Rưng rưng nước mắt từ rừng

Rừng cho hàng trăm gia đình ở TP Chí Linh (Hải Dương) kế sinh nhai nhưng cũng lấy đi nước mắt của họ chỉ sau đúng một trận bão. Người trồng rừng mong sớm được hỗ trợ để khôi phục sản xuất.

Vợ chồng chị Hoàng Thị Nga ở xã Bắc An (TP Chí Linh) ngậm ngùi chặt bỏ diện tích rừng bạch đàn bị chết sau bão số 3

Vợ chồng chị Hoàng Thị Nga ở xã Bắc An (TP Chí Linh) ngậm ngùi chặt bỏ diện tích rừng bạch đàn bị chết sau bão số 3

Kiệt quệ

Đã gần 2 tháng kể từ ngày bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào đất liền, những thiệt hại mà nó gây ra vẫn còn hiện hữu trên những cánh rừng ở TP Chí Linh, trong đó có hàng nghìn ha rừng sản xuất được Nhà nước giao cho các hộ nhận khoán. Cây cối trên núi đổ rạp, nhiều diện tích đã khô nỏ, không còn khả năng phục hồi.

Trận bão lịch sử đã khiến diện tích rừng sản xuất của các hộ dân ở xã Bắc An đều bị thiệt hại với nhiều mức độ khác nhau. Gia đình chị Hoàng Thị Nga ở thôn Vành Liệng là một trong những hộ chịu thiệt hại nhiều nhất.

Chị Nga cho biết 10 ngày trước khi bão số 3 đổ bộ, gia đình chị mới bón 2,5 tấn phân tổng hợp cho gần 2,8 ha bạch đàn và keo đã trồng được 4 năm. Đây là lứa cây đầu tiên mà gia đình chị trồng trên diện tích này sau nhiều năm canh tác tre lấy măng. Rừng bạch đàn và keo lên xanh tốt, chỉ khoảng 1 năm nữa là được thu hoạch. Vợ chồng chị nhẩm tính mỗi ha sẽ thu từ 100-130 triệu đồng. Vậy mà, chỉ sau đúng một trận bão, mọi thứ giờ chỉ còn lại đống hoang tàn.

Những thiệt hại mà gia đình chị Nga phải gánh chịu chưa dừng lại ở đó. Ở một cánh rừng sản xuất khác, 2,7 ha keo và bạch đàn của gia đình chị mới trồng được 1-3 tuổi cũng tan tác sau bão. Sau trận bão lịch sử, ước tính, gia đình chị Nga thiệt hại hàng tỷ đồng. "Bao năm qua, kinh tế gia đình tôi phụ thuộc cả vào diện tích rừng. Rừng cho chúng tôi cơm ăn, áo mặc nhưng giờ cũng lấy đi tiền bạc, mồ hôi và cả nước mắt. Nhà tôi giờ đang phải gánh nợ ngân hàng", chị Nga ngậm ngùi chia sẻ.

Ông Đặng Văn Tâm tự tay phát dọn cây cối ở rừng sản xuất bị chết sau bão số 3 vì công thuê lao động quá cao

Ông Đặng Văn Tâm tự tay phát dọn cây cối ở rừng sản xuất bị chết sau bão số 3 vì công thuê lao động quá cao

Cách nhà chị Nga vài cây số, gia đình ông Đặng Văn Tâm (cùng ở xã Bắc An) có 1 cánh rừng sản xuất rộng gần 5 ha trồng thông, keo và bạch đàn cũng bị đổ gẫy gần như quá nửa sau bão số 3.

Vụ trước, cũng trên diện tích này, ông Tâm đầu tư trồng rừng, thu lãi 60 triệu đồng/ha. Thấy hiệu quả, đầu năm nay, ông tiếp tục trồng 3.000 cây keo và bạch đàn. Cây sinh trưởng, phát triển tốt nhưng sau trận bão phần lớn đã bị đổ gẫy, bật gốc...

Ông Tâm nhẩm tính: "Không tính công chăm bón, thuê máy đào đất, chỉ tính giống và phân bón cũng đã mất khoảng 100 triệu đồng rồi. Giờ thuê người dọn cây bị gẫy đổ cũng tốn kém lắm, công thuê lao động lên đến 500.000 đồng/người/ngày".

Những cánh rừng trồng keo, bạch đàn của nhiều gia đình ở phường Bến Tắm cũng trong cảnh tương tự. Gia đình ông Phạm Hữu Sáu ở khu dân cư Trại Gạo có 3,15 ha cây keo trồng từ năm 2020 gần như bị gẫy đổ hoàn toàn sau bão. "Chi phí đầu tư cho cánh rừng này là khoảng 150 triệu đồng. 4 năm vất vả, bỏ vào đây không biết bao công sức, giờ thành công cốc", ông Sáu buồn bã nói.

Mong được hỗ trợ cây giống

Nhiều diện tích cây trên rừng sản xuất của nông dân Chí Linh sắp đến kỳ thu hoạch thì bị bão quật đổ

Nhiều diện tích cây trên rừng sản xuất của nông dân Chí Linh sắp đến kỳ thu hoạch thì bị bão quật đổ

Diện tích rừng sản xuất giao khoán cho người dân ở Hải Dương chủ yếu thuộc TP Chí Linh với khoảng 4.556 ha. Sau bão số 3, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương đã và đang phối hợp thống kê thiệt hại, đề xuất cấp trên hỗ trợ cho các hộ theo quy định. Ước tính, nhiều hộ có diện tích rừng sản xuất được giao khoán bị thiệt hại từ 30-70%, một số gia định bị thiệt hại trên 70%.

Theo khoản 2, điều 5 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về "cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh", đối với diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70% thì được Nhà nước hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30 - 70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

Nhiều hộ dân ở Chí Linh đã phát dọn xong cây rừng sản xuất bị thiệt hại sau bão, chờ trồng lại loạt cây mới khi thời tiết thuận lợi

Nhiều hộ dân ở Chí Linh đã phát dọn xong cây rừng sản xuất bị thiệt hại sau bão, chờ trồng lại loạt cây mới khi thời tiết thuận lợi

Nhiều hộ nhận khoán rừng sản xuất cho rằng số kinh phí hỗ trợ trên rất hữu ích trong lúc khó khăn như hiện tại nhưng còn thấp và chưa thấm vào đâu. "Tôi vẫn nợ ngân hàng và anh em nên giờ chưa biết sẽ xoay sở thế nào để có tiền tái đầu tư sản xuất. Rất mong Nhà nước xem xét, có cơ chế hỗ trợ thêm về cây giống và được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi để phục hồi việc trồng rừng", ông Đặng Văn Tâm đề nghị.

Một số hộ có diện tích rừng sản xuất cũng mong muốn điều tương tự. Để khôi phục sản xuất, ngoài cây giống, người dân còn phải đầu tư kinh phí không nhỏ cho việc thuê người dọn dẹp cây bị gẫy đổ, máy đào đất, mua phân bón...

Hiện nay, một số hộ ở TP Chí Linh đã dọn dẹp xong cây cối bị gẫy đổ trên diện tích rừng sản xuất được giao khoán, chờ khi thời tiết thuận lợi sẽ bắt đầu làm đất, xuống giống trồng vụ cây mới.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít diện tích rừng sản xuất bị thiệt hại sau bão chưa thu dọn, đang trong tình trạng khô nỏ. Hạt Kiểm lâm Chí Linh, Ban Quản lý rừng đang tích cực tuyên truyền, đôn đốc các hộ dân đẩy nhanh tiến độ thu dọn để đề phòng cháy rừng đang ở cấp cực kỳ nguy hiểm. Thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm túc hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy rừng...

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/rung-rung-nuoc-mat-tu-rung-396868.html