Sáng tạo trong khai thác xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa vô cùng đa dạng, phong phú và độc đáo, đây được coi là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch. Chính vì thế, dựa vào các giá trị văn hóa, hiện nay ngành du lịch đã và đang khai thác, xây dựng phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc khác nhau. Những sản phẩm du lịch văn hóa này được xem như là 'chìa khóa' cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.
Sản phẩm du lịch văn hóa còn thiếu tính sáng tạo
Với điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, với hàng nghìn di sản văn hóa vật thể, Việt Nam là đất nước có rất nhiều tiềm năng về các sản phẩm du lịch văn hóa có chất lượng cao.
Theo bà Trần Thị Lan - Chủ tịch hội đồng tư vấn chính sách và phát triển dự án, Viện phát triển du lịch châu Á (AIT) chia sẻ: “Hiện nay thông qua việc khai thác và phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch gắn với những câu chuyện về văn hóa… chúng ta cũng đã nhìn ra tầm quan trọng của văn hóa, nhìn ra con đường phát triển du lịch bền vững chính là dựa vào văn hóa, dựa vào văn hóa bản địa.
Mỗi sản phẩm du lịch văn hóa luôn chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống cũng như giá trị văn hóa hiện đại của dân tộc. Những nét đặc sắc về phong tục, tập quán, lối sống của một dân tộc thường được thể hiện một cách sâu lắng qua các tác phẩm nghệ thuật, qua các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa; biểu hiện sắc thái dân tộc, địa phương, vùng, miền. Chúng cũng thể hiện tư tưởng, quan niệm sống, đối nhân xử thế, lối sống của một cộng đồng, xã hội đương đại. Vì vậy, với những sản phẩm du lịch văn hóa lành mạnh, việc tiêu dùng chúng sẽ góp phần giữ nguyên được nét văn hóa bản địa, thu hút được khách du lịch từ chính các địa phương và quốc tế, kích cầu tiêu thụ các sản phẩm do chính địa phương tạo ra. Đồng thời, còn sẽ góp phần nâng cao tinh thần dân tộc, khơi dậy tinh thần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa phong phú, đa dạng so với tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đông đảo du khách trong và ngoài nước. “Căn cứ khảo sát của chúng tôi trên nhiều vùng miền, hiện nay, hầu hết tại các điểm du lịch đều xây dựng các sản phẩm du lịch na ná giống nhau. Nguyên nhân do các địa phương học tập lẫn nhau, làm du lịch chỉ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai thì các sản phẩm được xây dựng sẽ theo kiểu học hỏi, sao chép ít sáng tạo. Một điều nữa là, còn nhiều nơi bà con đang làm du lịch tự phát mang sắc màu của thương mại chứ không có bản sắc, sự độc đáo của văn hóa địa phương mình nên cứ cái gì thấy nơi khác có các sản phẩm du lịch nào, họ nghĩ mình cũng sẽ bán được nhưng đâu biết rằng như vậy là đang mất đi sự hấp dẫn, làm du khách nhàm chán, nhạt nhẽo, nét văn hóa bản địa bị phá vỡ” - bà Trần Thị Lan cho biết thêm.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho biết: “Cái thiếu hiện nay của các điểm du lịch trong cả nước là các sản phẩm du lịch chỗ nào cũng giống chỗ nào, đặc biệt về các sản phẩm quà lưu niệm. Ví dụ, chúng ta đến du lịch ở Sapa, Ninh Bình, Lào Cai, Đà Nẵng… hay các điểm di tích như bảo tàng hay phố cổ, các mặt hàng lưu niệm đều giống nhau hết. Những sản phẩm đó đều được nhập từ Trung Quốc, và chúng ta có thể mua ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, gần đây có một số đơn vị đã thay đổi. Ví dụ Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã và đang khởi động việc tự mình thiết kế và sản xuất quà lưu niệm cũng như mặt hàng được bán mang bản sắc riêng. Họ đã khai thác được các chi tiết văn hóa từ các bia tiến sĩ, từ kiến trúc và từ rất nhiều sách vở để tạo ra sản phẩm mang tính đa dạng. Tôi cho rằng đây là hướng đi có thể nói là rất tuyệt vời cần phát huy mở rộng ở các điểm du lịch khác”.
Cần tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa mang tính đặc thù
Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa chuyên biệt, độc đáo riêng mới giúp phát triển du lịch bền vững. “Tôi cho rằng, từng vùng miền cũng như các địa điểm du lịch cần phải tạo ra được những sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù. Và để làm được điều đó, chúng ta có những chuyên gia, các công ty du lịch song hành để phân tích, tìm ra giá trị văn hóa khác biệt để nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với từng địa phương, từng điểm du lịch khác nhau. Như vậy, các điểm du lịch đều sẽ có sản phẩm rất riêng của mình. Từ đó, sẽ góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm và sẽ thu hút được khách du lịch đến tham quan. Nếu các sản phẩm du lịch văn hóa ở đâu cũng giống nhau hết cả thì sẽ bão hòa, không còn ý nghĩa nữa. Còn khi chúng ta khai thác, sáng tạo và phát triển ra những sản phẩm chuyên biệt, độc đáo riêng chắc chắn ngành du lịch của nước ta sẽ phát triển bền vững” – ông Phạm Hải Quỳnh khẳng định.
Bà Trần Thị Lan cho biết, hầu hết các du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là khách quốc tế khi đến Việt Nam, họ luôn muốn được tham gia trải nghiệm nét văn hóa bản địa độc đáo riêng biệt của từng vùng miền. Vậy nên để có thể khắc phục những thực trạng trên, các địa phương cần được tư vấn, xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa cốt lõi của địa phương mình. Cần xây dựng các sản phẩm đầy đủ tiêu chuẩn cộng đồng có tính tổng quan như: đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường lưu trú, các mô hình trưng bày, bán các sản phẩm của chính địa phương mình. Ngoài ra, cần phải nâng cao nhận thức về việc cần cải tiến, sáng tạo hơn trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và nâng cao chất lượng cho đội ngũ làm du lịch của địa phương.
Bên cạnh đó, cần chú trọng trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, đầu tư phát triển và cải tạo kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đặc biệt ở những địa phương giàu tài nguyên du lịch văn hóa nhưng điều kiện kinh tế-xã hội còn chậm phát triển; phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch, bảo đảm hài hòa lợi ích có được từ các hoạt động phát triển du lịch đối với cộng đồng... Làm như vậy, mới có thể gia tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch, thu hút được đông đảo du khách tham gia trải nghiệm và để lại được ấn tượng tốt đẹp về du lịch, văn hóa của Việt Nam. Qua đó, sẽ tạo ra chiều sâu về chất lượng và sự bứt phá cho du lịch Việt Nam trong tương lai.
Văn hóa và sáng tạo là hai yếu tố luôn đồng hành và có mối quan hệ mật thiết với nhau, chúng góp phần hình thành nên sản phẩm du lịch sáng tạo đặc thù, hấp dẫn du khách, sản phẩm xu thế chung của thời đại. Mặc dù vậy, để có thể xây dựng được sản phẩm du lịch văn hóa phù hợp với thị hiếu của du khách quốc tế, rất cần có sự quán triệt nhận thức chung về đổi mới công tác sản phẩm trong toàn ngành, từ trung ương tới địa phương, nghiên cứu áp dụng công nghệ hiện đại, đưa các ý tưởng sáng tạo vào quá trình xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa.
Ngoài ra, cần có quy hoạch sản phẩm du lịch văn hóa và ưu tiên đầu tư thích đáng vào công tác tôn tạo và tái tạo các dự án văn hóa trọng điểm có tiềm năng thu hút khách du lịch cũng như nguồn kinh phí quảng bá phù hợp cho các sản phẩm đặc thù này./.