Sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông: Lợi nhưng lo
Những vùng đất bãi sông của Hải Dương luôn được người dân ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, nếu không có định hướng phù hợp sẽ vừa gây thiệt hại cho sản xuất, vừa đe dọa an toàn đê điều.
Cho giá trị kinh tế cao
Vùng đất bãi đê hữu sông Thái Bình ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) được ví như "mỏ vàng" của nông dân nơi đây. Diện tích ngoài bãi chỉ khoảng 250 ha nhưng mỗi năm cho thu về hàng trăm tỷ đồng từ sản xuất rau màu. Vì thế mà người dân luôn gắn bó, gìn giữ khu đất này. Bà Đào Thị Thiết ở thôn Xuân Kiều cho biết gia đình được giao 5 sào ngoài bãi và chưa khi nào bỏ canh tác giữa chừng. Mùa nào thứ ấy, hết vụ cà rốt bà lại trồng dưa hè thu rồi xen thêm một vụ rau ngắn ngày. Được phù sa sông bồi đắp và thau rửa thường xuyên qua những trận mưa to hay lũ lớn nên trồng cây ở bãi sông tốn ít chi phí sản xuất mà chất lượng vẫn tốt, đồng đều. Vì thế mà nông dân thu lãi cao hơn so với canh tác trong đồng.
Vùng đất bãi sông Kinh Thầy cũng có nhiều đổi thay trong vài năm trở lại đây. Người dân không còn lãng phí bỏ đất hoang hay trồng cây tạm bợ mà đã mang những cây trồng có giá trị cao từ trong đồng ra ngoài bãi sông canh tác. Gia đình anh Nguyễn Văn Giao ở xã Thăng Long (Kinh Môn) khấm khá lên cũng nhờ đất bãi sông. Khu đất bãi trồng dâu cằn cỗi, còi cọc trước đây được anh Giao chăm bẵm thành những luống hành, mủa tươi tốt cho thu hoạch quanh năm. Không chỉ nhà anh Giao mà các hộ khác có đất bãi sông cũng tích cực cải tạo, biến đất bãi thành vùng sản xuất giá trị cao. "Thấy hiệu quả, người dân còn đầu tư cả nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động để phục vụ sản xuất. Giờ ngoài bãi không còn hoang vắng, heo hút mà đã sản xuất tấp nập không kém gì trong đồng ", anh Giao cho hay.
Không chỉ chú trọng trồng trọt mà một số khu vực bãi sông ở các huyện Nam Sách, Kim Thành, Tứ Kỳ, Kinh Môn... cũng được người dân khai thác phát triển nuôi thủy sản. Nuôi cá ngoài bãi sông giúp nông dân tận dụng được nguồn nước sông ngoài nên hạn chế được ô nhiễm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài hơn 7.000 lồng cá nuôi ở lòng sông thì diện tích thủy sản trên đất bãi không lớn nhưng là nguồn lợi đáng kể cho người dân.
2 nguy cơ
Cùng với thuận lợi thì sản xuất ngoài bãi sông cũng có những bất lợi khó khắc phục. Người dân không thể chủ động được việc tiêu úng nên khi có mưa lớn, lũ lên cao vào thời điểm chưa thu hoạch thì chỉ có thể bất lực đứng nhìn. Nếu may mắn đúng vụ thu thì cũng phải khẩn trương, gấp rút nếu không sẽ thiệt hại lớn. Nhiều năm liền, Hải Dương không xuất hiện lũ lớn khiến người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, không điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp nhằm tránh bão, lũ. Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó dự đoán, dự báo, vì thế nếu không đề phòng sẽ để lại hậu quả nặng nề. Điển hình vào năm 2017, do ảnh hưởng của lũ quét ở tỉnh miền núi phía Bắc, Thủy điện Hòa Bình mở hết các cửa xả đáy đã nhấn chìm toàn bộ diện tích đất ngoài bãi sông của tỉnh. Khi nước rút, những bãi trồng rau màu tốt tươi trở nên tan hoang, xơ xác, khu vực trồng cây ăn quả cũng cây còn, cây chết. Một số vùng đánh bắt cá không kịp, cá cũng theo nước lũ trôi đi.
Sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông không chỉ bị đe dọa bởi thiên tai mà mặt khác những phát sinh trong quá trình sản xuất đã ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thậm chí là vi phạm đê điều nghiêm trọng. Theo quy định của pháp luật, người dân được phép sản xuất, canh tác ngoài bãi sông nhưng không được xây dựng công trình làm cản trở dòng chảy thoát lũ. Thế nhưng thực tế hiện nay, không ít hộ xây nhà kiên cố chứa vật tư sản xuất trên bãi sông, nhất là ở khu vực nuôi nhiều cá lồng ở huyện Nam Sách và TP Hải Dương. Có hộ còn xây chuồng trại quy mô lớn để chăn nuôi ngoài bãi sông. Việc lắp đặt nhà màng, nhà lưới tại bãi sông cũng có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến vi phạm đê điều.
Theo ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, ngoài mặt tích cực góp phần bảo vệ, gìn giữ đất bãi sông thì sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông cũng đối mặt với nhiều nguy cơ, nhất là khi xuất hiện tình trạng người dân lợi dụng sản xuất để cố tình thực hiện hành vi vi phạm luật đê điều. Sản xuất được khuyến khích, còn vi phạm phải triệt để loại bỏ để vừa bảo đảm an toàn công trình, vừa phát triển kinh tế. Các địa phương cần quản lý tốt sản xuất nông nghiệp ngoài bãi sông, có những tính toán, định hướng phù hợp để khai thác được hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ mà không ảnh hưởng tới đê điều.