'Săn' thực phẩm sắp hết hạn - xu hướng mới trong giới trẻ Trung Quốc

Thực phẩm gần hết hạn được bán giảm giá trước đây khách hàng chủ yếu là người già nhưng hiện nay nó trở thành xu hướng mới trong giới trẻ Trung Quốc. Điều này ngày càng phổ biến kể từ khi chính phủ Trung Quốc thông qua luật chống lãng phí thực phẩm.

Khách xếp hàng mua tại một cửa hàng bán thực phẩm sắp hết hạn sử dụng ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Hai năm trước, Lily, một sinh viên Quảng Châu đã mua một hộp sữa đậu nành gần hết hạn sử dụng với giá chỉ bằng 1/3 so với giá ban đầu. Cô thấy vui nên chia sẻ với bạn, nhưng người bạn đó nói rằng ăn thực phẩm cận “date” là một nguy cơ đối với sức khỏe. Sau đó, Lily tránh nói về điều này vì sợ mọi người có thể nghĩ mình là người tiết kiệm quá mức. Nhưng nữ sinh viên này vẫn tiếp tục mua thực phẩm gần hết hạn với giá giảm. Cô gái trẻ năng động đã thành lập một cộng đồng trực tuyến với hơn 57.000 người để chia sẻ mẹo mua thực phẩm sắp hết hạn mỗi ngày. “Tôi thấy trên mạng có rất nhiều người mua các loại thực phẩm tương tự và tôi nghĩ rằng điều đó không có gì sai”, Lily nói.

Lily cho biết lúc đầu, cô tự hỏi liệu thực phẩm sắp hết hạn có thể gây hại cho sức khỏe không. “Một cửa hàng bánh mì bán giảm giá 70-80% sau 4h chiều. Nếu ăn ngay, tôi sẽ chọn mua chúng”, cô gái nói. Trên kênh Douban do Lily tạo ra có tên “Tôi thích thực phẩm sắp hết hạn sử dụng”, các thành viên trao đổi thông tin về nhãn hàng, cửa hàng trực tuyến đang giảm giá cũng như loại thực phẩm nào có hương vị ngon hơn. Một bài đăng phổ biến trên kênh này hỏi: “Bạn có xấu hổ khi mua thực phẩm sắp hết hạn sử dụng không?”. Hầu hết các câu trả lời cho biết không có gì phải xấu hổ khi tiết kiệm tiền và không lãng phí thức ăn.

Đó là một xu hướng ngày càng được giới trẻ Trung Quốc quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi Luật Chống lãng phí thực phẩm được thông qua hồi tháng 4-2021. Theo đó, các nhà hàng “lôi kéo hoặc lừa” khách hàng đặt hàng quá mức sẽ bị phạt. Luật pháp cũng cấm “thể hiện tài ăn uống hoặc thi ăn” trên phương tiện truyền thông xã hội.

Theo một báo cáo năm 2020 từ Đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc, các thành phố của nước này lãng phí gần 18 tỷ kg thực phẩm mỗi năm. Ngay cả trước khi luật có hiệu lực, một số siêu thị ở Trung Quốc đã có các gian hàng riêng bán thực phẩm sắp hết hạn sử dụng giảm giá. Siêu thị Yongwang ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, có một giỏ hàng ở cuối mỗi lối đi chứa đầy mì ống, trà, dầu và nước sốt lẩu, thường sẽ hết hạn trong vòng 2 tháng. Một nhân viên bán hàng tên Liu cho biết, số thực phẩm đó được bán với giá giảm 70% và nhân viên xem xét các sản phẩm mỗi ngày để đảm bảo không có sản phẩm nào quá hạn sử dụng.

Các video khám phá các khu bán thực phẩm kiểu này cũng đã trở nên phổ biến. Một vlogger trên Bilibili đã vào một cửa hàng ở Bắc Kinh với 100 NDT nhưng đã mua được một chiếc xe đẩy đầy đồ ăn nhẹ. Tại các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải, các cửa hàng và gian hàng riêng cho thực phẩm sắp hết hạn cũng mọc lên để đáp ứng nhu cầu. HotMaxx, một cửa hàng chuyên bán thực phẩm sắp hết hạn với mức giảm từ 50 đến 80% đã nhanh chóng mở rộng kể từ năm 2020, với hơn 50 cửa hàng chỉ riêng ở Thượng Hải. Nó đã thiết lập các giao dịch với hơn 200 thương hiệu thực phẩm nổi tiếng, bao gồm công ty bánh kẹo Ý Ferrero và nhà sản xuất đồ ăn nhẹ Đài Loan Want Want.

Tuy nhiên, hiện nay thực phẩm sắp hết hạn sử dụng vẫn là một thị trường ngách, vì chính phủ Trung Quốc không có chính sách khuyến khích, nhưng ngành công nghiệp này đã phát huy tác dụng kể từ khi luật chống lãng phí thực phẩm được thông qua. “Nhờ có luật mới, mọi người đã bắt đầu chú ý đặc biệt đến những người như chúng tôi”, Lily nói.

(Theo SCMP)

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/san-thuc-pham-sap-het-han-xu-huong-moi-trong-gioi-tre-trung-quoc-post468053.antd