toàn sẽ huy động lực lượng khẩn trương khắc phục để sớm cấp điện trở lại.

Tuy bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 gây ra, nhưng thống kê của cơ quan chức năng, đến nay Thái Bình chưa có thiệt hại về người.

21:27

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Lúc 21h ngày 7/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.6 độ Kinh Đông, trên đất liền thủ đô Hà Nội. Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.

20:52

Phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc thông tin từ Lai Châu: Trước diễn biến hướng đi của cơn bão số 3, lực lượng công an tỉnh Lai Châu đã bố trí lực lượng ứng trực 100% quân số giúp người dân phòng ngừa, ứng phó để giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Lực lượng công an Lai Châu dùng xe chuyên dụng tuyên truyền người dân kỹ năng phòng chống bão.

Lực lượng công an Lai Châu dùng xe chuyên dụng tuyên truyền người dân kỹ năng phòng chống bão.

Theo đó, trong ngày hôm nay các lực lượng Công an tỉnh Lai Châu đã linh hoạt, chủ động trong tuyên truyền, đôn đốc người dân không chủ quan với tác hại của siêu bão. Cụ thể, lực lượng công an các cấp ở địa phương đã dùng xe đặc chủng tuyên truyền lưu động kỹ năng phòng ngừa mưa bão ở các xã, bản, khu dân cư. Nhiều đơn vị ở cơ sở đã cử cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đến các nhà dân vận động, giúp cắt tỉa cây cao, gia cố nhà cửa, đưa gia súc vào nơi tránh trú…

Nhiều đơn vị ở cơ sở giúp người dân cắt tỉa cây quanh nhà, gia cố nhà cửa phòng tránh bão

Nhiều đơn vị ở cơ sở giúp người dân cắt tỉa cây quanh nhà, gia cố nhà cửa phòng tránh bão

Việc làm của lực lượng công an và các lực lượng ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, hỗ trợ nhau ở nhiều khu dân cư. Nhiều người dân đã cùng các lực lượng giúp nhau gia cố mái, chống cột giữ nhà; tình nguyện tham gia các tổ liên gia, tổ cứu nạn ở cơ sở, sẵn sàng nhận thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu nạn khi có lệnh của chính quyền địa phương.

20:34

Đường phố tại Quảng Ninh tan hoang sau bão số 3. Hiện tại vẫn còn nhiều địa bàn mất điện. Clip: Tiến Cường/VOV-Đông Bắc

20:32

Phóng viên Phi Long/VOV.VN từ Thái Bình thông tin: Sự cố lưới điện 110kV ở Thái Bình ảnh hưởng tới 570.000 khách hàng.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Thái Bình, do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây ra sự cố về hạ tầng lưới điện của tỉnh Thái Bình; trong đó có 4 đường dây 110 kV, 3 trạm biến áp 110kV, trên 80 lộ đường dây trung áp khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, Công ty Điện lực Thái Bình đã triển khai các tổ phản ứng nhanh, xử lý kịp thời các tình huống sự cố về lưới điện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Cột điện ở Thái Bình gãy đổ do bão số 3

Cột điện ở Thái Bình gãy đổ do bão số 3

Ngoài ra, Phòng Điều độ sẽ phối hợp với các đơn vị cô lập các điểm sự cố và cấp điện lại cho các đường dây bảo đảm vận hành trong thời gian sớm nhất, đặc biệt lưu ý các đường dây cấp điện cho các phụ tải quan trọng như: bơm chống úng, bệnh viện, trụ sở công quyền điều hành...

Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, ông Nguyễn Đức Thiện nhấn mạnh, thiệt hại cơn bão là rất lớn, chính vì vậy các Công ty Điện lực bị ảnh hưởng do bão cần lưu ý an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị khi khôi phục thiệt hại sau khi bão tan. Lập lưu đồ công tác từ kiểm đếm, khảo sát, lập phương án và biện pháp an toàn, thi công, huy động toàn bộ các đơn vị nhà thầu xây lắp và nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị.

Nhiều phường trên địa bàn TP Thái Bình đang bị mất điện.

Nhiều phường trên địa bàn TP Thái Bình đang bị mất điện.

Các Ban Quản lý dự án, Công ty Dịch vụ Điện lực miền Bắc và các đơn vị còn lại sẵn sàng ứng trực và hỗ trợ, các Công ty Điện lực sẵn sàng các đội xung kích huy động khi cần thiết để khắc phục hậu quả cơn bão. 100% quân số quản lý kỹ thuật vận hành ứng trực, tuyệt đối tuân thủ quy định, quy trình để chủ động các phương án xử lý sự cố.

Để đảm bảo an toàn, các Điện lực tuân thủ quy định trong quản lý vận hành lưới điện. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tổng công ty Điện lực miền Bắc và các đơn vị đã và đang ứng trực, theo dõi diễn biến của cơn bão số 3 để có phương án xử lý sự cố kịp thời, an toàn.

20:25

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 20h, vị trí tâm bão: Khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.8 độ Kinh Đông, trên đất liền thủ đô Hà Nội. Sức gió mạnh nhất: Cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 tại Hải Dương gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió mạnh cấp 7, giật cấp 10;…

20:08

Phóng viên Văn Ngân, Nguyễn Hà/VOV.VN tại Nam Định thông tin: Trên địa bàn huyện Giao Thủy có mưa lớn, lượng mưa đo được khoảng 100mm; sức gió cấp 8, có nơi giật cấp 10. Tính đến 6h tối (7/9) tai huyện Giao Thủy, đến nay chưa có thiệt hại về nhà ở, người, tài sản; các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn chưa bị ảnh hưởng, hư hỏng. Về sản xuất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản vẫn được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên bão số 3 đã gây đổ, gẫy cây ở một số tuyến đường các xã, thị trấn.

20:04

PV Tiến Cường/VOV Đông Bắc thông tin, từ khoảng 10h ngày 7/9/2024, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo báo cáo sơ bộ của Công an tỉnh Quảng Ninh, thiệt hại trên địa bàn ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu mất tích, 01 cần cẩu bị đổ, 14 tàu bị đắm. Ghi nhận bước đầu hàng trăm nhà dân bị tốc mái; hàng nghìn cây xanh, cột điện, biển báo bị đổ.

Tính đến 16h ngày 07/9, toàn tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra mất điện trên diện rộng. Hệ thống thông tin liên lạc đang bị gián đoạn. Hiện Điện lực Quảng Ninh đang thống kê, kiểm tra thiệt hại.

Đối với Công an tỉnh Quảng Ninh đã đảm bảo an toàn cho các trại giam, 13 nhà tạm giữ tại công an các địa phương với 1.552 can, phạm nhân, không để xảy ra sự cố nguy hiểm.

19:58

PV Duy Thái/ VOV Đông Bắc thông tin, từ sáng nay 7/9, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhiều nơi có mưa vừa đến mưa to, gió mạnh. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhưng hoạt động XNK tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn vẫn diễn ra thông suốt, lực lượng chức năng tại cửa khẩu cũng làm việc hết công suất để điều tiết, phân luồng phương tiện đảm bảo an toàn.

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hôm nay 7/9 do thời tiết mưa to, gió lớn nên hoạt động XNC tại đây khá vắng vẻ. Tuy nhiên hoạt động XNK tại đây vẫn diễn ra thông suốt. Trong ngày hôm nay tại đây đã có hơn 500 xe làm thủ tục thông quan XNK thành công, trong đó xuất khẩu là 150 xe.
Thiếu tá Phạm Tuấn Hùng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Hữu Nghị cho biết: Hoạt động XNK tại cửa khẩu này vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên do thời tiết mưa gió, cùng với ngày hôm nay phía nước bạn Trung Quốc mất điện khoảng 1 tiếng… nên năng lực thông quan có đôi chút chậm hơn so với mọi ngày.

19:48

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, đối với khu vực Hà Nội từ giờ cho đến đêm vẫn chịu tác động của gió mạnh tầm cấp 6, cấp 7. "Đặc biệt chúng tôi muốn nhấn mạnh về gió giật mạnh, cường độ gió mạnh trong khoảng thời gian từ giờ cho đến nửa đêm. Sau khi hoàn lưu của cơn bão này di chuyển dọc lên phía Tây thì có thể gây ra gió giật mạnh cấp 10, cấp 11".

Với thực trạng hiện nay thì cơn bão số 3 đang nằm ở trên khu vực giữa ba tỉnh: bắc Hải Dương, Tây Hải Phòng và nam của tỉnh Quảng Ninh với cường độ hiện tại chúng tôi xác định là cấp 11, cấp 12.

Dự báo trong thời gian tiếp theo, bão số 3 này sẽ có xu hướng di chuyển theo hướng Tây. Như vậy nó sẽ đi qua các khu vực đồng bằng, trung thu Bắc bộ hướng về phía các tỉnh Tây Bắc bộ. Tốc độ di chuyển trong những giờ tới thì ước tính khoảng 20km/h.

19:44

19:26

Theo trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 19h, vị trí tâm bão khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.0 độ Kinh Đông, trên đất liền Hải Dương.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 13.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.

19:21

PV Tiến Dũng/VOV.VN từ Bắc Ninh thông tin, chiều 7/9, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn sau cơn bão số 3, một số vị trí bờ sông Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) bị sụt lún, nứt gãy, có hiện tượng sạt trượt. Trong đó, tại bờ tả sông Ngũ Huyện Khê, thuộc xã Long Châu, mặt đê bị nứt gãy, sạt lở ở vị trí K23+300, K24+450 với chiều dài khoảng 20m và một vài vị trí nứt dọc trên mặt bờ sông.

Chiều nay, trực tiếp kiểm tra tại hiện trường và đánh giá mức độ tác động của cơn bão số 3 đối với đoạn đê, Đoàn kiểm tra của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu huyện Yên Phong tiếp tục duy trì 3 chốt chặn tại các vị trí nứt gãy đê, không cho người và phương tiện lưu thông qua các vị trí nguy hiểm này; khẩn trương tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện, để khắc phục sự cố; tổ chức ứng trực 24/24 nắm bắt chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3 để kịp thời có phương án, giải pháp xử lý bảo đảm không để bị động, bất ngờ.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra tình trạng nứt đê, đoạn tả sông Ngũ Huyện Khê

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra tình trạng nứt đê, đoạn tả sông Ngũ Huyện Khê

19:04

Theo trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 18h vị trí tâm bão khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.2 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.

19:03

18:55

PV Phi Long/VOV.VN từ Thái Bình thông tin: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thái Bình, mưa kèm theo gió giật mạnh đã làm cho loạt cây xanh đổ la liệt, nhiều nơi mất điện trên diện rộng. Ghi nhận của phóng viên, mưa kết hợp gió giật mạnh đã khiến nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ… Nhiều diện tích lúa, hoa màu, chuối của người dân bị gãy, đổ rạp và hư hỏng.
Theo báo cáo của tỉnh Thái Bình, tính đến 15h ngày 7/9 tại trạm Khí tượng Thái Bình đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Trạm Thủy văn Ba Lạt gió cấp 9, giật cấp 12; các nơi trong tỉnh tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến 30-50mm.
Từ nay đến ngày 09/9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa từ 150-250mm. Thiệt hại ban đầu về sản xuất nông nghiệp, ước tính sơ bộ ban đầu có khoảng trên 20.000ha lúa Mùa đã và đang trổ bị đổ nghiêng, ảnh hưởng nặng.
Đại diện Sở Công thương Thái Bình cho biết, tại Thái Bình có sự cố 4 đường dây 110 kV và có 03 TBA 110 kV đang mất điện. Trên 80 lộ đường dây trung áp mất điện và khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện. Dự kiến khi bão tan Công ty sẽ huy động nhân lực kiểm tra, thống kê, khắc phục cấp điện lại cho khách hàng.
Phòng Điều độ sẽ phối hợp với các đơn vị cô lập các điểm sự cố và cấp điện lại cho các đường dây đảm bảo vận hành trong thời gian sớm nhất, đặc biệt lưu ý các đường dây cấp điện cho các phụ tải quan trọng như bơm chống úng, bệnh viện, trụ sở công quyền điều hành.
Trước đó, ghi nhận của phóng viên, tại Tiền Hải (Thái Bình) có mưa lớn, gió giật mạnh, một số thiệt hại đường điện trên đê biển Cồn Vành (Tiền Hải) bị đứt, một số nơi khác có cây đổ.
Lãnh đạo huyện Tiền Hải cho biết, từ 8h sáng huyện Tiền Hải đã cắt điện để đảm bảo an toàn. Tại các xã đều bố trí máy phát để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Ngoài ra, các xã đều có các tổ công tác ứng trực để xử lý, di dời cây cối đổ, đảm bảo giao thông không bị tắc nghẽn và xử lý các tình huống khác. Hiện trên toàn huyện chưa có điểm nào bị tắc nghẽn, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đang tiến hành thống kê những thiệt hại ban đầu.

Những ruộng chuối của người dân ở xã Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình bị bão quật gẫy đổ rạp xuống đất.

Những ruộng chuối của người dân ở xã Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình bị bão quật gẫy đổ rạp xuống đất.

18:48

Phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN thông tin: Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội chiều tối nay sẽ cắt điện ở Hà Nội, đại diện ngành điện Hà Nội và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phản bác thông tin này, nhấn mạnh đây là thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận và sẽ kiến nghị xử lý.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng ban Truyền thông, Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi chưa đưa ra thông tin về việc Hà Nội cắt điện. Đây là thông tin gây thất thiệt. Nếu EVN Hà Nội có lịch cắt điện Hà Nội, chúng tôi sẽ thông báo chính thức".

Về thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội, lãnh đạo EVN Hà Nội khẳng định: "Tất cả các thông tin từ nguồn không chính thống, người dân không nên quan tâm". Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết: Đây là thông tin thất thiệt, EVN không đưa ra thông tin khuyến cáo như vậy.

18:26

Phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN dẫn thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3 (Yagi), sáng 7/9, Bí thư Quận ủy Vũ Đăng Định và Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long cùng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn phường Chương Dương.

Sau khi nghe UBND phường báo cáo về các phương án ứng phó với cơn bão số 3 và phương án di dời người dân ở khu vực nhà gỗ, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm đồng tình với đề xuất di dời các hộ dân ở khu vực nhà gỗ và giao Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 trực tiếp chỉ đạo phương án di dời ngay các hộ có nguy cơ cao; bố trí nơi ở tránh bão an toàn và đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân.

Tại khu vực nhà gỗ nguy hiểm của phường Chương Dương có 176 hộ dân với 496 nhân khẩu, UBND phường đã tổ chức vận động cơ bản người dân tự chủ động di dời. Trong sáng ngày 7/9, Đảng ủy, UBND phường Chương Dương đã triển khai phương án di dời người dân tại khu nhà gỗ, khu vực nhà ven sông Hồng có nguy cơ sạt lở. Bố trí địa điểm trách trú bão an toàn cho nhân dân tại trường Tiểu học Chương Dương số 140 Vọng Hà và trường THCS Chương Dương số 103 Vọng Hà (bố trí nhân dân tránh trú bão an toàn trong các phòng học).

Tính đến 16h ngày 7/9, UBND phường Chương Dương đã di dời 67 người dân tại khu nhà gỗ và nhà ven sông Hồng về trường Tiểu học Chương Dương số 140 Vọng Hà, đảm bảo an toàn; đã đưa 1 cụ bà 97 tuổi và 1 người bị liệt lên Trung tâm y tế quận để theo dõi, chăm sóc sức khỏe; đã tuyên truyền vận động 46 hộ với 162 nhân khẩu tại bờ vở sông Hồng đi sơ tán tại nhà người quen ở trong phố và trên địa bàn phường. Đồng thời, triển khai lực lượng cơ sở tiếp đón và hỗ trợ người dân đến tránh trú bão, đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân (nước uống, mỳ tôm, trứng gà và các xuất cơm phục vụ nhân dân tránh trú bão). Chỉ đạo Trạm y tế phường phân công lực lượng 2 đ/c trực 24/24h, đảm bảo cơ số thuốc thiết yếu và các thiết bị cần thiết để kịp thời cứu chữa khi có người bị thương.

18:16

Thị xã Quảng Yên bàn phương án đưa công dân vào bờ khi mất liên lạc trên đường vào bờ

Phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc từ Quảng Ninh phản ánh: Theo thông tin ban đầu, được biết 1 số hộ dân ở xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên đang mắc kẹt ở khu vực Đảo Hòn Dáu trong khi di chuyển vào bờ. Thị xã Quảng Yên đã huy động lực lượng để lên phương án tìm và đưa người dân vào bờ.

Hiện số lượng người mắc kẹt ở khu vực này, cũng như tình trạng sức khỏe của người dân chưa được xác minh. Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhà bị tốc mái lớn ( chưa xác định được số lượng); Số cây gẫy đổ trên toàn bộ thị xã ước tính khoảng 50%; Các công trình đê, đập đảm bảo an toàn.

Thị xã Quảng Yên huy động lực lượng ở sư đoàn 395, Lữ đoàn 147; máy móc, phương tiện để cắt cây.... khơi thông các tuyến đường huyết mạch vào thị xã.

Tại cuộc làm việc với thị xã Quảng Yên, ông Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu lực lượng đang ứng trực không được chủ quan trước cơn bão số 3; không được chờ đợi, phải hành động ngay khi thời tiết thuận lợi; các công trình cần cảnh báo, cây xanh bị đổ phải nhanh chóng thu dọn.

Ông Đặng Xuân Phương yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, không thể cứ trông chờ vào lực lượng chuyên trách. Đối với người dân đang bị mắc kẹt, yêu cầu địa phương phải nhanh chóng lên phương án tìm kiếm, đưa nhân dân vào đất liền an toàn.

18:12

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp với các địa phương về chống bão số 3

Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc đang có mặt tại Hải Phòng thông tin: Chiều nay (7/9), tại Sở Chỉ huy phòng chống bão số 3 đặt tại TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà họp chống bão với các địa phương; bước đầu đánh giá tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 và một số công việc mà các địa phương, bộ ngành tiếp tục khẩn trương triển khai.

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn và lãnh đạo các địa phương tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 3 đổ bộ vào khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh từ khoảng 12 giờ 30 phút và tăng dần cấp độ; Sau 2 tiếng đi vào đất liền, bão đạt cấp 12, giật cấp 13; có nơi cấp 13, giật cấp 15, 16. Khu vực Thái Bình, Nam Định, bão cũng đạt cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Bão số 3 đã bước đầu gây ra thiệt hại những đáng kể về người và tài sản: gây đổ cây, tốc mái nhà, vỡ kính hàng loạt tại các địa phương; nhiều tàu bè neo trú bị đứt dây neo, gãy vỡ. Bước đầu đã ghi nhận trường hợp tử vong tại một số địa phương; hàng chục trường hợp bị thương. Bão số 3 cũng gây mất điện, ảnh hưởng thông tin liên lạc trên diện rộng tại nhiều địa phương.

Đến thời điểm này, mặc dù tâm bão đã đi qua nhưng mưa lớn và gió mạnh vẫn đang tiếp tục duy trì do ảnh hưởng của hoàn lưu bão. Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình đề phòng ngập úng, sạt lở, lũ lụt. Đối với các địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…, dù ảnh hưởng gió không lớn bằng các địa phương ven biển nhưng gió vẫn giật với cường độ mạnh, địa hình nhiều cây xanh, nguy cơ gãy đổ cao nên phải duy trì việc hạn chế người dân ra đường 19 giờ tối.

Đối với vấn đề hồ đập thủy điện và thủy lợi, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu: "Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương chịu trách nhiệm và kiểm tra đê điều, công tác hồ đập an toàn. Bộ tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm để điều tiết xả lũ để tránh lũ chồng lũ. Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện ngay sau khi bão dứt, phải tiến hành ngay việc đánh giá thiệt hại về hạ tầng và khẩn trương phục hồi lưới điện".

Cơn bão có cường độ lớn nhưng đổ bộ vào thời điểm ban ngày và vào lúc mà triều cường là ở mức rất thấp, vì vậy các tuyến đê biển của Hải Phòng, Quảng Ninh đã chống chịu được lúc bão có cường độ bão cao nhất. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, như vậy có thể khẳng định các tuyến đê tại Quảng Ninh, Hải Phòng đã đảm bảo được an toàn đến thời điểm này.

Riêng Nam Định, đê biển chỉ xây dựng đảm bảo độ an toàn đến cấp 9, cấp 10 nên đứng trước nguy cơ khá lớn. Tuy vậy, Nam Định không nằm trong trong vùng tâm bão mạnh nhất; với lực lượng 4 tại chỗ chủ động, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, Nam Định cũng có thể chủ động trong vấn đề phòng tránh, đảm bảo an toàn đê biển. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Nam Định tiếp tục theo dõi, đề phòng những tình huống xấu và báo cáo, đề nghị chi viện kịp thời nếu cần thiết.

Lãnh đạo các tỉnh thành báo cáo tình hình bão số 3 tại địa phương.

Lãnh đạo các tỉnh thành báo cáo tình hình bão số 3 tại địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các địa phương ngay sau tâm bão đi qua, cần sớm đánh giá tình hình, xác định các địa điểm, những đối tượng cần hỗ trợ; khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu hộ cứu nạn.

"Lực lượng “4 tại chỗ” phối hợp với chính quyền các địa phương tham gia vào việc khắc phục các thiệt hại do cơn bão gây ra, đảm bảo đời sống của nhân dân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sau bão không được để thiếu lương thực, không được để dân đói, dân rét. Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các lực lượng đóng chân trên địa bàn cùng chung sức, chung lòng để thực hiện nhiệm vụ này".

18:06

Thái Bình cây xanh đổ la liệt, mất điện diện rộng do bão số 3 đổ bộ

Phóng viên Phi Long/VOV.VN đang có mặt tại Thái Bình thông tin: Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang có mưa rất to kèm gió mạnh, cây xanh, cột điện bị gãy đổ ngổn nganh trên các tuyến đường. Rất nhiều ô tô bị cây đổ vào gây móp, bẹp xe.

Hiện tại mưa vẫn tiếp tục trút xuống và gió rít liên hồi. Nhiều nơi như Thái Thụy, Hưng Hà, Vũ Thư cũng ghi nhận những thiệt hai về cây cối và hoa màu khi mưa to và gió lớn trong chiều nay.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, hồi 13 giờ ngày 7/9, tại Trạm Khí tượng Thái Bình đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10 (23,8m/s); Trạm Thủy văn Ba Lạt gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 (35,6m/s); các nơi trong tỉnh tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến 30-50mm.

Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình, trong ngày 7/9, vùng biển ngoài khơi Thái Thụy- Tiền Hải tiếp tục có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3 đến 5m; biển động rất mạnh.

Vùng ven biển cần đề phòng có nước biển dâng, với sóng lớn kết hợp với thủy triều, mực nước dâng tổng cộng cao từ 3,5 đến 4m. Trên đất liền, trong chiều và tối nay tiếp tục có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11-13. Từ nay đến ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa các nơi phổ biến từ 150 -250mm.

Ghi nhận của phóng viên, mưa kết hợp gió giật mạnh đã khiến nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ, biển pano quảng cáo bị bay…Lãnh đạo địa phương cũng phân công thành nhiều đoàn trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các huyện, thành phố. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đang tiến hành thống kê những thiệt hại ban đầu.

Công ty Điện lực Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 thống kê đến 15 giờ ngày 7/9, trên địa bàn tỉnh hiện đang mất điện ở 109/124 đường dây trung áp. Hiện Công ty đang nỗ lực khắc phục tại các điểm cấp điện xung yếu; còn lại phải chờ thời tiết bảo đảm đủ an toàn sẽ huy động lực lượng khẩn trương khắc phục để sớm cấp điện trở lại.

Cây cối gẫy đổ tại xã Tây Tiến, Tiền Hải, Thái Bình.

18:00

Phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc phản ánh: Khi bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh, mọi tuyến đường bị ách tắc do cây xanh, cột điện bị đổ. Các công trình xây dựng bằng kết cấu nhẹ không chịu được sức mạnh của cơn "cuồng phong". Mái tôn, bồn nước, hàng rào đổ la liệt khắp đường... Một khung cảnh "hoang tàn" trên dường phố ở Quảng Ninh.

Tại thị xã Quảng Yên, nhiều cây xanh cổ thụ bị đổ rap, cột điện trung thế cũng đổ khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Hệ thống điện, thông tin liên lạc tại Quảng Ninh tạm thời bị gián đoạn.

Trong ảnh: Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương cùng đoàn công tác trực tiếp mở đường để đi vào thị xã Quảng Yên.

17:46

Phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN thông tin: Hiện tại gió tại Hà Nội ngày càng mạnh, mưa kèm gió giật khiến mái tôn nhiều nhà dân bị lật tung. Trong ảnh là mái tôn từ một nhà dân bị gió thổi bay ra đường Đại Cồ Việt.

Ứng phó với bão số 3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa có khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

17:36

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 16 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Phủ Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Văn Lý (Nam Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Hải Dương gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11;…

Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 00h đến 16h ngày 07/9 có nơi trên 100mm như: Cát Bà (Hải Phòng) 215mm, Đầm Hà (Quảng Ninh) 189mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 188mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 171mm, Phủ Dực (Thái Bình) 153mm, Xuân Thủy (Nam Định) 127mm,…

17:13

Phóng viên Bảo Linh/VOV.VN ghi nhận tại Hà Nội: Nhiều nhà mái tôn khu vực Mỹ Đình đã bị tốc mái trước sức gió mạnh của bão số 3.

17:12

Phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc có mặt tại Quảng Ninh thông tin: Dọc các tuyến đường tại Quảng Ninh cây xanh đã không thể "vượt qua" sức mạnh của cơn bão. Nhiều ngôi nhà bị bay mái tôn, biển quảng cáo bị "hạ đổ"... Một khung cảnh "hoang tàn" trên đường phố ở Quảng Ninh trước sức mạnh của cơn bão số 3.

Đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long ghi nhận lúc 16h30

Đường Nguyễn Văn Cừ, TP Hạ Long ghi nhận lúc 16h30

Cầu Bãi Cháy, TP Hạ Long ghi nhận lúc 16h39

Thị xã Quảng Yên ghi nhận lúc 17h

Thị xã Quảng Yên ghi nhận lúc 17h

16:49

Phóng viên Tiến Dũng/VOV.VN có mặt tại Bắc Ninh thông tin: Lúc 16h30, tại khu vực trung tâm TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đang thuộc vùng cam đỏ ( theo bản đồ thời tiết vệ tinh), dự báo gió đang mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Để an toàn cho người dân, Công ty Điện lực Bắc Ninh đã cắt điện phần lớn các khu vực. Ngoài đường hầu như không có người tham gia lưu thông. Cây cối bị gió thổi rung chuyển mạnh, nhiều cây lớn đã bị bật gốc.

16:43

Cảnh báo ngập lụt tại khu vực nội thành Hà Nội

Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa to đến rất to.

Dự báo trong 3-6h giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50-90mm, có nơi trên 130mm. Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 20-40cm;

Đáng chú ý một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 30-50cm bao gồm:

- Quận Tây Hồ gồm: Thụy Khuê, Dương Quảng Hàm, Phú Xá...;

- Quận Ba Đình: Thành Công, Huỳnh Thúc Kháng, La Thành, Liễu Giai, Điện Biên Phủ, Núi Trúc, Ngọc Khánh, Nguyễn Trường Tộ...

- Quận Hoàn Kiếm: Phùng Hưng, Liên Trì-Nguyễn Gia Thiều, ngã tư Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến, phố Đinh Liệt, phố Nguyễn Siêu-ngõ Gạch, Tông Đản, ngã tư Quang Trung - Trần Quốc Toản, Thợ Nhuộm, Bà Triệu, Điện Biên Phủ, Quán Thánh, ngã ba Đường Thành - Hàng Nón.

- Quận Đống Đa: Bùi Xương Trạch, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Hà, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Kim Liên...

- Quận Thanh Xuân: Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Nguyễn Ngọc Nại, Vương Thừa Vũ, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Tuân, Lương Thế Vinh, Nguyễn Xiển, Quan Nhân – Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Tưởng, Phùng Khoang, đường Tố Hữu (đoạn từ Lương Thế Vinh đến Trung Văn)…

- Quận Hai Bà Trưng: Nguyễn Khoái, Lạc Trung, Mạc Thị Bưởi, Hàng Chuối, Trần Xuân Soạn, Thanh Nhàn, Yec-xanh.

- Quận Cầu Giấy: Ngã tư Dương Đình Nghệ-Nam Trung Yên (phía sau tòa nhà Keangnam), Hoàng Quốc Việt (gần Đại học Điện Lực), Phan Văn Trường, Phùng Chí Kiên, Trần Bình, phố Hoa Bằng.

- Quận Hoàng Mai: Thịnh Liệt, Đường Đền Lừ, Đường Hoàng Mai, phố Vĩnh Hưng, Trương Định, Lĩnh Nam, Định Công, ...

- Quận Bắc Từ Liêm: Phố Kẻ Vẽ, Trần Cung, ga Nhổn Nam Từ Liêm phố Đỗ Đức Dục, phố Phùng Khoang, hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long...

- Quận Long Biên: Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm, Hoa Lâm (gần ngõ 80)...

- Quận Hà Đông: Phố Triều Khúc, đường Quyết Thắng, Tô Hiệu, Yên Nghĩa...

Các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến phố ngập sẽ bị ảnh hưởng, khó khăn khi di chuyển có thể gây tắc nghẽn cục bộ.

16:34

Phóng viên Sỹ Đức/VOV1 thông tin: Ngày 7/9, Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) đã điều động 500 cán bộ, chiến sĩ đến các xã trên địa bàn huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) giúp nhân dân phát quang đường lãng ngõ xóm, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh nhằm giảm thiểu những thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trong 2 ngày 6-7/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có mưa, gió mạnh từng thời điểm. Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bão số 3 gây ra, các lực lượng vũ trang trên địa bàn điều động hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ, ứng trực, sẵn sàng tác chiến.

Đáng chú ý là Trung đoàn 3 (Quân khu 4) đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức phân chia lực lượng đến những địa bàn xung yếu giúp nhân dân khơi thông các hệ thống sông, mương thủy lợi; hệ thống cống, đập tràn trên địa bàn, đảm bảo hệ thống thoát nước, tiêu ngập của địa phương hoạt động một cách thông thoáng.

Đại tá Lê Doãn Anh, Phó chính ủy Sư đoàn 324 cho biết "Trước khi hành quân thực hiện nhiệm vụ chúng tôi đã chuẩn bị kỹ, quán triệt mệnh lệnh của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu; giao nhiệm vụ cho các lực lượng, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, phương tiện để tổ chức hành quân; đồng thời nắm chắc diễn biến bão số 3 và tình hình địa bàn thực hiện nhiệm vụ. Trong buổi đầu tiên chúng tôi tổ chức lực lượng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, khơi thông mương mán, chuẩn bị tốt nhất phòng chống bão số 3"

Mặc dù trong tình hình bão gió, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ giúp dân đều không quản vất vả, khó khăn thực hiện các công việc được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

16:30

Phóng viên An Kiên/VOV-Tây Bắc thông tin: Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, toàn lực lượng Công an tỉnh này đã và đang tập trung triển khai nhiều biện pháp ứng phó khẩn cấp trước ảnh hưởng của bão số 3, đặc biệt khẩn trương giúp dân thu hoạch lúa, di chuyển nhà cửa… nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Các đơn vị, Công an các địa phương ở Lào Cai đều đã kích hoạt chế độ trực 100% quân số, triển khai công tác ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”, khẩn trương và liên tục tuyên truyền, thông báo cho người dân diễn biến của bão để chủ động phòng tránh và có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu và xử lý các tình huống xảy ra.

16:28

Phóng viên Nguyễn Hà, Văn Ngân/VOV.VN có mặt tại Thái Bình thông tin: Vào lúc 15h50, huyện Giao Thủy có mưa gió rất to. Mọi công tác phòng, chống bão số 3 từ huyện đến các xã, thị trấn huyện Giao Thủy đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với diễn biến thực tế và tập trung có trọng tâm, trọng điểm.

Theo đó, các địa phương và lực lượng chức năng của huyện đã thực hiện sơ tán, di dân đối với các vùng xung yếu, nơi nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào. Toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, nuôi thủy sản đã được tiêu rút nước đệm giảm thiểu nguy cơ ngập úng.

UBND huyện đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi và các khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, đến thời này, trên địa bàn huyện chưa có thiệt hại về người và tài sản; toàn bộ các tuyến đê biển, đê sông được đảm bảo an toàn; các phương tiện tàu thuyền neo đậu ở nơi an toàn.

16:08

Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc thông tin: Tại khu vực trung tâm TP Hải Phòng, mưa lớn và gió to bắt đầu mạnh dần lên từ khoảng sau 13 giờ hôm nay (7/9) và đến thời điểm 15 giờ, gió vẫn đang rít từng hồi, hất tung nhiều mái tôn, gây gãy đổ nhiều cây xanh trên đường.

Tại huyện đảo Cát Hải, gió mạnh cấp 12, 13 từ sau 12 giờ, đến thời điểm này đang giảm dần. Mưa bão đã ảnh hưởng đến đương điện trung hạ thế, gây mất điện tại một số địa phương của TP Hải Phòng. Ngành Điện lực đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, ngay sau khi bão tan sẽ khẩn trương khắc phục tình trạng mất điện tại Hải Phòng cũng như các địa phương khác đang bị ảnh hưởng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng.Trần Hồng Hà, TP Hải Phòng yêu cầu nhân dân ở yên trong nhà, không ra khỏi nhà cho đến 20 giờ ngày hôm nay (7/9); trừ các lực lượng phòng chống thiên tai, các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trưởng ban chỉ huy cùng cấp.

Theo báo cáo nhanh của lãnh đạo TP Hải Phòng với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hiện đang chỉ đạo công tác chống bão tại Sở Chỉ huy tiền phương đặt tại TP Hải Phòng, trên địa bàn TP đã có gần 20 trường hợp bị thương do bị cây gãy đổ vào người, đã được đưa đến cấp cứu tại các bệnh viện.

16:00

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: 15h chiều nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.8 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất: Cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

15:58

Cây cổ thụ bật gốc tại UBND xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội. Nguồn: UBND xã Vạn Điểm

15:52

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Thanh Hóa

Phóng viên Sỹ Đức/VOV1 phản ánh: Hôm nay (7/9), kiểm tra công tác phòng chống bão tại tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá cao địa phương trong công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 (bão Yagi), đồng thời chỉ đạo địa phương khẩn trương thu hoạch lúa trước khi hoàn lưu bão có thể xảy ra với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại Âu neo đậu tàu thuyền thuộc phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn); kiểm tra thực tế tại khu vực có nguy cơ sạt lở bờ biển thuộc thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: "Đây là cơn bão với gió giật cấp 13-14, riêng ảnh hưởng hoàn lưu bão dự báo thứ 2-3. Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông. Trước mắt với phương châm 4 tại chỗ, về lâu dài chắc chắn và yên tâm hơn thì “xanh nhà hơn già đồng”, tập trung thu hoạch, nhân vật lực để ứng phó có hiệu quả".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt các biện pháp ứng phó bão số 3 của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về ứng phó với bão số 3. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão gây ra. Chủ động tiêu nước, bảo vệ lúa, hoa màu, lồng bè; tập trung chỉ đạo Nhân dân thu hoạch lúa thu mùa đã chín từ 80% trở lên và cây rau màu khác đã đến kỳ thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các điểm đê, kè xung yếu, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Đối với khu vực có nguy cơ sạt lở bờ biển thuộc thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa), chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để không bị bất ngờ khi có tình huống do bão số 3 gây ra. Về lâu dài, tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kiên cố hệ thống kè biển, nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở, xâm thực.

15:46

Thái Bình lo ngập úng khoảng 74.000ha lúa mùa

Phóng viên Phi Long/VOV.VN đang có mặt tại Thái Bình thông tin: Bão số 3 được dự báo sẽ gây mưa to, nguy cơ ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt, với khoảng 74.000ha lúa mùa của tỉnh Thái Bình đang trong thời kỳ mang đòng.

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh, đến nay toàn bộ số lao động tại các chòi canh coi ngao, ao đầm nuôi trồng thủy, hải sản ở trong và ngoài đê đã được di dời vào nơi an toàn.

Hiện lực lượng phòng, chống thiên tai của các địa phương, đơn vị đang ứng trực 100% quân số, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Người dân cũng chủ động các phương án gia cố, chằng chống nhà cửa.

Bão số 3 được dự báo sẽ gây mưa to, nguy cơ ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt (khoảng 74.000ha lúa mùa của tỉnh đang trong thời kỳ mang đòng, trỗ, chắc xanh và gần 14.000ha cây rau màu, dược liệu, cây cảnh, cây ăn quả).

Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do mưa bão gây ra, ngành nông nghiệp Thái Bình khuyến cáo các địa phương chủ động các giải pháp kỹ thuật.

Đối với diện tích lúa đã chắc xanh, nếu bị đổ ngã do bão và mưa lớn cần hướng dẫn nông dân dựng, buộc lúa tránh hạt lúa nảy mầm trên bông; tháo cạn nước mặt ruộng và phun thuốc trừ rầy, bệnh khô vằn phát sinh sau mưa lớn.
Các vùng lúa chưa trỗ bông chú trọng việc tiêu nước tránh đòng lúa ngập sâu trong nước sẽ bị thối, ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Tạm dừng gieo trồng cây màu và bảo quản tốt các cây giống còn ươm trong bầu, hạt giống chờ thời tiết hết mưa, tạnh ráo tiếp tục gieo trồng.

Khẩn trương thu hoạch diện tích đến kỳ thu hoạch; khoanh vùng có nguy cơ ảnh hưởng do bão gây ra để có phương án xử lý nhanh, khởi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, bảo đảm nước tiêu nhanh, gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.

15:43

Phóng viên Thu Hòa/VOV4 thông tin: Sáng 7/9, đoàn viên thanh niên Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt tổ chức cho 20 CBCS xuống đồng gặt lúa Hè - Thu, giúp dân chạy bão số 3, cho các hộ dân ở thôn A Tin, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế.

15:28

Mái nhà Công ty Giày Thượng Đình (Thanh Xuân - Hà Nội) vừa bị gió giật bay. Nguồn: Thính giả Quynh Huong

15:27

Theo phóng viên Phi Long/VOV.VN, tại Thành phố Thái Bình cây cối ngã đổ nhiều, một số xe ô tô đỗ ven đường bị cây đổ đè trúng.

15:20

Theo phóng viên Cẩm Tú/VOV.VN, ngay lúc này, gió to làm cửa kính chung cư 536 Minh Khai (Hà Nội) rơi xuống vỡ vụn.

Khu vực đầu phố Vĩnh Tuy, Trần Khát Chân, Dương Văn Bé nhiều cây to bật gốc gãy đổ, đè lên ô tô đỗ vỉa hè.

15:14

Theo phóng viên Nguyễn Trang/VOV.VN, tại Nam Sách, Hải Dương, 15h chiều nay, mưa lớn kèm theo gió giật mạnh khiến nhiều cây to bật gốc, gãy đổ, nhiều nhà lợp bái tôn bị bay nóc, hư hỏng nặng.

15:13

Phóng viên Hồng Minh/VOV phản ánh, tại một số chùa trên địa bàn Quảng Ninh, nơi bão số 3 đổ bộ (chùa Cảnh Huống, chùa Đống Phúc, Chùa Vầu) đã bị thiệt hại. Gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh ngã đổ.

15:09

Phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN phản ánh: Gió đang mạnh dần lên tại Hà Nội khiến mái tôn nhiều nhà dân bay phần phật. Nhiều nhà nóc mái bị giật tung. Việc di chuyển trên đường rất khó khăn.

15:06

Phóng viên Duy Thái/VOV Đông Bắc đưa tin: Sáng nay (7/9), đoàn công tác do ông Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại hồ Nà Cáy, hồ chứa nước Bản Lải, huyện Lộc Bình.

Thời điểm này, mực nước dâng tại hồ Nà Cáy và hồ chứa nước Bản Lải đều ở mức chứa an toàn. Tuy vậy, trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, qua rà soát khu vực hạ lưu của 2 hồ, huyện Lộc Bình đã tổ chức di dời hơn 100 hộ dân sinh sống trong khu vực hạ lưu của hồ Nà Cáy và hồ chứa nước Bản Lải.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn yêu cầu lãnh đạo huyện Lộc Bình tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh, tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai quyết liệt, kịp thời công tác phòng ngừa, ứng phó; thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của cơn bão số 3 để kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “từ xa, từ sớm” nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, cũng như hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra;…

Cũng trong sáng nay 7/9, đoàn công tác do ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn làm trưởng đoàn cũng đi kiểm tra tình hình phòng, chống bão số 3 tại một số vị trí sạt lở, nguy cơ sạt lở trên địa bàn phường Chi Lăng và điểm nguy cơ ngập úng cao ở khu vực phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn. Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố cần tập trung cao độ vào công tác ứng phó với bão số 3. Trong đó tổ chức đầy đủ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, ứng trực 24/24h để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra; theo dõi sát diễn biến thời tiết để thông tin, tuyên truyền đến người dân; tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người dân sinh sống ở các khu vực xung yếu, nguy cơ sạt lở cao di chuyển đến nơi an toàn.

Cùng với đó, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động triển khai các phương án để khắc phục tình trạng ngập úng, đảm bảo an toàn cho người dân.

14:50

CTV Quỳnh Anh/VOV.VN thông tin, tuy bão số 3 chưa đổ bộ vào đất liền nhưng tại một số tuyến đường ở Hà Nội, nhiều cây to gãy đổ, chắn ngang đường. Rất may do khuyến cáo từ trước, không có nhiều người ra đường nên thiệt hại về người được giảm thiểu.

14:44

Phóng viên Cẩm Tú/VOV.VN cho biết: Tại khu đô thị Vinhomes Times City, 458 Minh Khai, gió thối mạnh khiến nhiều cây xanh bị đổ nhưng hiện chưa có thiệt hại gì về người.

14:42

Phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc thông tin: Một tòa nhà cao tầng tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long bị gió va đập vỡ kính khi bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh.

14:40

Phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc cho biết: Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh, sức gió mạnh nhất khi bão đổ bộ vào Thành phố Hạ Long đo đuợc là cấp 14, giật cấp 15. Đây là sức gió kỷ lục đuợc ghi nhận trong khoảng 30 năm trở lại đây.

14:38

Theo phóng viên Phi Long/VOV.VN đang có mặt tại Thái Bình: Bão số 3 đã gây ra một số thiệt hại tại xã Đông Trà, Tiền Hải, Thái Bình. Nhiều mái tôn đã bị bão lật tung. Nhiều diện tích lúa đang trong thời kỳ sinh trường bị bão quật đổ rạp. Cây cối, cột điện ngã đổ la liệt.

14:19

Hình ảnh những thiệt hại ban đầu do bão số 3 gây ra tại Quảng Ninh do phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc ghi lại.

14:15

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Hồi 13h ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Bãi Cháy (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 14, giật cấp 17, Phù Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10,…

Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to như: Cửa Ông (Quảng Ninh) 113mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 110mm, Cát Bà (Hải Phòng) 86mm,…

14:09

Những hình ảnh do phóng viên Văn Phúc ghi lại được tại Đồ Sơn, Hải Phòng khi bão số 3 đổ bộ vào đây. Gió giật rất mạnh khiến cửa kính nhiều tòa nhà bị bật tung, vỡ nát.

14:05

Phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN thông tin: Trong sáng nay (7/9) UBND phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội vận động thành công di dời 3 hộ với 11 nhân khẩu ra khỏi nhà G6A Thành Công (chung cư nguy hiểm cấp độ D).

3 hộ dân với 11 nhân khẩu chưa chủ động di chuyển, các lực lượng UBND phường Thành Công đã liên hệ, hỗ trợ di chuyển đến khách sạn trên địa bàn để tránh bão, bảo đảm tính mạng và tài sản. Lực lượng chức năng phường lập rào bảo vệ, cảnh báo.

Lực lượng chức năng vận động người dân di dời khỏi nơi nguy hiểm

Lực lượng chức năng vận động người dân di dời khỏi nơi nguy hiểm

14:03

Phóng viên Văn Giang/VOV.VN tại Bắc Ninh thông tin, hiện tại trên địa bàn thành phố Bắc Ninh mưa bắt đầu nặng hạt, đi kèm theo gió mạnh. Nhiều cây xanh trên đường đã bị nghiêng đổ làm hàng loạt ôtô đậu dưới lòng đường bị đè bẹp, phủ kín.

14:01

Ảnh hưởng bão số 3, Hà Nội có 1 người tử vong, 6 người bị thương do cây đổ

Phóng viên Hoàng Lâm/VOV.VN thông tin: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, tính đến 7h ngày 7/9, trên địa bàn thành phố có 7 người bị thương vong do cây đổ.

Cụ thể, quận Hoàng Mai có một người chết, một người bị thương do cây đổ; quận Hoàn Kiếm 3 người bị thương; quận Hai Bà Trưng 2 người bị thương, một xe máy hư hỏng do cây đổ; quận Hà Đông có một xe ô tô bốn chỗ và một xe ô tô khách bị hư hỏng do cây đổ.

Cũng theo báo cáo, ngay trong đêm 6/9, 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai, phường Tân Mai, Quận Hoàng Mai (được xây dựng cách đây từ năm 1964, nay đã xuống cấp, thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) đã được chính quyền quận Hoàng Mai di dời đến Trường tiểu học Tân Mai cách đó 300m để đảm bảo an toàn trước khi bão Yagi đổ bộ.

Tại nơi ở tạm, chính quyền đã chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn chiếu cho người dân. Phường Tân Mai đã thành lập các tổ công tác gồm các ban ngành đoàn thể để hỗ trợ dân di dời.

Đến 6h ngày 7/9, trên địa bàn Thành phố không có điểm úng ngập. Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội tiếp tục vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Đồng Bông 1 (mới) vận hành 3/3 bơm; Trạm bơm Cổ Nhuế vận hành 2/4 bơm; Trạm bơm DPS (Bắc Thăng Long - Vân Trì) vận hành 1/4 bơm; Trạm bơm Yên Sở vận hành 6/15 bơm khẩn cấp, 5 bơm thông thường. Các huyện, thị xã và Công ty Thủy lợi Hà Nội báo cáo, 7h ngày 7/9/2024, vận hành 9 trạm bơm tiêu với 32 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 79.300m3/h.

13:49

Phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc cho biết: Tại Hạ Long, khi bão số 3 vào tới Quảng Ninh, toàn bộ cây xanh ngoài đường đã bị hạ đổ; một số xe ô tô bị lật và những tòa nhà có thiết kế bằng kính bị vỡ, có nguy cơ không chịu được sức gió, từng đợt lốc.

Phó Bí thư tỉnh Ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương đã có mặt ở tâm bão; đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng cá Hà Phong; tặng quà cho người dân ở đồi Hải Sản đang tránh trú bão. Cũng trong ngày, ông Đặng Xuân Phương đã đến kiểm tra, thăm, động viên ngành Điện lực Quảng Ninh.

13:35

Thông tin từ CTV/VOV.VN cho biết: Hiện trên địa bàn Hà Nội gió đang mạnh dần lên, tại Quận Hà Đông, gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh gãy đổ. Người dân cần cân nhắc khi ra đường thời điểm này. Nếu không có việc thật cần thiết hãy ở yên trong nhà chờ bão tan.

13:26

Thông tin nhanh về bão số 3 từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Lúc 13h, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.8 độ Vĩ Bắc; 107.1 độ Kinh Đông, trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

13:22

Phóng viên Văn Ngân, Nguyễn Hà/VOV.VN đang có mặt tại Nam Định thông tin: Tại cống số 9 xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, hiện nay nước biển đang ở mức độ thấp, sức gió hiện tại giật khoảng cấp 9, cấp 10, gió Tây Nam là chủ yếu.

Tổng số thuyền của 2 xã Giao Long và Giao Hải là 384 phương tiện đã được di chuyển vào nội đồng từ ngày 4-5/9. Các chòi vây nuôi trồng thủy sản không còn người.

Hiện nay lực lượng biên phòng, công an, các lực lượng tăng cường của huyện Giao Thủy, lực lượng chốt cống số 9, số 8 và bộ phận chỉ huy tiền phương và hậu phương của xã Giao Long đang ở các vị được bố trí theo kế hoạch.

13:19

Phóng viên Vân Anh/VOV.VN hiện đang có mặt tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin: Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo KTTVQG cho biết, bão số 3 (siêu bão Yagi) sẽ gây ra đợt mưa rất lớn ở khu vực Bắc Bộ, thời gian mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ sẽ tập trung vào ngày và đêm nay (7/9), chiều và đêm nay mưa lớn sẽ mở rộng sang khu vực phía Tây Bắc Bộ. Đợt mưa này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 9/9.

13:15

Phóng viên An Kiên/VOV-Tây Bắc thông tin: Trước dự báo ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn kéo dài từ chiều về đêm 7/9, các địa phương trong tỉnh Lào Cai đang khẩn trương chỉ đạo, kiểm tra, huy động lực lượng hỗ trợ người dân sẵn sàng ứng phó với các dạng thiên tai cực đoan dễ xảy ra ở vùng núi như dông lốc, lũ quét, sạt lở đất.

12:40

Phóng viên Duy Thái/VOV Đông Bắc phản ánh: Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Lạng Sơn, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại Trạm Khí tượng Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình có gió mạnh cấp 10, giật cấp 11; các nơi khác có gió mạnh cấp 3 đến cấp 6. Dự báo thời điểm gió mạnh nhất từ trưa đến tối ngày 7/9. Dự báo từ ngày 7 đến ngày 9/9, lượng mưa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn biến từ 150-300 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.

Video ghi lại cảnh gió thổi dữ dội tại Trạm phát sóng Mẫu Sơn trên đỉnh Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn

12:32

Theo phản ánh của phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc, mưa lớn kèm gió giật mạnh tiếp tục làm bật gốc, gãy đổ nhiều cây cổ thụ to tại một số trường học.

12:31

Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc đang có mặt tại TP Hải Phòng đưa tin: Ngay lúc này, tại TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đang họp chỉ đạo công tác phòng chống bão với các địa phương thuộc Quân khu 3.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương tại cuộc họp, tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định…. cũng đã có gió to cấp 7 - cấp 8, giật cấp 10, mưa vừa đến mưa to và rất to. Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ của TP Hải Phòng, từ 10 giờ hôm nay (7/9) đã có gió cấp 14, 15, giật cấp 16. Một số cây cối, mái nhà, mái tôn bị tốc. Huyện Bạch Long Vỹ vẫn đang tăng cường lực lượng, phương tiện ứng phó với bão và thống kê thiệt hại do bão gây ra.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương tăng cường công tác ứng trực, sẵn sàng các điều kiện, chủ động ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Theo Phó Thủ tướng lưu ý, tâm bão vào đất liền vào khoảng 13 – 14 giờ; tuy nhiên; không phải sau thời gian đó, cường độ bão sẽ giảm; mưa lớn sẽ tiếp tục duy trì đến tối nay. Vì vậy, các địa phương không lơ là, tập trung cao để ứng phó với mưa to, gió lớn sau bão.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, không chỉ Hải Phòng mà tại các địa phương, các tuyến đê tại hiện chỉ chống chịu được cấp 9, cấp 10. Các địa phương cần sẵn sàng các phương án, kịch bản hộ đê; huy động lực lượng, phối hợp với các đơn vị quân đội để ứng trực, phòng các trường hợp khẩn cấp.

12:27

Phóng viên Tiến Cường/VOV-Đông Bắc phản ánh: Trưa nay, Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại khu vực cảng cá Hà Phong, TP Hạ Long. Đây là khu vực đang neo đậu gần 200 tàu cá của ngư dân. Công tác di đời, di chuyển người dân đến nơi ở an toàn đã được triển khai từ sớm. Hiện tại TP Hạ Long gió to, mưa lớn; trên các tuyến đường cây đổ....

Tại đây, ông Đặng Xuân Phương đề nghị cán bộ, công chức không được chủ quan; ứng trực và bám sát các kịch bản để giảm thiểu thiệt hại người, tài sản cho nhân dân.

12:20

Phóng viên Bảo Linh/VOV.VN tại Hà Nội phản ánh: Ở Hà Nội từ sáng sớm nay đã có mưa liên tục và gió đang mạnh dần lên. Trên các đường phố, nhiều cửa hàng bánh Trung thu do không che chắn kỹ càng nên đã bị gió giật bong rách, bay nóc.

12:18

Phóng viên Phi Long/VOV.VN cập nhật tình hình phòng, chống cơn bão số 3 tại 2 huyện ven biển của Thái Bình là Tiền Hải, Thái Thụy:

Tại thời điểm này, (lúc trưa nay), trên toàn tỉnh Thái Bình đang có mưa vừa, một số nơi ven biển mưa to, gió cấp 4, cấp 5 và đang có dấu hiệu mạnh lên khi bão số 3 áp sát gần đất liền hơn. Càng đến trưa nay, gió càng mạnh lên. Tại TP Thái Bình đã ghi nhận một số cây bị ngã đổ do mưa bão.

Cây đổ do mưa to, gió giật mạnh tại TP Thái Bình trưa nay.

Cây đổ do mưa to, gió giật mạnh tại TP Thái Bình trưa nay.

Sáng nay (7/9), đoàn công tác của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đi kiểm tra công tác ứng trực, ứng phó với các diễn biến của bão số 3 tại huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Đây là 2 huyện ven biển có khả năng bị ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền của tỉnh Thái Bình.

Đoàn đã đến kiểm tra hệ thống đê biển và các khu neo đậu tàu thuyền tại các xã Nam Thịnh, Đông Minh (huyện Tiền Hải), xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy); kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh và kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại tuyến đê biển thuộc xã Đông Minh của huyện Tiền Hải.

Cống Trà Linh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy.

Theo báo cáo nhanh của huyện Tiền Hải, đến 9 giờ sáng nay trên địa bàn huyện đã có gió to và mưa. Các xã ven biển đã chủ động kêu gọi toàn bộ tàu thuyền, ngư dân, lao động làm ăn trên biển, tại các chòi ngao, khu nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú bão an toàn. Tổ chức đưa người dân ở nhà yếu, xập xệ, người già cả neo đơn đến nơi trú ẩn kiên cố. Huyện duy trì chế độ trực 100% lực lượng, cử cán bộ phụ trách từng địa bàn để đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó với bão.

Huyện Tiền Hải cho biết, đến trưa nay trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại do bão gây ra.

Tại huyện Thái Thụy, theo thống kê, tổng hợp báo cáo ban đầu, đến 24 giờ ngày 6/9, các địa phương trên địa bàn huyện đã huy động được 12 máy xúc, 27 ô tô vận tải để thực hiện công tác chuẩn bị ứng phó với bão; đã đóng được 9.750 bao cát (khoảng 300m3) để chủ động xử lý các điểm xung yếu đối với đê điều tại địa phương.

Cùng với đó, mỗi địa phương luôn duy trì từ 30 - 35 người túc trực (10 - 15 người tại trụ sở xã, thị trấn; 30 - 35 người tại các cơ sở thôn, tổ dân phố và tại các điểm xung yếu) và Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng huyện trưng dụng, huy động 10 máy xúc, 10 ô tô tải túc trực tại các điểm theo chỉ đạo để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra tại địa phương.

Được biết, trong sáng 7/9, đã có 50 cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân sự và 60 cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an được tăng cường về huyện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Tại các điểm kiểm tra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh. Chủ động nắm tình hình, diễn biến của bão, sẵn sàng và triển khai các phương án ứng phó, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi bão đổ bộ vào đất liền. Tăng cường tối đa thời lượng thông tin, tuyên truyền dưới mọi hình thức về bão để người dân nắm được, chủ động, cảnh giác phòng tránh.

Cảng Diêm Điền sáng nay, các tàu thuyền đã vào nơi neo đậu và tránh trú an toàn.

Cảng Diêm Điền sáng nay, các tàu thuyền đã vào nơi neo đậu và tránh trú an toàn.

Các lực lượng thường trực, cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, ven sông, nơi neo đậu tàu thuyền, nơi có các điểm xung yếu thường xuyên kiểm tra, ứng trực, sẵn sàng các điều kiện theo phương châm "4 tại chỗ" để xử lý các tình huống có thể xảy ra trước, trong và sau khi bão đổ bộ; duy trì nghiêm lệnh cấm biển, tuyệt đối không để ngư dân, người lao động trở lại chòi canh ngao và các phương tiện tàu thuyền; bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Tiếp tục rà soát, kiểm tra các công trình trọng điểm, kho tàng, bến bãi, trường học, bệnh viện, nhà yếu để có phương án gia cố, bảo vệ, hỗ trợ di dời khi có yêu cầu.

12:07

Phóng viên Bảo Long/VOV.VN phản ánh: Sân vận động Mỹ Đình lúc 11h30 trưa 7/9. Mưa lớn và gió mạnh khiến hàng rào trước sân bị đổ. Tuyến đường xung quanh sân đã xuất hiện những vũng ngập. Theo lịch ban đầu, trận đấu giữa Đội tuyển Nga và Đội tuyển Thái Lan sẽ diễn ra lúc 20h tối nay (7/9) trên sân Mỹ Đình. Đến lúc này, Ban tổ chức vẫn chưa thông báo chính thức về việc hoãn trận đấu hay không.

12:03

Phóng viên Vũ Miền/VOV-Đông Bắc thông tin: Do ảnh hưởng của bão số 3 gây gió giật mạnh, các lực lượng đang triển khai công tác cấm phương tiện qua cầu Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

11:52

Cầu Bạch Đằng (tỉnh Quảng Ninh) đã cấm các phương tiện thông từ 11h 30 và mở lại khi cấp độ gió đạt ngưỡng an toàn, dưới cấp 10.

Cầu Bạch Đằng (tỉnh Quảng Ninh) đã cấm các phương tiện thông từ 11h 30 và mở lại khi cấp độ gió đạt ngưỡng an toàn, dưới cấp 10.

11:52

Hình ảnh phóng viên Văn Phúc ghi lại tại Hải Phòng. Ảnh hưởng của bão số 3 đã gây mưa lớn và gió giật mạnh tại địa phương này

11:48

PV Sỹ Đức/VOV1 thông tin, đêm qua và sáng nay khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có mưa và gió giật mạnh. Tại xã biên giới Pù nhi, huyện Mường Lát giông lốc đã làm tốc mái, gây hư hỏng nặng một số nhà dân.

Theo thống kê đến thời điểm này ở xã Pù Nhi có 4 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu đã được di chuyển đến nơi an toàn. Số hộ dân có nhà bị hư hỏng là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.

Sáng nay, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát dẫn đầu đoàn công tác có mặt động viên và hỗ trợ người dân. Số hộ bị tốc mái ở 2 bản Pù Quăn và Pù Ngùa, người dân sinh sống trên các triền núi cao, cơn lốc đến bất ngờ và đêm tối nên chỉ kịp di chuyển người, và rất may không có thiệt hại về người.

11:41

11:38

PV Vũ Miền/VOV Đông Bắc đưa tin: Quảng Ninh đang có mưa lớn bao trùm với gió cấp 8 trở lên và đang tăng cấp ở các địa phương ven biển như Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều. Riêng tại huyện đảo Cô Tô địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 3 đang có mưa to trắng trời, gió giật cấp 15 theo từng cơn khiến nhiều công trình, nhà kiên cố bị tốc mái, hàng chục cây xanh, biển quảng cáo bị quật đổ. Theo báo cáo nhanh của huyện, bão chỉ còn cách Cô Tô hơn 100km. Từ đêm qua, huyện Cô Tô đã bố trí di chuyển 600 hộ dân vào các khách sạn và nơi cư trú an toàn và gần 30 khách sạn mở cửa miễn phí đón ngư dân trú bão.

Theo ông Nguyên Xuân Cường, PCT UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết địa phương đang ở tinh thần chủ động cao nhất để ứng phó với bão số 3.

Đến thời điểm này, Quảng Ninh chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể. Ngoài huyện đảo Cô Tô đã mất điện từ đêm qua, thì thị xã Quảng Yên đã mất điện từ 11h. Cầu Bãi Cháy, cầu Vân Đồn đã cấm các phương tiện qua lại. Các địa phương của Quảng Ninh đã di dời hàng nghìn hộ dân đến nơi an toàn. Trước diễn biến của bão số 3, hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản VN TKV đang yêu cầu các đơn vị sản xuất than lộ thiên và hầm lò tổ chức trực chỉ huy. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các đơn vị sản xuất than hiện nay tập trung phòng chống sạt lở những vị trí xung yếu bãi thải và chống ngập úng ở các mỏ.

Tại Quảng Ninh đã ghi nhận hàng trăm cây đổ gãy trên các tuyến đường ở Hạ Long, Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn

Tại Quảng Ninh đã ghi nhận hàng trăm cây đổ gãy trên các tuyến đường ở Hạ Long, Móng Cái, Cô Tô, Vân Đồn

Trường Tiểu học Tiền An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, cây xanh bật gốc do bão lớn

11:35

Theo PV Trường Giang/VOV Đông Bắc: Các khu vực khai trường khai thác than tại Quảng Ninh đều đã tạm ngừng sản xuất từ hôm qua (6/9), chuyển sang trạng thái ứng trực phòng chống bão số 3. Các đơn vị lộ thiên dừng sản xuất sau ca 1 (14h) và hầm lò sau ca 2 (22h), tập trung di chuyển thiết bị về vị trí tránh trú an toàn, tiếp tục kiểm tra rà soát tránh nước mưa thẩm thấu gây ngập mỏ.

Hiện các đơn vị duy trì 50-100 người ứng trực, chủ yếu trực chỉ huy tại nhà điều hành, trạm bơm, trạm điện, giám sát liên tục kịp thời ứng phó các tình huống. Cùng với đó là tiếp tục tập trung phòng chống sạt lở những vị trí xung yếu bãi thải, đảm bảo thoát nước, ngăn chặn người không vào khu vực có nguy cơ sạt lở…

11:32

PV Bảo Linh/VOV.VN tại Hà Nội cho biết, hiện tại khu vực Cầu Giấy và Nam Từ Liêm mưa bắt đầu nặng hạt, đi kèm gió to. Nhiều cây xanh trên đường đã bị nghiêng đổ.

Cây đổ trên phố Hàm Nghi - Nam Từ Liêm

Cây đổ trên phố Hàm Nghi - Nam Từ Liêm

11:30

Hình ảnh mưa to, sóng lớn được Trạm Khí tượng Hải văn Hòn Dấu, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc bộ ghi lại sáng nay

11:26

Theo CTV VOV.VN, thành phố Hải Phòng sáng nay mưa to, gió giật mạnh, nhiều cơ qua công sở phải gia cố lại cửa kính để đảm bảo an toàn. Một số cây to cũng được chống đỡ để giảm thiểu nguy cơ gãy đổ.

11:24

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, hiện bão số 3 (siêu bão Yagi) đã tiến sát khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Gió mạnh đã ghi nhận tại Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 15; Cửa Ông (Quảng Ninh): cấp 12, giật 14; Thành phố Hải Phòng: cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 10; TP. Hải Dương cấp 6, giật cấp 7.

11:21

PV H.La/VOV.VN thông tin, trong sáng nay các tuyến phố vắng hoe người tại các điểm úng có nguy cơ ngập công nhân thoát nước ứng trực bảo đảm yêu cầu tiêu thoát thoát nước không để xảy ra úng ngập. Tại điểm như ngã 5 Nguyễn Du- Bà Triệu nhiều nhà dân chủ động chuẩn bị bao cát để chặn nước vào nhà phòng trường hợp nước không kịp tiêu thoát.

Theo Báo cáo nhanh của Sở Xây dựng Hà Nội tình hình thiên tai Bão số 3 gây ảnh hưởng trên địa bàn Thành từ ngày 6/9/2024 đến 6h ngày 7/9/2024, hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố được quản lý, vận hành đáp ứng yêu cầu thoát nước đô thị, không có điểm đọng nước, úng ngập trên địa bàn Thành phố. Bão số 3 làm 101 cây đổ, bật gốc, khoảng 202 cành cây gãy đổ; gây ra 60 sự vụ gây ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng như: Chạm chập, mất pha, nhẩy ATM, gãy cột thép, vỡ hỏng đèn...: đã xử lý 36/60 sự vụ ngay trong ngày 6/9.

Đến 6h ngày 7/9/2024, bão số 3 đã làm ảnh hưởng, gây một số thiệt hại đối với hệ thống hạ tầng cây xanh, chiếu sáng đô thị trên địa bàn Thành phố, trong đó thiên tai đã gây thiệt hại đến người dân và tài sản. Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị duy trì hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cây xanh, chiếu sáng, cấp, thoát nước) quán triệt thực hiện nghiêm công tác ứng phó bão số 3, điều động nhân lực, thiết bị phù hợp với tình huống thiên tai giải quyết kịp thời các điểm úng ngập, các vị trí sự cố (cây xanh, chiếu sáng) phối hợp lực lượng chức năng hướng dẫn, phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông do thiên tai bão số 3 gây ảnh hưởng trên địa bàn Thành phố.

11:09

Theo phản ánh của phóng viên Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc, Sáng nay (7/9), tỉnh Yên Bái bắt đầu có mưa dông do ảnh hưởng của bão số 3, một số cây xanh đã bị gãy đổ, một số diện tích lúa sắp thu hoạch bị ảnh hưởng. Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, địa phương miền núi này đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Hiện tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Yên Bái đều đã bố trí đầy đủ phương tiện như thuyền máy, xe tải các loại, xe mô tô, máy phát điện, xe trâu, xe kéo, áo phao cứu sinh… để kịp thời ứng phó với các tình huống mưa lũ, sạt lở đất. Lực lượng chức năng dùng loa di động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phòng tránh mưa bão. Đặc biệt là hàng chục nghìn người thuộc các lực lượng Công an, Quân sự, Y tế, các đội, đoàn thể... đã ứng trực 24/24h.

11:06

Theo ghi nhận của phóng viên Bảo Long/VOV.VN, hiện tại tại Hà Nội có mưa lớn, gió giật mạnh, khiến nhiều cây xanh trên tuyến đường Kim Mã gãy đổ. Gió to cũng khiến người đi đường gặp khó khăn, một số người điều khiển xe máy trên đường bị gió quật ngã. Các tuyến đường vắng bóng người và phương tiện.

11:03

Cô Tô có gió giật cấp 14-15, đắm 4 tàu xi măng

PV Trường Giang/VOV Đông Bắc đưa tin: Hiện tại thì bão số 3 đang tiến đến sát huyện đảo Cô Tô gây mưa và gió rất to, gió giật cao nhất lên đến cấp 14-15. Người dân trên đảo cho biết gió giật ào ào từng cơn và nghe rõ tiếng rít qua cửa, rất nhiều cây xanh nhiều kích cỡ đã bị gió ép đổ rạp, nhiều cây gãy đỗ chắn ngang đường, các bảng hiệu, mái tôn bị tốc, cuốn ra xa.

Cách đây khoảng 1 giờ thì sóng lớn và biển động dữ dội đã khiến 4 tàu xi măng đang neo đậu trong khu âu cảng bị đắm, sóng biển dâng cao vài mét đập mạnh vào các bờ kè. Hiện thì toàn huyện đảo vẫn đang mất điện, tuy nhiên về cơ bản tâm lý người dân ổn định, chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho gia đình, việc liên lạc qua sóng viễn thông vẫn đảm bảo.

10:57

Phóng viên Tiến Dũng/VOV.VN tại Bắc Ninh và Bắc Giang cho biết, khoảng 10h30 ngày 7/9, tại Bắc Giang, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các nơi trong tỉnh xảy ra đợt mưa to và dông. Lượng mưa trung bình khoảng 150 mm.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Giang, sáng ngày 7/9, tại khu vực TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên và các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang, Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động, Lục Ngạn có gió trong bão mạnh cấp 5 (29-38 km/h), cấp 6 ( 39-49 km/h), sau tăng lên cấp 7 (50-61 km/h), giật cấp 8 (62-74 km/h). Gió có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, cản trở người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Thời gian lượng mưa tập trung từ sáng 7/9 đến trưa 8/9 từ 150mm- 250mm/đợt. Xảy ra nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đối với các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế. Các sông xuất hiện một đợt lũ, trên sông Thương tại trạm Phù Lạng Giang, Cầu Sơn có khả năng đạt từ báo động 1 đến báo động 2. Trên sông Lục Nam tại trạm Lục Nam, Chũ, Cẩm Đàn đạt từ báo động 1 đến báo động 2.

Lãnh đạo Trung tâm Bơm tiêu thoát nước đô thị thành phố Bắc Giang túc trực 24/24 để kịp thời điều hành thoát nước khi mực nước dâng cao.

Lãnh đạo Trung tâm Bơm tiêu thoát nước đô thị thành phố Bắc Giang túc trực 24/24 để kịp thời điều hành thoát nước khi mực nước dâng cao.

10:54

Phóng viên Văn Giang/VOV.VN tại Bắc Ninh thông tin, khoảng 10h sáng nay, do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Yagi) đã gây mưa lớn, gió giật mạnh. Tại tuyến đường Lý Thái Tổ, lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý cắt hạ cây xanh do có nguy cơ bị bật gốc, gẫy đổ.

Lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý cắt hạ cây xanh do có nguy cơ bị bật gốc, gẫy đổ.

Lực lượng chức năng đã kịp thời xử lý cắt hạ cây xanh do có nguy cơ bị bật gốc, gẫy đổ.

Tại chợ dân sinh phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh một số quầy hàng thực phẩm đã hết hàng từ sáng sớm do người dân có tâm lý mua nhiều thực phẩm, lương thực tích trữ trong những ngày mưa bão. Chị Trang, tiểu thương buôn bán hoa quả nhiều năm tại phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh cho biết: “Mặc dù chịu ảnh hưởng của bão Yagi nhưng giá bán không thay đổi nhiều so với những ngày bình thường và người mua cũng dễ mua hơn vì còn vội về tránh mưa bão”.

Thực hiện chỉ đạo của chính quyền địa phương tỉnh Bắc Ninh, người dân đã chủ động chằng chống nhà cửa, hạn chế ra đường khi không cần thiết. Tại các tuyến đường chính huyết mạch của tỉnh Bắc Ninh hiện lác đác người dân đi ô tô, xe máy ra đường trong thời tiết xấu.

10:46

PV Duy Thái/VOV Đông Bắc đưa tin: Đến sáng nay (7/9), trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhiều nơi có mưa vừa đến mưa to, gió mạnh. Cùng với các trường học, đại đa số các hàng quán ăn uống, giải khát, khu vui chơi trên địa bàn đã nghỉ bán hàng, đóng cửa để tránh bão.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại Trạm Khí tượng Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình có gió mạnh cấp 10, giật cấp 11; các nơi khác có gió mạnh cấp 3 đến cấp 6. Dự báo thời điểm gió mạnh nhất từ trưa đến tối ngày 7/9. Mưa giông cũng làm tốc mái một số hộ gia đình tại TP Lạng Sơn, rất may không có thiệt hại về người xảy ra.

10:39

10:33

PV Bảo Linh/VOV.VN tại Hà Nội đưa tin, lưu lượng giao thông từ sáng vắng và không có hiện tượng ùn ứ, khu vực ngã tư Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu đảm bảo thông suốt. Tại các nút giao thông, lực lượng CSGT trực và hướng dẫn người dân khi cần thiết.

Chiến sỹ Đặng Văn Trường - Cán bộ CSGT số 6 TP. Hà Nội trực tại nút giao Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy

10:29

PV Bảo Long/VOV.VN tại Hà Nội: Thời điểm này phố Kim Mã, Hà Nội thưa thớt người qua lại. Phần lớn các cửa hàng trên con phố sầm uất này đã đóng cửa. Hiện tại, mưa ở địa điểm này không quá nặng hạt, nhưng gió lớn gây ra khó khăn cho những ai điều khiển phương tiện lưu thông qua đây. Những cành cây gãy đổ trước số nhà 298 Kim Mã khiến các tài xế càng thêm e dè.

Ngã tư Kim Mã- Nguyễn Chí Thanh có nhiều tòa nhà cao tầng. Gió rất mạnh khiến việc đi qua ngã tư trở thành thách thức với các tay lái và rất dễ ngã xe.

10:25

Tranh thủ khoảng lặng, nhanh chóng dọn dẹp đường phố ở Móng Cái, Quảng Ninh

PV Trường Giang/VOV Đông Bắc đưa tin, mặc dù vẫn duy trì gió lớn cấp 8-9 nhưng tại TP Móng Cái và 1 số khu vực trong đất liền phía tây tỉnh Quảng Ninh hiện có những thời điểm mưa nhỏ, gió giảm theo từng cơn. Từ sáng thì gió mạnh đã làm bật gốc và đổ rạp nhiều cây xanh, giật đổ một số bảng hiệu, tốc mái tôn ra chắn ngang đường khiến các phương tiện không thể lưu thông. Do đó, tranh thủ các khoảng lặng, lực lượng chức năng đã khẩn trương tiến hành thu gom ngay các cành cây, dọn dẹp mở đường, đồng thời tránh gió giật trong những giờ tiếp theo sẽ cuốn theo các vật cản này văng vào các phương tiện, nhà dân.

10:18

Theo phóng viên Công Luận/ VOV-Đông Bắc, từ khoảng 9h hôm nay, tại Bắc Kạn bắt đầu có mưa nhỏ trên diện rộng. Tại một số chợ, siêu thị, cửa hàng, hoạt động vẫn diễn ra bình thường, tuy nhiên khá vắng khách. Theo dự báo, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn tại Bắc Kạn có nơi trên 300mm, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra. Từ 6/9, các lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn đã duy trì ứng trực 100% quân số, sẵn sàng công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

10:16

PV Tiến Cường/VOV-Đông Bắc đưa tin: tại Cô Tô, mưa to, gió lớn đã gây đổ cây cối bên đường. Gió giật cấp 15 hướng đông đông bắc.

Gió giật đổ cổng chào và nhiều cây xanh.

Gió giật đổ cổng chào và nhiều cây xanh.

10:10

Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, từ ngày hôm nay (7/9) đến ngày 10/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức BĐ2- BĐ3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức BĐ1-BĐ2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức BĐ1; mực nước hạ lưu sông Hồng-Thái Bình ở dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa (thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).

09:53

Trao đổi với phóng viên Quang Huy/VOV1, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, cơn bão số 3 là 1 cơn bão rất mạnh và hoàn lưu rộng. Mặc dù Hà Nội không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hoàn lưu bão số 3 nhưng do tác động của hoàn lưu bão số 3 từ chiều và tối nay khu vực Hà Nội có khả năng có gió mạnh cấp 6, cấp 7 và giật tới cấp 9, cấp 10. Cùng với gió mạnh giật cao như vậy thì Hà Nội khả năng xảy ra đợt mưa lớn với lượng mưa từ 150-350mm.
Người dân lưu ý trong chiều và tối nay (7/9) – thời điểm tác động trực tiếp của cơn bão số 3 cùng với gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 có khả năng làm gãy đồ cây, bay mái tôn, biển quảng cáo gãy đổ thì người dân hạn chế tối đa, không ra đường. Bên cạnh đó, mưa lớn cũng có khả năng gây ngập úng, người dân cần sớm có phương án phòng chống ngập lụt tại nơi ở.

09:52

PV Thanh Nga/VOV Đông Bắc thông tin, để chủ động ứng phó với bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền vào chiều nay, từ chiều qua, các địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng đã vận động sơ tán hàng nghìn hộ dân sinh sống tại các khu tập thể cũ xuống cấp, khu vực trũng thấp, có nguy cơ sạt lở… đến nơi tránh trú an toàn.
Trường THCS Quang Trung, phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng hiện có gần 90 người dân ở các chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, trên địa bàn, như: khu A2, A3 và chung cư 278 Vạn Mỹ di dời về từ chiều qua (6/9). Ban giám hiệu trường THCS Quang Trung chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện thiết yếu để hỗ trợ bà con trong thời gian tạm lánh phòng chống bão số 3.

Người dân tạm lánh tại trường THCS Quang Trung, quận Ngô Quyền, Hải Phòng

Người dân tạm lánh tại trường THCS Quang Trung, quận Ngô Quyền, Hải Phòng

09:49

PV Tiến Cường/VOV Đông Bắc đưa tin: Tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, gió to khiến một số cây xanh có nguy cơ đổ. Chính quyền và lực lượng công an phân luồng giao thông để chặt hạ cây, tránh gây thiệt hại cho người đi đường và tài sản của nhân dân Tại thành phố Hạ Long, lực lượng chức năng chuẩn bị lập hàng rào, cấm các phương tiện, người qua cầu Bãi Cháy.

09:47

Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội

Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội

09:43

Theo phóng viên Minh Long/VOV1, tính đến 7 giờ sáng nay (7/9) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã ghi nhận 1 người chết, 6 người bị thương do cây đổ bởi giông, lốc do ảnh hưởng của bão số 3, Cụ thể, 1 người chết, 1 người bị thương ở quận Hoàng Mai; quận Hoàn Kiếm có 3 người bị thương; quận Hai Bà Trưng có 2 người bị thương. Về tài sản, tại quận Hà Đông 1 xe ô tô 4 chỗ và 1 xe ô tô khách bị hư hỏng do cây đổ. Quận Hai Bà Trưng có 1 xe máy hư hỏng do cây đổ. Theo báo cáo của Công ty TNHH 1 thành viên Cây xanh Hà Nội đã có 402 cây đổ, cành gãy do ảnh hưởng bão số 3.

09:39

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong đêm qua và sáng nay (7/9), ở khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 06/9 đến 08h ngày 07/9 có nơi trên 60mm như: Mường Lèo (Sơn La) 71.9mm, Mù Căng Chải (Yên Bái) 63.2mm, Cửa Ông (Quảng Ninh) 75.7mm, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) 65.4mm,…

Dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 giờ đến 48 giờ tới: Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: Từ sáng 07/9 đến hết đêm 07/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm, cục bộ có nơi trên 450mm.

Ngày và đêm 08/9: có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-60mm, có nơi trên 150mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Phía Tây Bắc Bộ: từ sáng 07/9 đến sáng 09/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

09:38

09:37

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm dừng hoạt động ngày cuối tuần dừng hoạt động

Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm dừng hoạt động ngày cuối tuần dừng hoạt động

09:36

Để bảo đảm an toàn phòng tính mạng, tài sản của người dân tại nhà A7 khu tập thể Tân Mai (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) xây dựng hàng chục năm đã xuống cấp nguy hiểm, UBDND phường Tân Mai đã tổ chức vận động di chuyển các hộ dân sinh sống ra khỏi tòa nhà A7.

Trao đổi với phóng viên Đ.Hưng/VOV.VN, ông Đặng Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Mai cho biết, đến 10h tối ngày 6/9 đã hoàn thành việc di chuyển 48 hộ dân với 160 nhân khẩu được bố trí tại trường Tiểu học Tân Mai cách đó 300m.

09:34

Theo phóng viên Đ.Hưng/VOV.VN sáng nay chợ Hàng Bè - chuyên bán đồ ăn sẵn tại Hà Nội đông người bán, nhưng ít người mua. Đa số người dân đã chuẩn bị sẵn lương thực từ một vài ngày trước.

09:30

Theo phóng viên Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc, đêm qua, do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, tại thành phố Sơn La có mưa lớn kèm gió mạnh, làm nhiểu cây xanh gãy đổ, rất may không có ai bị thương. Ngay từ hơn 5h sáng nay, Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ Đô thị Sơn La đã huy động lực lượng, máy móc dọn dẹp cây cối gãy đổ, đảm bảo giao thông qua khu vực này.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, đơn vị đang tập trung rà soát, kiểm tra hiện trạng hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố và các huyện trong tỉnh để chặt tỉa những cây có nguy cơ cao gãy đổ. Đồng thời lưu ý người dân, ngoài khu vực Rặng Tếch, tại đường Thanh Niên, khu vực đồi Khau Cả của Thành phố Sơn La cũng có nguy cơ cây gãy đổ, vì vậy người dân chú ý không đi qua khu vực này khi trời mưa to, gió lớn.

09:27

PV Bảo Linh/VOV.VN tại Hà Nội: Tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên lượng người đi lại vắng, xe ra vào bến cũng giảm hơn so với ngày thường. Các xe, lái xe ra vào bến đều được tuyên truyền về thông tin cơm bão và cập nhật tình hình.
Anh Bùi Doanh Ngọc - lái xe Futa Hà Sơn, chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sapa cho biết: “Ngay khi có thông tin mưa bão, công ty đã cắt giảm chuyển và xe đi các tính có bão. Bên cạnh đó nhắc nhở lái xe di chuyển chậm, nếu tình hình diễn biến phức tạp thì ở lại bến và đợi bão tan, đảm bảo an toàn mới di chuyển tiếp”.

09:25

PV Sỹ Đức/VOV1 thông tin: Do ảnh hưởng bão số 3, sáng nay khu vực Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa kèm theo gió nhẹ. Lực lượng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tkcn và phòng thủ dân sự tỉnh đã duy trì trực 24/24 giờ và huy động gần 18 nghìn người tham gia ứng phó khi có tình huống xảy ra.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thanh hóa đã huy động hon 1000 bộ đội thường trực và 16.500 dân quân tự vệ cùng 4 xe vận tải và chở quân, nhiều mô tô nước, xuồng cao tốc, thuyền vượt sông, và trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn khác sẵn sàng cơ động.
Trước tình hình mưa bão như hiện nay tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm 2 vấn đề là an toàn hồ đập và an toàn cho người dân trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, đặc biệt là tại 11 huyện miền núi, có hơn 6 nghìn hộ dân đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.
Một mối lo khắc là an toàn hồ đập, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 340/610 hồ đập đã đầy nước. Nhiều hồ đập, hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn. Cơ quan chức năng và địa phương đang chủ động phương án, lên kịch bản và sẵn sàng nhân lực, phương tiện ứng phó khi có tình huống xảy ra.

09:24

Cảnh báo lũ trên các sông khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia hiện trạng mực nước hệ thống sông Hồng-Thái Bình và các sông ở Thanh Hóa đang biến đổi chậm và ở mức thấp dưới báo động (BĐ) 1.

Trung tâm Khí tượng cảnh báo từ ngày hôm nay (7/9) đến ngày 10/9, trên các sông ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ, với biên độ lũ lên trên các sông từ 2-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Hòa Bình có khả năng lên mức BĐ2- BĐ3; đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long lên mức BĐ1-BĐ2; sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức BĐ1; mực nước hạ lưu sông Hồng-Thái Bình ở dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa (thông tin dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).

Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.

Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.

09:24

Phóng viên Trường Giang/VOV-Đông Bắc đưa tin: Gió giật cấp 9, cấm xe máy qua cầu Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Do gió lớn giật cấp 8-9 và mưa lớn, để đảm bảo an toàn, các lực lượng chức năng đã cấm các phương tiện xe máy, xe thô sơ lưu thông qua cầu Bãi Cháy, TP Hạ Long. Sở GTVT đã bố trí xe tải để chuyên chở phương tiện và người dân qua cầu.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo người dân nếu không thực sự cần thiết thì không nên di chuyển trên đường, đặc biệt là khi TP Hạ Long cũng là một trong những khu vực tâm bão quét qua từ đầu giờ chiều nay. Trong sáng nay thì các xe lưu động vẫn tiếp tục phát loa trên các tuyến đường cập nhật tình hình bão, cảnh báo và khuyến cáo người dân.

09:22

Biển Đồng Châu đang có mưa vừa, gió cấp 4, cấp 5 trong sáng 7/9

09:21

PV Phi Long/VOV.VN đang có mặt tại Tiền Hải, Thái Bình cho biết, hiện nay ở khu vực biển Cồn Vành, Đồng Châu, huyện Tiền Hải đang có mưa vừa kèm gió cấp 4, cấp 5. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của vùng mây hội thụ bão số 3 nên trời rất sầm sì, tầm nhìn hạn chế.

Tại trung tâm huyện Tiền Hải, hướng đi khu công nghiệp Tiền Hải, có một số dây điện bị gió gây đứt, rơi võng xuống mặt đường. Trên một số tuyến đường, lực lượng chức năng đang đi kiểm tra việc phòng chống bão số 3 của người dân và các doanh nghiệp; kiểm tra thực tế hệ thống cây xanh và những ảnh hưởng của gió bão gây ra.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Bình cho thấy, trên biển: Trong ngày hôm nay (07/9), vùng biển ngoài khơi Thái Thụy- Tiền Hải tiếp tục có gió mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3,0-5,0 m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển cần đề phòng có nước biển dâng, với sóng lớn kết hợp với thủy triều, mực nước dâng tổng cộng cao từ 3,5 - 4,0m. Trên đất liền: Trong sáng nay tiếp tục có gió bão mạnh cấp 7, cấp 8, trưa chiều tăng lên cấp cấp 9, cấp 10, giật cấp 11-13. Từ nay đến ngày 09/9, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa các nơi phổ biến từ 200 -300mm.

Lực lượng chức năng huyện Tiền Hải kiểm tra việc phòng chống bão số 3

Lực lượng chức năng huyện Tiền Hải kiểm tra việc phòng chống bão số 3

09:18

PV Duy Thái/VOV-Đông Bắc đưa tin, từ đầu giờ chiều 6/9 đến sáng nay 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn bắt đầu có mưa to và gió lớn. Nhiều người dân đã đổ về các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, chợ trên địa bàn để mua sắm hàng hóa dự trữ, khiến sức mua tăng đột biến.Tại một số siêu thị, cơ sở cung ứng hàng hóa, thực phẩm và các chợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, lượng người mua hàng rất đông. Các mặt hàng được mua chủ yếu như thịt lợn, trứng các loại, rau xanh, gạo, hoa quả...

Anh Hà Huy Dưỡng, quản lý 1 siêu thị tại TP Lạng Sơn cho biết: Từ ngày hôm qua, lượng khách đến mua sắm tại cơ sở tăng đột biến gấp 2-3 lần, lưu lượng gần bằng những ngày Tết. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cơ sở đã bố trí nhân viên bổ sung các mặt hàng liên tục để phục vụ người dân mua sắm Mặc dù sức mua tăng, nhưng tại Lạng Sơn chưa có hiện tượng găm hàng, khan hàng, nâng giá...; các mặt hàng giá cả đều ổn định.

Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã làm việc với đại diện các đơn vị cung ứng hàng hóa trên địa bàn để đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng và giá cả vẫn ổn định, cam kết không lợi dụng thời điểm đông người mua để tăng giá, găm hàng. Địa phương cũng lên phương án, nhất là các khu vực có thể bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tổ chức tốt hoạt động cung ứng hàng hóa xuyên suốt, liên tục, có kế hoạch điều tiết, luân chuyển hàng hóa kịp thời để phục vụ nhân dân.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá; đảm bảo ổn định giá cả các mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi siêu bão, hoàn lưu bão.

09:09

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, đến thời điểm này, vị trí tâm bão: Khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 108.0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 132km.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

09:08

Tổng hợp tình hình tại tuyến đảo của Quảng Ninh

09:06

Phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN tại Hà Nội thông tin, để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết gây mưa, bão, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) yêu cầu các đơn vị theo dõi cập nhật tình hình diễn biến thời tiết mưa, bão trên các phương tiện thông tin của cơn bão số 3, bảo đảm an toàn cho công nhân khi mưa to, gió lớn.
Thực hiện nghiêm túc theo Kế hoạch của Công ty với phương châm "4 tại chỗ" chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Cùng "3 sẵn sàng": chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
Khi mưa to, giông, gió lớn không đảm bảo an toàn yêu cầu các đơn vị thông báo cho công nhân tạm ngừng sản xuất và tìm chỗ trú ẩn. Sau khi tình hình ổn định, mưa gió giảm đảm bảo an toàn mới bố trí công nhân, phương tiện tiếp tục sản xuất. Các chi nhánh phối hợp lập kế hoạch sản xuất trong thời gian ngập úng tại khu vực Lâm Du, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương khi có thiên tai xảy ra, lập phương án đảm bảo VSMT khi nước sông Hồng dâng cao, kịp thời tổng vệ sinh sau khi nước sông Hồng rút.

09:04

PV Bảo Linh/VOV.VN tại Hà Nội: Nhiều cửa hàng khu vực Hà Nội đóng cửa sớm vì mưa gió. Ngay cả các cửa hàng phục vụ ăn sáng cũng đóng cửa sớm. Chị Nguyễn Thị Lan - Chủ cửa hàng Phở tại phố Nguyễn Hoàng, Hà Nội cho biết: “Mưa gió nên không có khách, tôi đóng cửa sớm cho yên tâm”.

08:51

Theo PV Trường Giang/VOV Đông Bắc, gió cấp 12 quật đổ nhiều cây tại Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái (Quảng Ninh). Hiện tại thì tất cả các khu vực ở Quảng Ninh đều đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 3, trong đó nặng nề nhất là các tuyến đảo từ Cô Tô, Vân Đồn, Móng Cái, …

Toàn khu vực huyện đảo Cô Tô mưa to trắng trời, gió giật mạnh lên đến cấp 11-12 theo từng cơn, gió quật khiến nhiều cây xanh gãy đổ, các rào tôn, bảng hiệu, cây nhỏ bị đổ nằm rạp trên đường phố. Ngoài Cô Tô thì các đảo khác như Quan Lạn, Ngọc Vừng, Vĩnh Thực cũng ảnh hưởng với các mức độ mưa, gió khác nhau từ cấp 9-10.

Hiện tại bão chưa đổ bộ đất liền Quảng Ninh nhưng các khu vực ven biển đều đã có mưa, từ mưa nhỏ rải rác đến mưa vừa và mưa to. TP Móng Cái gió giật khiến nhiều cây cối ven đường nghiêng ngả đã bị gãy đổ. TP Cẩm Phả nhiều nơi gió đến cấp 10. Tại trung tâm thành phố Hạ Long gió cũng đã mạnh dần lên cấp 8, mưa vừa đến mưa to.

08:48

Tại xã đảo Thanh Lân, Cô Tô lúc 8h40

08:46

Phóng viên Huy Phương/VOV.VN có mặt tại khu vực Mỹ Đình, Hà Nội cho biết: Khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình mưa mau và kèm gió. Lượng người ra đường ít. Chị Phùng Thị Trai, một tiểu thương bán hàng cho biết "dù biết mưa bão nhưng vì mưu sinh nên vẫn cố đi. Nhưng giờ trời mưa to nên cũng dọn sớm để nghỉ sớm về nhà cho an toàn. Bán cũng không có người mua".

08:38

Camera ghi lại hình ảnh ở khu vực xã Thanh Lân, huyện Cô Tô vào lúc 8h sáng nay 7/9

08:33

Phóng viên Khắc Kiên/VOV Tây Bắc thông tin: Lai Châu được xác định là địa phương chịu ảnh hưởng muộn nhất của cơn bão Yagi, tuy nhiên trong sáng nay (7/9) trên địa bàn cũng đã bắt đầu xuất hiện mưa nhỏ.
Theo bản tin dự báo của Đài khí tượng thủy văn Lai Châu lúc 5 giờ sáng nay, từ hôm nay (7/9), tỉnh Lai Châu có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to, với lượng mưa phổ biến 50 – 100mm, có nơi trên 150mm. Từ đêm nay đến ngày 9/9, tại địa phương sẽ có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 100 – 150mm, có nơi trên 200mm.
Để ứng phó với bão số 3, hiện chính quyền tỉnh Lai Châu cũng đã có công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương ứng phó với bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo an toàn các công trình công cộng của Nhà nước, tài sản, tính mạng của Nhân dân.
Đặc biệt, giao ngành Giao thông – Vận tải địa phương tăng cường công tác tuần kiểm, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của nhà thầu trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ; chủ động xây dưng, triển khai phương án bảo đảm giao thông và có biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, các công trình đường, cầu, cống, nhà kho, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Trong ngày hôm nay, đoàn công tác của Cục đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông – Vận tải) sẽ tiến hành khảo sát các tuyến giao thông trên địa bàn, đặc biệt là các vị trí đã sạt lở trước đó, điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao để có phương án phân luồng giao thông và cho phương án khắc phục khi mưa tiếp tục gây sạt lở tắc đường.

Điểm sạt lở tại km 218+750 quốc lộ 4H tại Lai Châu xảy ra ngày 20/8 đến nay vẫn gây chia cắt giao thông trên tuyến

Điểm sạt lở tại km 218+750 quốc lộ 4H tại Lai Châu xảy ra ngày 20/8 đến nay vẫn gây chia cắt giao thông trên tuyến

Điểm sạt lở tại km 190+250 quốc lộ 4H xảy ra ngày hôm qua (6/9)

Điểm sạt lở tại km 190+250 quốc lộ 4H xảy ra ngày hôm qua (6/9)

08:28

PV Vũ Miền - VOV Đông Bắc đưa tin: 7h sáng ngày 7/9, đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoàn làm trưởng đoàn cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thị sát tình hình bão tại Cảng Quốc tế Tuần Châu, Hồ Yên Lập. Hiện các tàu du lịch đã ở khu neo đậu tránh trú bão an toàn, không còn khách du lịch ở các tuyến đảo. Hơn 2000 khách du lịch tại Quảng Ninh đều đang lưu trú ở đất liền. Từ đêm ngày 6/9 đến sáng sớm ngày 7/9, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.

08:27

08:26

Cầu Bãi Cháy lúc 8h15 phút

Cầu Bãi Cháy lúc 8h15 phút

08:24

Tại Hạ Long có gió cấp 6. Các lực lượng chức năng đang chuẩn bị cấm các phuơng tiện xe máy qua cầu

Tại Hạ Long có gió cấp 6. Các lực lượng chức năng đang chuẩn bị cấm các phuơng tiện xe máy qua cầu

08:22

Tại đảo Cô Tô sáng nay

08:19

PV Văn Ngân, Nguyễn Hà/VOV.VN thông tin, tại đê biển Hải Thịnh 3 và đê Cồn Tròn (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã bắt đầu có gió to, sóng lớn.

08:17

PV Thanh Nga/VOV Đông Bắc cho biết: Trong khu vực trung tâm TP Hải Phòng lúc này trời mưa nhỏ rải rác, gió nhẹ. Tuy nhiên, tạo đảo huyện đảo Bạch Long Vỹ, nơi đầu tiên của Hải Phòng chịu ảnh hưởng của bão số 3; hiện đã có gió cấp 12, giật cấp 13, 14. Gió và sóng biển vẫn đang mạnh dần lên; rất may đến thời điểm này chưa ảnh hưởng, thiệt hại đến tài sản của người dân.

Bạch Long Vỹ thời điểm 8 giờ ngày 7/9

08:09

PV Vân Anh/VOV.VN tại Hà Nội đưa tin, khu vực đường Xã Đàn giao với Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, Hà Nội, tuy mưa không quá nặng hạt nhưng gió rất to.

07:45

PV Vân Anh/VOV.VN thông tin, cập nhật thông tin với báo chí sáng nay, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sau khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão số 3 đã liên tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và tốc độ từ 15-20 km/giờ, hiện nay bão chỉ cách đất liền khoảng 200km, gió mạnh cấp 11 giật cấp 13.

07:43

Sáng nay, Đoàn công tác do Bộ truởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Cảng tàu du lịch Tuần Châu.

07:30

Thời tiết hiện tại ở Cảng tàu quốc tế Tuần Châu

07:24

Đảo Cô Tô lúc này đang có mưa rất to và gió lớn.

07:21

PV Tiến Cường/VOV-Đông Bắc đưa tin: Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô đã ban hành Lệnh giới nghiêm trước ảnh hưởng của cơn bão số 3. Lệnh giới nghiêm được thi hành đối với người và phương tiện (không bao gồm lực lượng chức năng thực thi công vụ) trên toàn bộ địa bàn thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 22h ngày 06/9/2024. Hiện tại Cô Tô đang có mưa rất to và gió lớn.

07:13

PV Phi Long/VOV.VN đang có mặt tại Thái Bình cho biết, đến thời điểm này, 100% người dân ở các chòi nuôi ngao ven biển đã kêu gọi vào bờ

PV Phi Long/VOV.VN đang có mặt tại Thái Bình cho biết, đến thời điểm này, 100% người dân ở các chòi nuôi ngao ven biển đã kêu gọi vào bờ

07:07

PV Đ. Hưng phản ánh tại Hà Nội cho biết, sáng nay Hà Nội bắt đầu có mưa và gió mạnh. Người dân ở trong nhà tránh bão, đường phố, các khu chợ dân sinh vắng người, trường học đóng cửa để bảo đảm an toàn.

07:05

Cô Tô lúc 7h sáng nay

07:02

PV Tiến Cường/VOV Đông Bắc đưa tin: Hiện tại mưa ở khu vực Vạn Gia, thành phố Móng Cái đến thời điểm này nhỏ, gió khoảng cấp 7- cấp 8. Tới 1h sáng mới bắt đầu có mưa, gió nhỏ. Suốt trong đêm qua, các lực lượng của xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực phối hợp với Bộ đội Biên phòng đều ứng trực để chủ động giải quyết những sự cố bất ngờ.

07:00

Theo PV Vũ Miền - VOV Đông Bắc, bão số 3 đang ảnh hưởng trực tiếp tới huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Mưa to, gió lớn, kèm gió giật mạnh cấp 12 gây biển động mạnh. Toàn huyện mất điện từ đêm qua. Dự báo đến 7h sáng nay, cơn bão số 3 đổ bộ vào huyện đảo. Đêm ngày 6/9, rạng sáng ngày 7/9, toàn huyện Cô Tô đã di tản gần 800 người đến nơi tránh bão an toàn.

Tại Đảo Cô Tô lớn lúc này

06:57

PV Văn Ngân, Nguyễn Hà/VOV.VN tại tỉnh Nam Định cho biết, tại cảng cá Ninh Cơ và khu neo đậu tàu thuyền Hải Thịnh của huyện Hải Hậu đã bắt đầu có mưa to, gió mạnh.

06:55

Theo ghi nhận của PV Phi Long/VOV.VN đang có mặt tại Thái Bình, tại tỉnh Thái Bình hiện đang có mưa nhỏ, gió cấp 4, cấp 5. Ảnh hưởng rõ nhất của bão số 3 sắp đổ bộ vào đất liền là trời khá âm u, gió nhẹ và mưa theo cơn. Người dân được cơ quan chức năng khuyến cáo là không nên ra đường nếu không cần thiết đề phòng tai nạn do cây cối ngã đổ hay những sự cố bất thường.
Một số người dân ven biển dự đoán, nếu bão Yagi giữ tốc độ và đường đi như hiện tại, rất có thể trưa và chiều nay bão sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta, trong đó có Thái Bình nên tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó khi bão đổ bộ rất cao.

06:53

PV Vũ Lợi, VOV Tây Bắc thông tin tại Điện Biên: Do ảnh hưởng của bão số 3, hôm nay (7/9) đến ngày 8/9, khu vực tỉnh Điện Biên sẽ có mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 100 - 250mm, có nơi trên 300mm. Hiện trên sản phẩm Ra đa đã xác định được vùng mây gây mưa lớn tại khu vực huyện Điện Biên. Trong những giờ tiếp theo, vùng mây đối lưu này tiếp tục phát triển mạnh gây mưa dông lan sang các huyện: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và thị xã Mường Lay.

Trước dự báo về diễn biến phức tạp của siêu bão YAGI, các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã chủ động triển khai các phương án ứng phó, nhất là tại các vùng vừa bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 2.

Tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, nơi địa chịu thiệt hại nặng nề do mưa lớn sau hoàn lưu bão số 2 hồi đầu tháng 8 vừa qua, với 6 người chết, mất tích, hàng chục hộ gia đình bị mất nhà hoàn toàn; tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 170 tỷ đồng. Ứng phó với siêu bão số 3 sắp đổ bộ, người dân trong xã rất lo lắng, song đã chủ động di dời tài sản đến nơi an toàn.

Ông Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Trước diễn biến phức tạp của siêu bão YAGI, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành công điện số 3973 yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát kỹ các khu dân cư, có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho nhân dân. Cùng với đó là đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, các trụ sở, công trình công cộng; nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa, rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch; kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có các sự cố xảy ra.

Tỉnh Điện Biên cũng sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống lũ bão, gây thiệt hại nặng về người và tài sản tại địa phương.

06:51

Thời tiết tại Bạch Long Vỹ sáng sớm ngày 7/9

06:32

PV Thanh Nga/VOV Đông Bắc đưa tin: Tới 6h20 sáng 7/9, tại các khu vực ven biển của Hải Phòng như Cát Bà, Đồ Sơn có gió cấp 5, giật cấp 6; mưa nhỏ gián đoạn. Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, từ 12 giờ đêm qua, gió bắt đầu mạnh dần lên; hiện ngoài đảo có gió cấp 10, giật cấp 11. Gần 100 tàu thuyền đã được đưa lên bờ; 4 tàu thuyền neo đậu trong âu cảng Bạch Long Vỹ đã được chằng chống cẩn thận; toàn bộ ngư dân trên các tàu thuyền và các hộ dân sống ven bờ kè đảo Bạch Long Vỹ đã được di dời tránh trú tại nhà đa năng của huyện.

Trước đó, chính quyền và các ban ngành huyện Bạch Long Vỹ đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con chằng chống nhà cửa, kho tàng, đảm bảo an toàn vật nuôi, rau màu.

Thời tiết tại Bạch Long Vỹ lúc 6 giờ ngày 7/9

Thời tiết tại Bạch Long Vỹ lúc 6 giờ ngày 7/9

06:29

PV Nguyễn Hà/VOV.VN đang có mặt tại Nam Định cho biết, tại Nam Định đã xuất hiện mưa, gió mạnh khoảng cấp 4, cấp 5. Mưa gió, các con đường cũng thưa vắng người đi lại.

06:26

Đêm qua, và sáng sớm nay, theo ghi nhân của phóng viên Sỹ Đức/VOV1 tại Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời tiết chưa có gì bất thường. một số nơi có mưa vừa, gió nhẹ. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa không chủ quan, lơ là, đặc biệt là cấp tỉnh đã thành lập 8 đoàn công tác, thường xuyên theo dõi, kiểm tra cơ sở để có phương án tác chiến khi bão đổ bộ,
Cũng trong trong tối qua, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã ứng trực, sẵn sàng cơ động, chi viện cho các địa bàn khi có tình huống xấu, bất ngờ. Cùng với Bộ đội biên phòng, công an, thì Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra, báo động các đơn vị cơ động chủ lực, dân quân tự vệ, trực sẵn sàng cơ động, giúp dân khi bão đổ bộ.
Một vấn đề đáng quan tâm là an toàn hồ đập. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 340/610 hồ đập đã đầy nước. Nhiều hồ đập, hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn. Cơ quan chức năng và địa phương đã chủ động gia cố, sửa chữa, hạn chế tối đa xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sáng ứng phó khi có sự cố xảy ra....

06:22

Phóng viên Sỹ Đức/VOV1 tại Thanh Hóa thông tin: Đêm qua, và sáng nay theo ghi nhân của chúng tôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời tiết chưa có gì bất thường. một số nơi có mưa vừa, gió nhẹ. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa không chủ quan, lơ là, đặc biệt là cấp tỉnh đã thành lập 8 đoàn công tác, thường xuyên theo dõi, kiểm tra cơ sở để có phương án tác chiến khi bão đổ bộ.
Cũng trong trong tối qua, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã ứng trực, sẵn sàng cơ động, chi viện cho các địa bàn khi có tình huống xấu, bất ngờ. Cùng với Bộ đội biên phòng, công an, thì Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra, báo động các đơn vị cơ động chủ lực, dân quân tự vệ, trực sẵn sàng cơ động, giúp dân khi bão đổ bộ.

Một vấn đề đáng quan tâm là an toàn hồ đập. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 340/610 hồ đập đã đầy nước. Nhiều hồ đập, hồ chứa đã xuống cấp, hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn. Cơ quan chức năng và địa phương đã chủ động gia cố, sửa chữa, hạn chế tối đa xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; tập kết đầy đủ nhân lực, vật tư, máy móc, thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” trong phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó tình huống khẩn cấp được phê duyệt để sẵn sáng ứng phó khi có sự cố xảy ra....

06:18

Tại Quảng Ninh đã ghi nhận mưa trên diện rộng, tại các địa phương ven biển sự ảnh hưởng của bão là rõ ràng nhất. Tại thành phố Móng Cái đã có mưa nhỏ, gió cấp 6, giật cấp 7 khiến một số cây ven đường bị đổ. Dự báo đến 7h sáng nay, cơn bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Cô Tô với sức gió mạnh nhất cấp 12.

Tại thành phố Hạ Long, bão số 3 chưa ảnh hưởng rõ rệt. Thành phố có mưa nhỏ, gió nhẹ Để chủ động phòng chống bão số 3, Quảng Ninh đã huy động 2.660 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai gồm: 64.290m2 vải bạt chống sóng; 13.828m3 đá hộc; 240.883 chiếc bao tải; 3.608 chiếc rọ thép; 4.961 kg dây thép; 5.550 m2 vải lọc… Các loại vật tư trên được bảo quản trong kho và tập kết tại những vị trí xung yếu trên các tuyến đê.

06:02

Thời tiết lúc 5h30p sáng nay tại đảo Cô Tô lớn

05:57

PV Vũ Miền - PV VOV Đông Bắc đưa tin: Khách sạn ở Cô Tô mở cửa đón người dân vào ở tránh trú bão miễn phí Tại Cô Tô, bão số 3 đã mạnh lên từ đêm qua. Lúc này, thời tiết tại huyện đảo đang mưa rất lớn, gió giật trên cấp 10, quật đổ nhiều cây xanh, mất điện. Trong đêm qua, chính quyền xã Thanh Lân, huyện Cô Tô đã đi vận động và di chuyển gần 300 người dân về hết các khách sạn, nhà kiên cố trên địa bàn. Do tình hình thời tiết bão số 3 diễn biến phức nên chính quyền đã vận động di dời cả những hộ dân ở nhà mái ngói, lợp tôn, Fibro xi măng sang nhà kiên cố mái bằng. Đáng chú ý, ngay trong đêm qua, nhiều khác sạn ở Cô Tô đã mở cửa đón nhiều người dân đến ở miễn phí để tránh bão số 3.

Tại xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô

05:54

Đưa máy bay về khu vực chằng néo chống trú bão số 3 tại Sân bay Nội Bài

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 - Yagi, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão nhằm đảm bảo an toàn cho các máy bay hiện đang khai thác và bảo dưỡng, sửa chữa. Các máy bay được kéo về khu vực an toàn và chằng néo theo đúng quy định an toàn hàng không.

05:49

Bản tin nhanh về bão số 3 cho biết, hồi 5h ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 vào khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 108.5 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 190km.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3:

Bạch Long Vĩ có gió cấp 12 giật cấp 14

Móng Cái (Quảng Ninh) có gió cấp 6 giật cấp 8

Quảng Hà (Quảng Ninh) có gió cấp 5 giật cấp 7

Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió cấp 7 giật cấp 8

Cô Tô (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6 giật cấp 10

Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) có gió cấp 5 giật cấp 7,

Phù Liễn (Hải Phòng) có gió giật cấp 6

Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) có gió giật cấp 5

Ba Lạt (Thái Bình) gió có giật cấp 7

Văn Lý (Nam Định) gió có giật cấp 7.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

05:42

05:37

PV Hương Lý/VOV Tây Nguyên đưa tin, theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày qua, trên địa bàn Đắk Lắk có mưa vừa, một số nơi có mưa to, độ ẩm đất đạt tới bão hòa, có thể xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất trên các triền dốc ở 11 huyện của tỉnh.

Trong văn bản vừa ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân được biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương trong vùng cảnh báo thiên tai, như: huyện Lắk, Krông Ana, Krông Bông, Ea Súp, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Cùng với đó, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi tỉnh triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du các công trình thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra…

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình xung yếu

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình xung yếu

05:34

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 6, giật cấp 10. Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 7, giật cấp 8.
Hồi 4 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Móng Cái (Quảng Ninh) cách khoảng 180km về phía Đông Nam, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 220km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

05:28

Phóng viên Phi Long/VOV.VN phản ánh: Theo báo cáo của huyện Vũ Thư, tính đến chiều 6/9, toàn huyện có 2.100/7.526ha diện tích lúa đã trỗ bông; đã gieo trồng 1.015ha cây màu hè thu, thu đông; có 109 lồng cá trên sông ở các xã: Vũ Vân, Vũ Đoài, Hồng Phong, Nguyên Xá, Việt Hùng; 1.560ha nuôi thủy sản; toàn huyện có 6 trọng điểm xung yếu đê, kè, cống; 1.370 hộ có nhà yếu không bảo đảm an toàn chống bão; 12.169 hộ dân sống ngoài đê chính...

Để ứng phó với bão số 3, huyện Vũ Thư đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, công ty, xí nghiệp và các lồng cá trên sông, các trang trại, gia trại để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; sẵn sàng di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm không bảo đảm chống bão sang các nhà kiên cố lân cận.

05:25

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 23h, vị trí tâm bão vào khoảng 20.2 độ Vĩ Bắc; 109.6 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 280km.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

Như vậy, bão số 3 đã giảm cấp và đi vào vịnh Bắc Bộ.

Cơ quan dự báo cũng cho biết, từ gần sáng 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 07/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 8/9).

Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, đêm 6/9 ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh trước khi bão ảnh hưởng.

Nhóm PV/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sau-bao-so-3-cac-tinh-phia-bac-se-hung-chiu-mot-dot-mua-rat-lon-post1119372.vov