Sáng tạo từ thực tiễn lao động, học tập

Phong trào Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập trên địa bàn Đồng Nai đã và đang được triển khai tới từng đơn vị, địa phương.

Học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (thành phố Biên Hòa) tổ chức Ngày hội STEM năm 2024 - khơi nguồn sáng tạo cho học sinh. Ảnh: Ly Na

Học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (thành phố Biên Hòa) tổ chức Ngày hội STEM năm 2024 - khơi nguồn sáng tạo cho học sinh. Ảnh: Ly Na

Phong trào đã góp phần khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân, đóng góp vào sự phát triển của Biên Hòa - Đồng Nai.

Từ sáng tạo trong lao động, học tập

Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, tận tâm với nghề, cô giáo Lại Thị Ngọc Uyên, Trường mầm non Suối Cát (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) còn đi đầu trong phong trào sáng kiến, sáng tạo phục vụ hoạt động dạy và học. Nổi bật là sáng kiến Phát triển ngôn ngữ cho trẻ thông qua môi trường chữ trong trường mầm non.

Cô Uyên cho hay, với sáng kiến này, cô và trẻ cùng trò chuyện về chủ đề ngành nghề, sau đó hướng dẫn trẻ vào các câu chuyện như: cửa hàng búp bê, siêu thị mini, búp bê bán hàng… để cùng nghe, suy nghĩ và đưa ra ý kiến của mình. Việc đàm thoại với trẻ không chỉ giúp các em tư duy về hoạt động mà còn góp phần cung cấp vốn từ mới cho trẻ.

Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập là một trong 13 chương trình của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do Sở Khoa học và công nghệ làm chủ nhiệm. Chương trình thu hút đông đảo nhân dân tham gia, hàng năm sáng tạo ra hàng trăm giải pháp mới, ứng dụng vào thực tiễn đời sống.

Trường trung học phổ thông Nam Hà (thành phố Biên Hòa) là một trong những ngôi trường đi đầu trong việc ứng dụng Zalo OA vào trường học. Sau khi học sinh, phụ huynh nhấn “quan tâm” vào Zalo OA của trường trên điện thoại thông minh thì có thể dễ dàng truy cập các thông tin liên quan như: lịch thi, danh bạ giáo viên, sách giáo khoa điện tử, thời khóa biểu, các hoạt động ngoại khóa… mà không cần phải đến tận trường để xem.

Bí thư Đoàn trường trung học phổ thông Nam Hà Nguyễn Trường Thăng cho biết, để khai thác triệt để lợi ích Zalo OA, nhà trường cho phép mở rộng các dịch vụ cung cấp thông tin liên quan đến chất lượng đào tạo như: điểm học tập, điểm rèn luyện… đến mỗi học sinh, đảm bảo được bảo mật thông tin. Qua đó, giúp học, phụ huynh tiếp cận các thông tin của trường một cách nhanh chóng, thuận lợi, góp phần quảng bá hình ảnh của trường đến đến với cộng đồng.

Trên địa bàn huyện Long Thành, các thầy cô giáo đã tích cực nghiên cứu, có nhiều giải pháp ứng dụng vào dạy và học. Đã có nhiều sáng kiến của giáo viên, học sinh được Ban chủ nhiệm chương trình 6 - phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động, học tập công nhận. Nổi bật như: sáng kiến Nước rửa chén từ thiên nhiên, Gậy dò đường cho người khiếm thị, Robot dọn sạch rác lòng lề đường, Khóa xe hai bánh công nghệ mới, Tổ chức cho học sinh làm thí nghiệm trong giờ học Vật lý lớp 9 - phần điện học…

Đến ứng dụng sáng kiến vào sản xuất

Tại huyện Vĩnh Cửu, Phong trào Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất đã thu hút khá đông người dân tham gia. Điển hình như ông Trần Văn Mười (xã Tân An) ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, trồng bưởi cho thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng. Ông Mười đã sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trên cây trồng mang hiệu quả thiết thực, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức. Hay ông Hà Thắng (xã Phú Lý) đã ứng dụng phân bón hữu cơ trong trồng quýt, cho thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng.

Cùng với thực hiện tốt hệ thống chăn nuôi chuồng lạnh khép kín, tiêm phòng, chăm sóc heo không để dịch bệnh xảy ra, ông Trần Văn Tánh (xã Hiếu Liêm) luôn quan tâm đến chất thải từ chăn nuôi. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông Tánh đã lắp đặt hầm biogas, đồng thời tạo ra khí đốt và làm phân bón hữu cơ cho 2ha bưởi rất hiệu quả. Ngoài ra, ông Tánh còn phát triển kinh doanh, cung cấp nguồn thức ăn cho các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu để tăng thu nhập cho gia đình.

Phát huy sáng kiến, sáng tạo vào sản xuất, huyện Trảng Bom thời gian qua đã phối hợp Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và công nghệ thực hiện Dự án Sản xuất thử nghiệm và nhuộm tự nhiên vải sợi thành phần từ xơ chuối ứng dụng cho ngành may mặc. Dự án nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu phế thải là bẹ chuối chuyển thành sản phẩm may mặc có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, nông dân trên địa bàn huyện Trảng Bom tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh, tăng năng suất cây trồng như: sử dụng giống mới, ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ. Nhờ vậy, trong sản xuất nông nghiệp, một phần sức lao động của người nông dân đã được giải phóng. Tỷ lệ cơ giới hóa trên địa bàn huyện Trảng Bom hiện đạt 100%. Sản lượng nông sản được vận chuyển bằng xe cơ giới trên 85%.

Tại huyện Tân Phú, hiện đã hình thành 33 vùng trồng tập trung các cây trồng chuyên canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và hình thành 4 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhiều dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả như: Dự án Hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hợp tác xã Nông nghiệp VietGAP Phú Bình; Dự án Rau an toàn VietGAP của Hợp tác xã Rau an toàn Trúc Lâm…

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/sang-tao-tu-thuc-tien-lao-dong-hoc-tap-2f4394b/