Sáp nhập xã ở miền núi và nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương

Để có được sự đồng thuận cao của nhân dân, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương, hiểu rõ ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính, từ đó 'gỡ bỏ' được những gì còn băn khoăn.

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã thông qua nghị quyết về việc sát nhập xã Yên Bình vào xã Bạch Hà thành xã Bạch Hà. Nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của người dân đã rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo tiến độ đề ra.

Cử tri xã Yên Bình đồng thuận với việc sáp nhập xã

Thực hiện hướng dẫn của Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái về việc lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và lập hồ sơ đề nghị nhập xã giai đoạn 2023-2025, huyện Yên Bình đã yêu cầu UBND các xã Yên Bình, Bạch Hà thành lập Tổ lấy ý kiến cử tri tại thôn và lập, niêm yết danh sách cử tri, dự thảo Đề án sáp nhập xã Yên Bình vào xã Bạch Hà thành xã Bạch Hà trong thời gian tối thiểu 30 ngày; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc sáp nhập đơn vị hành chính.

Ngày 6/3/2024, xã Yên Bình và Bạch Hà đã cùng tiến hành lấy ý kiến cử tri tại 14 thôn với sự hướng dẫn, đôn đốc giúp đỡ của hai Tổ công tác do Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình thành lập gồm 30 người.

Theo đó, đã lấy ý kiến đến từng hộ gia đình. Kết quả tại xã Bạch Hà có 100% cử tri đồng thuận việc sáp nhập; tại xã Yên Bình tỷ lệ cũng rất cao với gần 97% cử tri đồng thuận.

Ông Phan Văn Thắng, cử tri thôn Trung Tâm, xã Yên Bình, huyện Yên Bình cho biết, việc sáp nhập xã nhìn chung nhân dân trong xã cũng đồng tình. Đặc biệt khi được phổ biến đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với vai trò lãnh đạo, công tác quản lý của Nhà nước đối với mọi hoạt động kinh tế, xã hội ở địa phương.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Trung Tâm, xã Yên Bình cho biết thêm, mặc dù người dân còn có những ý kiến về việc giải quyết thủ tục giấy tờ sau sáp nhập, việc đặt tên xã, việc bố trí đặt trạm y tế đảm bảo khám chữa bệnh, không để người dân phải đi xa... nhưng về cơ bản, nhân dân trong thôn đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập xã.

"Ở thôn có 150 hộ thì chỉ có 1, 2 hộ có ý kiến là nơi đi khám chữa bệnh và làm thủ tục hành chính xa, còn khi vận động thì người dân nhất trí hết. Chúng tôi giải thích đường sá đã và đang được Nhà nước đầu tư, đường liên xã thuận lợi, đi lại sẽ dễ dàng", ông Nguyễn Quốc Toản cho biết.

Trụ sở làm việc và nơi giải quyết thủ tục giấy tờ sau sáp nhập cũng đã được huyện Yên Bình tính đến

Chủ tịch UBND xã Yên Bình - ông Phan Đức Hiếu cho biết, xã có 7 thôn, với dân số gần 4.300 nhân khẩu. Sau khi sáp nhập xã Yên Bình vào xã Bạch Hà thì xã mới có diện tích tự nhiên hơn 30.000 km²; quy mô dân số hơn 8.700 người. Dù xã Yên Bình không được giữ tên gọi cũ, nhưng nhân dân trên địa bàn cơ bản đồng thuận. Có được điều này là do cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm rõ chủ trương, hiểu rõ ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính, từ đó "gỡ bỏ" được những gì còn băn khoăn.

"Đảng ủy đã họp, thống nhất và giao nhiệm vụ cho từng cán bộ trong Ban Chấp hành, các cán bộ phụ trách thôn thường xuyên xuống dự họp để triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân. Nơi nào nhân dân chưa đồng thuận thì tổ công tác của xã xuống tận nơi, tận hộ gia đình, gặp từng người dân để giải thích, tuyên truyền vận động nhân dân để có sự đồng thuận, ủng hộ cao. Đến nay, xã Yên Bình đã tiến hành xong các bước xin ý kiến của cử tri và lập tờ trình gửi UBND huyện, các cấp, các ngành để tổng hợp hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ", ông Phan Đức Hiếu cho biết.

Tại xã Bạch Hà, do tên gọi của xã được giữ nguyên nên 100% số cử tri đã đồng thuận chủ trương sáp nhập.

Ông Bùi Xuân Quý, Chủ tịch UBND xã cho biết, ngay từ khi nắm được chủ trương sáp nhập 2 xã cho đến công tác tổ chức tuyên truyền, thực hiện các bước về thủ tục sáp nhập xã thì cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn rất yên tâm, tin tưởng vào quan điểm chỉ đạo của huyện, của tỉnh.

Ông Lương Thái Sơn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Bình cho biết, giai đoạn 2019 – 2021, huyện đã thực hiện sắp xếp lại một số đơn vị hành chính cấp xã, nên đến giai đoạn này huyện cũng có những kinh nghiệm nhất định khi thực hiện. Theo đó, ngoài công tác tuyên truyền để nhân dân đồng thuận cao thì công tác cán bộ cũng được quan tâm đặc biệt.

"Việc sắp xếp, xử lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở hợp lý hóa gia đình tối đa để không "đánh đố" cán bộ công chức. Sau khi thực hiện nội dung này, trước mắt, về đội ngũ cán bộ, công chức cả hai xã sáp nhập đều rất ổn định. Vì đội ngũ cán bộ, công chức ổn định nên trong quá trình tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân rất thuận lợi và được người dân đồng tình", ông Lương Thái Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, những điều người dân còn ít nhiều băn khoăn, huyện đã giao cho các ngành chức năng theo dõi, tổng hợp, có phương án giải quyết, qua đó người dân sẽ thấy yên tâm khi sáp nhập các đơn vị hành chính.

Tại Kỳ họp thứ 12 (chuyên đề) của HĐND huyện Yên Bình diễn ra đầu tháng 3 vừa qua, 100% đại biểu đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết của HĐND huyện về việc sáp nhập xã Yên Bình vào xã Bạch Hà thành xã Bạch Hà. Đến ngày 15/3, UBND huyện Yên Bình đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập hai xã trên gửi đến tỉnh để tổng hợp, trình lên Quốc hội xem xét, thông qua.

Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/sap-nhap-xa-o-mien-nui-va-no-luc-cua-cap-uy-chinh-quyen-dia-phuong-post1091807.vov