Sắp diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 5/6/2022 tại TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư

Ngày 31/5, tại Hà Nội diễn ra buổi họp báo về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề: “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới” do Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thông tin về Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, tại buổi họp báo

Ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thông tin về Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, tại buổi họp báo

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đã làm bộc lộ nhiều vấn đề của nền kinh tế cần phải khắc phục; đồng thời cũng mở ra những hướng phát triển mới hướng tới mục tiêu vừa ứng phó với dịch bệnh hiệu quả, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần tiếp tục thực hiện hiệu quả và thực chất các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đặt ra một cách cấp thiết, giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong trung và dài hạn.

Để có căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới; tiếp nối thành công của 03 Diễn đàn thường niên trước đây (lần thứ nhất vào tháng 6/2017; lần thứ hai vào tháng 01/2018; lần thứ ba vào tháng 01/2019); được sự đồng ý của đồng chí Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ (có sự tham gia của UBND TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với Chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”; diễn ra vào ngày 05/6/2022 tại TP. Hồ Chí Minh

Nội dung của Diễn đàn bao gồm: 03 Hội thảo chuyên đề: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Chủ trì 03 Hội thảo là đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo các Bộ liên quan và lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh. Tham gia tham luận, thảo luận là các các diễn giả, nhà khoa học, các Hiệp hội và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Diễn đàn còn có Phiên toàn thể và đối thoại chính sách cấp cao với nội dung chính: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số để tạo mũi đột phá về khoa học và công nghệ; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới.

Trao đổi tại họp báo ông Nguyễn Thành Phong- Phó ban Kinh tế Trung ương thông tin, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa đại diện các Ban, Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Cụ thể hơn, nêu rõ những biến động của nền kinh tế thế giới và định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Đánh giá, dự báo diễn biến kinh tế quốc tế, các xu hướng mới trên thế giới sau đại dịch Covid-19; những cơ hội, thách thức cho kinh tế Việt Nam…

Đặc biệt, ông Phong cũng nhấn mạnh đến việc tổ chức Diễn đàn này tại TP. Hồ Chí Minh. Với sự tham gia trực tiếp của 1.000 đại biểu, Diễn đàn gửi đi thông điệp về sự hồi sinh của kinh tế TP. Hồ Chí Minh nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Nội dung họp báo cũng đề cập đến cú sốc về Covid 19, chuỗi cung ứng gián đoạn, cùng với sự ảnh hưởng của dịch bệnh trên toàn cầu hàng hóa thiết yếu tăng giá rất cao, áp lực lạm phát tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, đứt gãy nguồn cung ứng là thực tế đặt ra cần ổn định trong giai đoạn tiếp theo. Từ diễn biến chính như vậy Việt Nam sẽ phải làm gì để có được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực nội tại để chống chịu tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các chính sách phát triển kinh tế tại thị trường trong nước để từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu.

Lan Anh-Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sap-dien-ra-dien-dan-kinh-te-viet-nam-lan-thu-tu-tai-tp-ho-chi-minh-179145.html