Sạt lở, ngập lụt từ rừng xuống biển - Bài 1: Đi qua miền sạt lở, lũ quét

Liên tiếp trong các năm qua, nhiều khu vực ở các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên bị sạt lở và lũ quét. Số lượng người chết, nhà cửa bị vùi lấp trở thành nỗi ám ảnh người dân ở những vùng đất nơi đây.

LTS: Năm 2020, chuỗi thiên tai, sạt lở, ngập lụt kinh hoàng ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị đã để lại những hậu quả nghiêm trọng cả về tính mạng, tài sản và môi trường. Mùa mưa lũ năm 2022, thiên tai tiếp tục đổ xuống dọc miền Trung như trận lũ quét vùi lấp, xóa sổ nhiều cụm dân cư ở thị trấn Mường Xéng (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An); ngập lụt chưa từng có trong lịch sử ở Đà Nẵng, Quy Nhơn… Sạt lở, lũ quét bủa vây các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên với tần suất ngày càng tăng, cường độ ngày càng khốc liệt.

Một ngôi nhà ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tan nát sau lũ quét. Ảnh: DUY CƯỜNG

Sạt lở, lũ quét bủa vây rừng núi

Suốt một tháng qua, các lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện… cùng máy móc được huy động tối đa để dọn dẹp, nhưng bản Hòa Sơn vẫn chưa được “bới” ra khỏi đống đất đá, cây rừng từ vụ lũ quét ngày 2-10. Rừng núi ven suối Huồi Giảng phủ màu u ám.

Ông Vi Văn Sơn giọng run run kể: “Sống đến nay đã 75 tuổi, nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét nào khủng khiếp như vừa rồi. Xưa, suối Huồi Giảng hiền hòa mang nước từ rừng về cho buôn làng các xã Tà Cạ đến thị trấn Mường Xéng (huyện Kỳ Sơn). Nhưng rạng sáng 2-10, suối trở nên hung hãn, mang theo đất, đá và xác rừng đổ về bản làng các xã Tây Sơn, Tà Cạ, thị trấn Mường Xén… khiến hàng chục hộ dân lâm cảnh mất trắng ruộng đất, nhà cửa”.

Những trận mưa bão liên tiếp từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 khiến cho rừng, núi, suối, sông khắp các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên đều sạt lở, ngập lũ. Hàng loạt tuyến quốc lộ từ đồng bằng lên miền núi, từ Duyên hải Nam Trung bộ kết nối lên Tây Nguyên và kể cả quốc lộ 1A đều bị sạt lở, gãy vỡ, chia cắt. Rừng núi từ Kon Tum đến Quảng Ngãi, Quảng Nam bị sạt lở bủa vây. Tại huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi), địa phương thống kê có khoảng trên 4.000 dân trong vùng nguy cơ cao bị sạt lở. Không chỉ Trà Bồng mà các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ… (Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh (Bình Định) chực chờ sạt lở, lũ quét, chia cắt mỗi mùa mưa tới.

Tại huyện miền núi Vân Canh (Bình Định), nhiều con suối đầu nguồn sông Hà Thanh đang trở nên hung hãn, tàn phá nặng nề 2 bên bờ và ruộng đất của người dân. Tại suối Phướn (thị trấn Vân Canh), trận mưa lũ vừa qua, nước lớn từ thượng nguồn đổi dòng, phá tan hoang nhiều vùng đất trồng rừng ven suối. Có đoạn suối bị phá tan, đất đai thổ nhưỡng đều trôi tuột về hạ du.

“Trận mưa đêm 11-10 rất lớn, khiến cho hầu hết các con suối ở địa bàn bị sạt lở, nhiều công trình, đường sá bị cuốn trôi. Nhất là tại suối Phướn, lũ hung hãn tàn phá hết cầu cống, đường sá, đê kè, đất đai ven suối… Ngay trong đêm đó, tôi huy động hơn 10 ca máy cẩu để nắn dòng, chứ không sạt lở phá hết các công trình, đất đai”, ông Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch thị trấn Vân Canh, nhớ lại.

Đường sá ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) bị sạt lở nặng nề vào mỗi mùa mưa đến. Ảnh: HỮU PHÚC

Sông, biển “thổi bay” làng mạc

Tại Bắc Tây Nguyên, tình trạng sạt lở sông suối diễn ra tràn lan, trở thành cơn ác mộng đối với người dân sống dọc sông, nhất là các con sông lớn như Đắk Bla, Đắk Pne (Kon Tum) và Ba (Gia Lai). Sông Ba chảy qua nhiều huyện, thị xã ở Gia Lai, là nơi cung cấp phù sa cho một vùng rộng lớn. Tuy nhiên, cũng chính con sông này đã “thổi bay” hàng trăm hécta đất sản xuất của dân.

Những ngày này, chúng tôi ngồi trên chiếc thuyền do ông Rơ Lah Kem (buôn Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) chèo từ đầu làng qua bên kia sông Ba để thị sát phần đất sản xuất bị sông “nuốt”. Nước sông Ba mùa này lên cao, chảy xiết khiến thuyền của chúng tôi tròng trành muốn lật. Một đoạn sông Ba dài cả trăm mét đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khoảnh trồng mì bị nước cuốn đổ ập xuống lòng sông…

Đứng nhìn ruộng đất đang bị sông “nuốt chửng”, ông Rơ Lah Kem lo lắng: “Ngày xưa sông rộng chỉ 10m thôi, nhưng giờ lũ khoét ra hơn 100m. Nhà tôi có 1,8ha trồng mì, nhưng mấy năm qua sông nuốt gần hết rồi. Cứ như thế này, vài năm nữa không còn đất canh tác”.

Ông Hà Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm, than: “Sạt lở sông Ba đã làm mất trắng hơn 100ha đất trồng mì, thuốc lá dọc sông. Có hộ mất trắng đất, không còn đất sản xuất đã thành hộ nghèo. Không chỉ mất đất, sông Ba còn đang đe dọa nhiều công trình, đường sá.

Theo UBND huyện Krông Pa, sông Ba đang gặm dần ruộng đất sản xuất của 12 xã, thị trấn và từng cuốn trôi cả một khu nghĩa địa”. Tương tự, tại sông Đắk Pne đoạn qua làng Kon Skôi, xã Đắk Ruồng, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, lắc đầu ngao ngán: “Không thể cứu được đất và làng dọc sông Đắk Pne vì dự án kè chống sạt lở 12 năm vẫn không có kinh phí để làm”.

Xuôi về các sông, biển từ Phú Yên đến Hà Tĩnh, nhóm PV Báo SGGP ghi nhận “hà bá” đang gặm nhấm nhiều bờ đất liền, vườn tược, làng mạc. Trong đó, mức độ nặng nhất là dọc bờ biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình.

Vừa qua, lũ cuốn phăng một đoạn bờ sông Thạch Hãn thuộc xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) và “nuốt” trọn 3 ngôi nhà, 2 hàng quán của người dân ven sông. Hiện khu vực sạt lở đang tiếp tục lan rộng, “gặm” sâu vào đất đai, nhà cửa người dân thôn Như Lệ (xã Hải Lệ).

“Hà bá” trên sông, biển các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) cũng đang tiếp tục “công phá” đất liền, uy hiếp hàng loạt vùng dân cư, công trình, tài sản, làng mạc…

Có mặt tại bờ biển xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chúng tôi ghi nhận dọc bờ biển kéo dài đang bị xâm thực nặng, hàng ngàn khối đất cát bị cuốn trôi. Ông Trịnh Quang Luật, Chủ tịch UBND xã Xuân Hội, cho biết, chỉ từ tháng 10-2020 đến nay, biển ăn sâu vào đất liền xã này dài 2,5km, sâu từ 15-20m. Tháng 10-2022, biển phá tan hệ thống rừng phòng hộ ven biển, ăn sâu đất liền 10m.

Đô thị biển “thất thủ”

Đà Nẵng, một đô thị có hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại bậc nhất miền Trung, bỗng dưng bị nhấn chìm sau cơn mưa lịch sử kéo dài 7 giờ hồi giữa tháng 10. Không ai nghĩ rằng, sạt lở, ngập lũ lại tấn công vào Đà Nẵng, nơi được các chuyên gia đánh giá là ôn hòa, ít bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất khu vực Trung bộ. Nhưng chỉ qua trận mưa lớn đêm 14-10, toàn thành phố “thất thủ”.

Bà Trần Thị Thu Thảo (53 tuổi, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiều, TP Đà Nẵng) nhớ lại, chiều tối 14-10, cả gia đình đang quây quần trong nhà. Đến khoảng 19 giờ, bà Thảo nghe ở ngoài ngõ ùng ục, nước từ đâu cuồn cuộn ập vô nhà như lũ quét. Nước lên nhanh, chỉ trong khoảng 10-15 phút đã ngập ngang ngực người lớn.

“Cả nhà tôi trở tay không kịp, hai vợ chồng ẵm đứa con leo lên nóc tủ để tránh lũ. Nước ngập quá nhanh, chiếc tủ gỗ bị nước cuốn lung lay, chồng tôi nhảy xuống nước cả đêm để giữ tủ, hai mẹ con tôi mới thoát nạn”, bà Thảo bàng hoàng kể lại.

Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ, 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện ở Đà Nẵng bị ngập trong nước lũ từ 1-2m. Ngập lụt khiến 4 người thiệt mạng, 70.000 nhà dân và trên 32.000 ô tô, xe máy, nhiều tài sản bị ngập nước, hư hỏng…Ước tính tổng thiệt hại 1.500 tỷ đồng.

Không chỉ trung tâm Đà Nẵng bị nước lũ “nhấn chìm” mà tại các địa bàn ven núi như huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu cũng xảy ra lũ quét, sạt lở núi. Hồ chứa Hố Dư (bờ đập cao gần 10m, dài 15m, ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) bị vỡ, tạo thành trận lũ lớn phá 20 nhà dân ở thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn)… Tại nghĩa trang Hòa Sơn (huyện Hòa Vang), có 6 điểm sạt lở với diện tích hơn 2,2ha…

Trong khi đó, đô thị biển Quy Nhơn (Bình Định) cũng liên tục bị ngập chìm trong nước sau những trận mưa lớn kéo dài. Gần đây nhất là ngày 20-11, TP Quy Nhơn bị nước lũ vây quanh, nước chảy như thác cuốn trôi nhiều người đi đường.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, đợt mưa lũ vừa qua đã để lộ nhiều bất cập trong quy hoạch dự án, đô thị ở khu vực TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Tình trạng ngập lụt xảy ra ở đô thị trung tâm Quy Nhơn ngày càng nghiêm trọng. Ngay giữa thành phố đã hình thành những rốn ngập. Đêm 11-10, chỉ sau trận mưa lớn kéo dài 6 giờ, khu vực 3, khu vực 5 phường Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) chìm trong biển nước. Nhiều người dân bàng hoàng kể lại, nước lên rất nhanh khiến họ trở tay không kịp, nhiều tài sản, vật dụng, máy móc, phương tiện bị ngập nước, hư hại hoàn toàn.

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//sat-lo-ngap-lut-tu-rung-xuong-bien-bai-1-di-qua-mien-sat-lo-lu-quet-863089.html