Sao Hàn đang lợi dụng quân đội để trốn tránh điều tra
Nhiều sao nam cố tình nhập ngũ ngay sau khi vi phạm pháp luật để tránh bị điều tra, xét xử. Hành vi trên dựa trên lỗ hổng luật pháp liên quan luật nhập ngũ bắt buộc tại Hàn Quốc.
Ngày 28/6, tờ Insight Korea đưa tin Hàn Quốc sẽ thi hành điều luật mới về nghĩa vụ quân sự bắt buộc nhằm ngăn chặn trường hợp ngôi sao nhập ngũ để trốn tránh quá trình điều tra.
Cụ thể hơn, Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc thông báo: "Bắt đầu từ ngày 14/7, nếu cá nhân sắp thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đang bị điều tra vì hành vi phạm tội, ngày nhập ngũ của họ có thể bị hoãn dưới yêu cầu của người đứng đầu cơ quan điều tra".
Luật pháp lỏng lẻo ở Hàn Quốc
Việc người nổi tiếng nhập ngũ nhằm trốn tránh trách nhiệm sau bê bối luôn là chủ đề gây tranh cãi tại Hàn Quốc. Khán giả cho rằng đây là lỗ hổng thể hiện sự lỏng lẻo của luật pháp nước này.
Gần đây, nam diễn viên Kim Ji Soo bị cho là cố tình nhập ngũ đột ngột để không bị điều tra tội bạo lực học đường, quấy rối tình dục bạn học, làm giả căn cước công dân và tống tiền.
Tháng 4/2019, nam ca sĩ Yong Jun Hyung đột ngột nhập ngũ sau khi anh bị phát hiện có liên quan tới bê bối quay lén bất hợp pháp của Jung Joon Young. Nam ca sĩ Seungri, người cũng có dính líu tới vụ án, đã nhận giấy triệu tập đi nhập ngũ trong quá trình điều tra. Trung tâm Quyền Dân sự Hàn Quốc yêu cầu Cục Quản lý Nhân lực Quân đội cho phép Seungri hoãn nhập ngũ vì “Quân đội không phải nơi trú ẩn tạm thời cho Seungri”.
Sau khi Seungri nhập ngũ, việc điều tra và xét xử nam ca sĩ được chuyển giao hoàn toàn cho cảnh sát và tòa án quân đội. Trung tâm Nhân quyền Quân đội Hàn Quốc khẳng định: “Vì Seungri bị xét xử một mình tại tòa án quân đội, sẽ khó để đưa ra phán quyết phù hợp cho những người có liên quan tới vụ án. Hành động nhập ngũ của Seungri gây khó khăn cho việc tìm ra sự thật đằng sau tội ác và trừng phạt thích đáng những người có trách nhiệm”.
Năm 2018, nam diễn viên Lee Seo Won bị điều tra dưới cáo buộc quấy rối tình dục và có hành vi đe dọa đồng nghiệp. Lee Seo Won không thể tham dự phiên tòa xét xử lần thứ tư vào ngày 22/11 vì anh đã nhập ngũ hai ngày trước đó, khiến phiên tòa bị hoãn tới tháng 1/2019.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nhân quyền Quân đội Hàn Quốc cho biết công tác điều tra thường gặp khó khăn khi nghi phạm là quân nhân hay là người đột ngột nhập ngũ. Trên thực tế, cảnh sát và công tố viên đến từ quân đội khó có thể điều tra chính xác các vụ việc xảy ra tại khu vực người dân sinh sống.
Trung tâm Nhân quyền Quân đội Hàn Quốc tiết lộ: “Hầu hết nạn nhân thậm chí không nắm rõ quá trình xảy ra sự việc. Với tính chất khép kín của quân đội, sẽ khó để điều tra rõ”.
Giải pháp muộn màng của chính phủ Hàn Quốc
Năm 2019, nam diễn viên Son Seung Won bị bắt vì tội uống rượu lái xe gây tai nạn. Khi bị kết án, Son Seung Won khẳng định: “Tôi sẽ tự kiểm điểm bản thân trong lúc thực hiện nghĩa vụ quân sự”.
Trước lời tuyên bố của Son Seung Won, Trung tâm Nhân quyền Quân đội Hàn Quốc lên tiếng: “Nhập ngũ không phải vào tù. Hành động coi nhập ngũ như cách để tự kiểm điểm hay chuộc tội là sự xúc phạm nghiêm trọng tới những người lính Hàn Quốc đang hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc”.
Nhiều khán giả Hàn Quốc đồng tình với ý kiến của Trung tâm Nhân quyền Quân đội Hàn Quốc. Công chúng cho rằng việc người nổi tiếng lấy nghĩa vụ quân sự làm lá chắn để trốn tránh trách nhiệm thể hiện thái độ thiếu tôn trọng, coi thường quân đội Hàn Quốc.
Với điều luật mới ban hành ngày 28/6, nếu người đứng đầu cơ quan điều tra đưa ra yêu cầu, thời gian nhập ngũ của nghi phạm sẽ được hoãn tối đa một năm để phục vụ công tác điều tra. Trong trường hợp có người cố tình nhập ngũ để trốn tránh quá trình điều tra, những cá nhân trên, bao gồm cả các sao nam, sẽ bị bổ sung tội danh mới bên cạnh tội danh sẵn có.
Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng cường biện pháp trừng phạt đối với cá nhân không hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Theo tờ Yonhap News, từ tháng 10/2021, nam giới hoạt động trong lĩnh vực thể thao, nghệ thuật bắt buộc hoàn thành 544 giờ đồng hồ phục vụ công ích trong khoảng thời gian 34 tháng (dao động tùy cá nhân). Nếu không thực hiện đủ 544 giờ đồng hồ trong thời gian quy định, khoảng thời gian phục vụ bắt buộc được kéo dài cho tới khi cá nhân ấy hoàn thành đủ tiêu chuẩn.
Việc di chuyển ra nước ngoài bị hạn chế trong thời gian gia hạn. Nếu không thực hiện đủ thời gian phục vụ tiêu chuẩn trong hơn một năm kể từ khi được gia hạn, cá nhân ấy hoàn toàn bị cấm ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, người không hoàn thành đủ thời gian phục vụ công ích theo tiêu chuẩn của từng quý sẽ nhận cảnh cáo. Nếu bị cảnh cáo trên 4 lần mà không có lý do chính đáng, cá nhân ấy lập tức bị truy tố lên tòa án và phải phục vụ công ích bổ sung. Bất cứ ai khai man thời gian phục vụ công ích cũng bị truy tố sau khi cảnh cáo.