Sao nữ Hàn Quốc bị bạo lực mạng vì ủng hộ nữ quyền

Nhiều cô gái có sức ảnh hưởng ở xứ kim chi bị các cộng đồng nam giới trực tuyến chỉ trích, quấy rối trong thời gian dài vì cáo buộc 'ủng hộ nữ quyền cực đoan'.

Jo Jang Mi (hay BJ Jammi, 27 tuổi), streamer thuộc công ty quản lý Dia TV, được phát hiện chết ở nhà riêng từ đầu tháng 2, theo The Korea Times.

Một thành viên trong gia đình Jo cho biết nữ streamer đã có khoảng thời gian khó khăn khi bị bắt nạt trên mạng.

Từ năm 2019, nhiều dân mạng cáo buộc Jammi "ủng hộ nữ quyền cực đoan" bởi cô từng vô tình dùng cử chỉ tay mà ngón trỏ gần như chạm vào ngón cái.

Jo Jang Mi qua đời ở tuổi 27 sau một thời gian bị bắt nạt mạng. Ảnh: SBS.

Họ nghĩ rằng điều này là dấu hiệu của nữ quyền, được sử dụng để chế giễu kích thước bộ phận sinh dục của nam giới Hàn Quốc.

Jammi không phải phụ nữ có sức ảnh hưởng duy nhất trở thành mục tiêu của nạn quấy rối trực tuyến, chủ yếu đến từ nam giới, vì liên quan đến chủ đề nữ quyền.

Bị quấy rối trên mạng xã hội

Tháng 10/2021, Jun Hyo-seong, cựu thành viên nhóm nhạc nữ Secret, hợp tác với Bộ Bình đẳng giới và Gia đình thực hiện chiến dịch nâng cao nhận thức về bạo lực khi hẹn hò.

"Mỗi khi về nhà vào buổi tối, tôi tự hỏi 'Liệu mình có thể đi đường một cách an toàn hay không?'. Tôi muốn sống trong một xã hội, nơi ta có thể yêu và chia tay thật văn minh, tử tế", cô nói trong một video có hơn 450.000 lượt xem trên YouTube.

Đoạn clip đó lập tức vấp phải sự giận dữ từ thành viên của các nhóm nam giới trên mạng xã hội. Họ thấy "bị phản bội" trước lời bộc bạch của nữ idol, cáo buộc cô "lợi dụng" sức hút của mình để lôi kéo người hâm mộ.

Cựu idol Jun Hyo-seong bị tấn công trên mạng sau khi tham gia chiến dịch nâng cao nhận thức về bạo lực khi hẹn hò. Ảnh: Fanpop.

"Hyo-seong đang buộc tội fan của mình là 'tội phạm tiềm năng'", một dân mạng để lại bình luận dưới video.

Làn sóng phản đối không chỉ dừng lại trên không gian mạng. Một tháng sau đó, có nhóm chống đối nữ quyền đã tràn xuống đường phố Hongdae để tố cáo và kêu gọi bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình.

Năm 2018, Irene, thành viên nhóm nhạc nữ Red Velvet, cũng hứng chịu búa rìu dư luận sau khi nói mình đang đọc cuốn sách Kim Ji-young, Born 1982.

Cuốn tiểu thuyết này được coi là một tác phẩm nữ quyền kể về một phụ nữ nội trợ và trải nghiệm bị phân biệt giới tính trong đời sống hàng ngày.

Vì thế, hình ảnh của Irene đã bị đốt bỏ, cắt xé và đăng tải lên mạng.

Hình ảnh của Irene bị cắt xé, đốt bỏ vì cáo buộc "ủng hộ nữ quyền cực đoan". Ảnh: Netizen Buzz.

"Đối tượng dễ bị tổn thương thường bị tấn công từ các cộng đồng trực tuyến đa số là nam giới. Họ cảm thấy mình có quyền phản ứng vì đã tiêu tốn quá nhiều tiền bạc và sự quan tâm cho những người nổi tiếng là nữ", nhà phê bình văn hóa Son Hee-jeong nói.

Giáo sư Lee Jong-im, nghiên cứu về Báo chí và Truyền thông ở ĐH Kyung Hee, lại cho rằng các thần tượng khó có thể đưa ra bình luận, quan điểm về các vấn đề liên quan tới chính trị, xã hội ở xứ kim chi.

"Các idol được kỳ vọng sẽ gắn với hình ảnh thuần khiết. Khi xung đột giới tính trở thành chủ đề chính, thần tượng có thể bị công chúng quay lưng vì đi ngược lại sự mong mỏi của xã hội", Lee nói.

Thực tế

Theo một nghiên cứu năm 2018 của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, cứ 2 nam giới ở độ tuổi 20 thì có một người không có thiện cảm với nữ quyền. 1/4 đàn ông tham gia khảo sát coi phụ nữ là đối tượng "yếu hơn nam giới" hay cần được bảo vệ.

Theo một báo cáo năm 2021 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, phụ nữ xứ kim chi cũng cảm thấy bất an hơn nam giới. Chỉ 21,6% người cho biết họ cảm thấy an toàn trong cuộc sống, trái ngược với tỷ lệ 32,1% ở phái nam.

Làn sóng phản đối nữ quyền có xu hướng tăng sau khi chủ đề bình đẳng giới ngày càng được chú ý, đưa ra thảo luận ở Hàn Quốc. Ảnh: AP.

Từ năm 2016 đến năm 2020, cảnh sát nước này ghi nhận hơn 80.000 trường hợp bạo lực hẹn hò, trong đó có 227 vụ giết người. Con số này có xu hướng tăng đều từ 9.364 vụ (năm 2016) lên 18.945 vụ (năm 2020).

Những năm gần đây, sự phát triển của Internet cũng góp phần làm sâu sắc mâu thuẫn giới trong xã hội Hàn Quốc, trở thành công cụ để bộc lộ sự thù hằn và phẫn nộ.

"Sự thù hằn trên mạng xã hội không chỉ nhắm đến phụ nữ, mà còn là cả các nhóm thiểu số khác. Những nền tảng như YouTube cũng có thể trở thành 'thị trường thù hận' - nơi mọi người gây chú ý và kiếm tiền trên sự phẫn nộ", cô Son nói.

Hạ nghị sĩ Jang Hye-young nói với Korea Herald rằng phản ứng dữ dội chống lại chủ nghĩa nữ quyền gia tăng trong những năm gần đây, khi các cuộc thảo luận về sự an toàn của phụ nữ được chú ý hơn.

"Dù lên tiếng chống lại sự phân biệt giới tính, chênh lệch lương theo giới, bạo lực đối với phụ nữ, những người ủng hộ lại bị gán mác 'nữ quyền cực đoan'. Điều đó khiến họ bị tấn công trên mạng và trong cuộc sống", bà Jang nói.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/sao-nu-han-quoc-bi-bao-luc-mang-vi-ung-ho-nu-quyen-post1295642.html