Rộn ràng Tết Độc lập nơi bản làng vùng cao
Những ngày đầu tháng 9 lịch sử, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La lại nhộn nhịp cùng nhau ăn Tết Độc lập, ngày Tết lớn nhất trong năm. Khi mây mù vẫn còn bao phủ trên những dãy núi cao, dẫu nắng hay mưa, không khí ngày Tết Độc lập rộn ràng khắp các bản làng nơi rẻo cao.
Theo chân cán bộ Công an xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu xuống bản Tà Số 1, với sắc cảnh thiên nhiên trong lành, sắc đỏ của cờ Tổ quốc tung bay trên mỗi mái nhà người Mông, tiếng trẻ em, tiếng những đôi trai gái dập dìu hẹn nhau xuống chợ tình, tất cả đã tạo nên một bức tranh thật đẹp trong tháng ngày lịch sử này. Gần 70 tuổi đời, hơn 20 năm tuổi Đảng, nhưng với ông Mùa A Của ở bản Tà Số 1, mỗi năm khi Tết Độc lập 2/9 tới thì ông lại có một cảm xúc khác nhau, nhưng tựu trung lại đó là cảm xúc tự hào của một người con đất Việt, người con của đồng bào Mông.
Ông Của cho biết, cứ đến ngày này, con cháu trong gia đình đi làm ăn xa cũng luôn sắp xếp công việc để về với gia đình. Bởi một năm chỉ có ngày Tết Độc lập mới có thời gian để đi chơi và gặp lại những người thân, người bạn của mình. Và ngày Tết độc lập cũng là dịp để ông dạy cho con cháu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nhớ về nguồn cội của mình, đồng thời mong cho con cháu sau này ra sức học tập, rèn luyện xây dựng bản làng, quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Năm nay tại Mộc Châu diễn ra Tuần lễ văn hóa - du lịch Mộc Châu năm 2023, Ngày hội diễn ra từ ngày 28/8 đến hết 4/9, nhưng đông vui nhất vẫn là hai ngày 1 và ngày 2/9. Để đi chơi Tết, bà con các dân tộc nơi đây phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn. Gái thì rực rỡ áo váy, tay cầm đàn môi. Không chỉ có vậy đây còn là dịp để họ tìm hiểu, hò hẹn và trao cho nhau những lời yêu thương.
Tuần lễ văn hóa du lịch Mộc Châu với một loạt hoạt động như: Chương trình nghệ thuật: Đêm hò hẹn "Mộc Châu-Tiếng gọi mùa yêu", Hội chợ triển lãm Thương mại và nông sản an toàn huyện Mộc Châu năm 2023 hoạt động cộng đồng đường phố với hàng trăm nghệ nhân, diễn viên biểu diễn nhạc cụ dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao tại nhiều địa điểm.
Năm nay còn có khu Trại Văn hóa các dân tộc trưng bày không gian tín ngưỡng, trang phục, trang sức, công cụ lao động, sản xuất, nghề thủ công truyền thống và nông sản đặc sản của các dân tộc tại địa phương… Ném còn, ném pao, đẩy gậy, đi cà kheo… Thông qua các hoạt động của tuần lễ văn hóa du lịch, địa phương mong muốn phát triển thương hiệu đặc trưng của du lịch Mộc Châu, phấn đấu đến năm 2025 được công nhận là Khu du lịch quốc gia, xây dựng Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.
Chị Nguyễn Thị Kim Quy, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cho biết, chị và gia đình đã rất háo hức cho chuyến đi Mộc Châu lần này. Nghe bạn bè giới thiệu đã lâu, gia đình tôi rất muốn lên tham quan, trải nghiệm văn hóa các dân tộc nơi đây. Dịp này được nghỉ 4 ngày, chị đã đưa gia đình lên từ trước ngày lễ, đến thăm, trải nghiệm các điểm du lịch cộng đồng, một số bản làng của người dân. "Đồng bào nơi đây rất hiền hậu, mến khách, thân thiện. Các món ăn dân tộc rất ngon, hấp dẫn, hương vị độc đáo. Chắc chắn chúng tôi sẽ còn quay lại với mảnh đất này", chị Quy chia sẻ.
Để tuần lễ văn hóa, du lịch Mộc Châu diễn ra thành công, lực lượng Công an huyện Mộc Châu đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng Công an tỉnh triển khai nhiều phương án, kế hoạch đảm bảo ANTT, TTATGT trong thời gian diễn ra hoạt động.
Thượng tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Công an huyện Mộc Châu cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện đã tham mưu UBND huyện triển khai các tổ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường chính; huy động 100% quân số, phương tiện, thiết bị kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu công tác trong đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; huy động 88 tổ công tác và hơn 400 lượt CBCS tham gia đảm bảo các sự kiện diễn ra trên địa bàn. Triển khai các phương án đảm bảo TTATGT và PCCC phục vụ ngày hội. Bố trí các tổ cảnh sát tuần tra lưu động dọc tuyến đường vào khu vực đua thuyền góp phần phục vụ an ninh trật tự, an toàn giao thông cho đại biểu, nhân dân, du khách thập phương về ngày hội.
Năm nay, người dân được mùa vì vậy ngày Tết Độc lập cũng vui hơn, lời ca tiếng hát cũng rộn ràng hơn. Sự ấm no, hạnh phúc đã thể hiện trong chính những thanh âm của điệu khèn, tiếng phí ngân vang khắp núi rừng. Như vậy, có thể nói Tết Độc lập hàng năm trên mỗi bản làng vùng cao Sơn La đã trở thành ngày hội truyền thống để nhân dân các dân tộc gặp gỡ, kết giao, vui chơi sau những ngày làm lụng vất vả. Đến với ngày hội cũng là cách để mỗi người dân thể hiện tấm lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ đã mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/ron-rang-tet-doc-lap-noi-ban-lang-vung-cao-i705764/