Sản phẩm khởi nghiệp ở nông thôn Long An vượt khó vươn xa

Nhiều bạn trẻ tại Long An đang khởi nghiệp bằng những sản phẩm xanh, đặc trưng của địa phương. Những sản phẩm này phần lớn là mới, độc đáo và đang được ngành chức năng địa phương tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, có thể vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Điều này mang lại những động lực khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ khác tại địa phương.

Khởi nghiệp xanh trong giới trẻ Long An

Xuất thân từ kỹ sư công nghệ thông tin nhưng lại bén duyên với nghề chế tác tranh nhôm, anh Nguyễn Thanh Tùng ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã có những ý tưởng khá độc đáo. Anh tận dụng vỏ lon bia, lon nước ngọt bằng nhôm rồi họa khắc để cho ra những khung chữ, hình 2D, 3D vào tạo ra những bức tranh nghệ thuật ấn tượng.

Anh Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, thời gian đầu gặp không ít khó khăn và cả thất bại, nhưng với niềm say mê nghệ thuật anh tiếp tục sáng tạo mày mò, nghiên cứu để làm bằng được. Anh Tùng đã tạo ra nhiều bức tranh sống động và không chỉ dừng lại để ngắm hay tặng bạn bè mà chuyển sang bán cho những khách hàng có nhu cầu với đa dạng mẫu mã như tranh về Bác Hồ, phong cảnh, tâm linh, truyền thần...

Tranh nhôm từ lon bia tái chế của thanh niên khởi nghiệp tại huyện Bến Lức, Long An (Ảnh: Nguyễn Quang)

Đến nay, anh đã tạo ra nhiều bức tranh lớn nhỏ, bán với giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng tùy kích cỡ. Đồng thời, sản phẩm của anh được Cục bản quyền tác giả chứng nhận quy trình chế tác sản phẩm tranh nhôm tái chế.

“Sắp tới để kiếm thêm đầu ra, tôi sẽ tập trung quảng bá trên các kênh tiktok hoặc facebook… tập trung những sản phẩm mặt hàng quà tặng. Hiện tại đã thực hiện các thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP, cũng mong sắp tới được các cơ quan của tỉnh giúp đỡ cho những sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp được tiếp cận thêm khách hàng, nhất là ở những đọt trưng bày hội nghị, hội chợ triển lãm” - anh Nguyễn Thanh Tùng nói.

Câu chuyện đầu ra cho các sản phẩm luôn là khó khăn chung của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp…

Anh Nguyễn Hoài Lộc, chủ cơ sở sản xuất nước trà giải khát Kombucha từ các loại trái cây bản địa ở ấp Thanh Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, Long An cho biết: Từ sau dịch Covid-19 đến nay, khởi nghiệp là một câu chuyện cực kỳ gian nan. Khởi nghiệp với những sản phẩm nước uống đóng chai, đóng lon có xuất xứ từ trái cây, nông sản lại càng khó khăn hơn vì thị trường bị thu hẹp.

Anh Nguyễn Hoài Lộc, một thanh niên huyện Tân Trụ, Long An chia sẻ chuyện khởi nghiệp ở nông thôn (Ảnh: Nguyễn Quang)

Anh Lộc Nguyễn Hoài chia sẻ, ấp ủ ước mơ tiêu thụ các loại trái cây của nông dân địa phương, anh đã có những quyết định táo bạo mở cơ sở để sản xuất nước uống. Hiện các loại nước giải khát do anh nghiên cứu, sản xuất được người dân trong vùng tin dùng và đang cố gắng để được nhiều người biết đến hơn.

Anh Nguyễn Hoài Lộc bộc bạch, quyết tâm của thanh niên khởi nghiệp thì ai cũng có, nhưng thị trường quá khắc nghiệt, cần có sự giúp đỡ của chính quyền và các cơ quan chức năng.

“Dù mới ra thị trường nhưng được bà con tại chỗ ủng hộ vậy là thấy tương đối ổn rồi, nhưng cũng cần hát triển lan rộng sản phẩm này ra thêm. Mục tiêu của mình là đi theo hướng Ocop rồi mình tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân lực địa phương để mình hun đúc tạo ra một sản phẩm tốt để giao thương với các tỉnh. Nếu thị trường được mở rộng cơ sở này sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương” - anh Nguyễn Hoài Lộc nói.

“Chúng tôi” dùng sản phẩm của “chúng ta”!

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, năm 2024 tỉnh sẽ công nhận thêm ít nhất 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, tỉnh sẽ quan tâm, lưu ý đến việc hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng, độc đáo và tiêu biểu của thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn.

Đến nay ngành nông nghiệp đã phối hợp ngành công thương tỉnh thực hiện quảng bá sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP về trang thiết bị, máy móc, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu sản phẩm và chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.

Sản phẩm đặc trưng Long An được kết nối có mặt tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước (Ảnh: Nguyễn Quang)

Bà Lê Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, hiệu quả mà chương trình kết nối giao thương mang lại rất rõ ràng, điều dễ dàng nhận thấy nhất là về bao bì, nhãn mác của sản phẩm. Các quy trình mã QR, tem truy xuất nguồn gốc... để đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nông thôn đã được cải thiện đáng kể.

Để sản phẩm vươn xa, Long An khuyến khích các cơ sở sử dụng sản phẩm của nhau, ủng hộ từng nỗ lực, động lực từ chính sân nhà của mình.

“Sở Công Thương thường xuyên có các hoạt động kết nối với các kênh phân phối hỗ trợ thành lập các điểm giới thiệu và bán sản phẩm Ocop. Rồi thường xuyên kết nối giao thương qua kênh nhóm zalo, khuyến khích sản phẩm của nhau. Đặc biệt là sử dụng những sản phẩm đặc trưng này để làm quà tặng cho các doanh nghiệp và địa phương trong tỉnh” - bà Lê Thị Lệ nói.

Tỉnh Long An đang áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh hoạt động kết nối cung- cầu và tiêu thụ sản phẩm trên hệ thống thương mại điện tử.

Theo đó, những sản phẩm đặc trưng đáp ứng được các quy định sẽ được tỉnh kết nối tham gia vào các sàn và trung tâm thương mại. Ngoài sự nỗ lực khẳng định từng sản phẩm, sự kết nối này sẽ giúp tăng hấp lực trong tiêu thụ hàng hóa, nhất là những sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của Long An.

Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/san-pham-khoi-nghiep-o-nong-thon-long-an-vuot-kho-vuon-xa-post1094670.vov