Raymond và kỳ vọng 'trở mình' hậu COVID-19
Các nhà phân tích nhất trí rằng các hoạt động kinh doanh của Raymond đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch do chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên.
Nhu cầu về các lễ cưới và các sự kiện lớn gia tăng của người Ấn Độ sau đại dịch COVID-19 là tin đáng mừng đối với tập đoàn Raymond, khi mà hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này vẫn là những bộ vest bảnh bao và hàng dệt may thời trang.
Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asia, tỷ phú Gautam Hari Singhania, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Raymond Group, hãng dệt may lớn nhất Ấn Độ và cũng là nhà sản xuất vải may vest lớn nhất thế giới, dự kiến một khoản chi tiêu “khủng” sẽ được rót vào mạng lưới khoảng 1.400 phòng trưng bày quần áo của tập đoàn trong mùa cưới này, thường kéo dài từ tháng 11 đến hết mùa Hè, khi các cặp đôi lên kế hoạch kết hôn vào những ngày tốt lành theo lịch Hindu.
Tỷ phủ Gautam Hari Singhania cho hay tập đoàn đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về doanh số bán hàng do người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn tại các cửa hàng của hãng sau đại dịch COVID-19. Và xu hướng này sẽ tiếp diễn khi bước vào mùa cưới kỷ lục trong vài tháng tới.
Theo Liên đoàn các thương nhân Ấn Độ, Ấn Độ sẽ tổ chức khoảng 3,2 triệu đám cưới trong tháng 11 và tháng 12, tạo ra doanh thu khổng lồ 3.750 tỷ rupee (45,5 tỷ USD) cho các lĩnh vực trong đó có thời trang bán lẻ. Con số này lớn hơn rất nhiều so với mức 2.500 tỷ rupee so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra và khoảng 3.000 tỷ rupee trong năm 2021 khi các nghi lễ truyền thống bắt đầu quay trở lại.
Được thành lập vào năm 1925 với xuất phát điểm là một nhà máy len gần thủ đô tài chính Mumbai của Ấn Độ, Raymond ban đầu cung cấp chăn cho các lực lượng vũ trang trong nước. Tên của hãng này xuất phát từ hai giám đốc tại nhà máy là Albert Raymond và Abraham Jacob Raymond.
Gia đình Singhania đã mua lại hãng này vào năm 1944, ngay trước khi Ấn Độ giành độc lập từ Anh. Hãng chuyên sản xuất vest sắp kỷ niệm 100 năm thành lập này hiện có 19 nhà máy ở trong nước và một nhà máy ở quốc gia Đông Phi Ethiopia. Raymond đang sử dụng hơn 30.000 lao động và ngoài mạng lưới bán lẻ của riêng mình, hãng còn cung cấp trang phục cho các công ty nước ngoài bao gồm cả nhà điều hành cửa hàng bách hóa J.C. Penney của Mỹ.
Tại Ấn Độ, Raymond đang phải cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ thời trang đa quốc gia như Marks & Spencer và Zara, cùng với các công ty dệt may địa phương như Bombay Dyeing và Grasim Industries.
Raymond cũng đã mở rộng ra ngoài lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình, đa dạng hóa sang các sản phẩm tiêu dùng từ kem cạo râu đến bao cao su, cũng như công nghệ như linh kiện ô tô. Raymond cũng đang điều hành một đơn vị bất động sản xây dựng và bán các căn hộ ở ngoại ô Mumbai. Ông Singhania cho hay doanh số bán bất động sản của thuộc Raymond đã tăng gấp ba lần trong quý kết thúc tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm 2019 trước COVID-19, và ông hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục.
Raymond, với mức định giá thị trường gần 105 tỷ rupee, đã ghi nhận tổng doanh thu cao nhất từ trước đến nay là khoảng 22 tỷ rupee trong ba tháng kết thúc vào tháng 9/2022, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Raymond dự kiến doanh thu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023 sẽ vượt mức 63,4 tỷ rupee mà hãng từng đạt được trong 12 tháng trước đó.
Tuy nhiên, quần áo và dệt may vẫn luôn chiếm gần 50% doanh thu của tập đoàn. Vì vậy, tỷ phú Singhania kỳ vọng xuất khẩu hàng may mặc sẽ tăng mạnh khi các nhà bán lẻ phương Tây tìm cách mở rộng chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc, do các hoạt động sản xuất tại đây đang bị đình trệ bởi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt liên quan đến dịch bệnh.
Trong quý kết thúc tháng 9/2022, Raymond đã ghi nhận doanh số bán hàng tăng mạnh khi các khách hàng nước ngoài đặt hàng nhiều bộ đồ vest và áo sơ mi hơn trong lúc tìm kiếm các nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc.
Tỷ phú Singhania cho biết bất chấp những gián đoạn liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine, lãi suất trên thế giới cao và các dự báo kinh tế suy thoái ở phương Tây, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Raymond đã “chật kín” trong sáu tháng tới. Ông Singhania cho biết thêm mỗi khách hàng hiện đang chi tiêu cao hơn sau COVID-19 từ 25% đến 30% tại các cửa hàng của Raymond so với trước đại dịch COVID-19.
Theo ông Singhania, Ấn Độ có thể cạnh tranh với các quốc gia sản xuất hàng may mặc lớn khác như Việt Nam và Bangladesh bởi nước này cung cấp mọi thứ từ trồng bông đến thu hoạch và may vá.
Các nhà phân tích cũng nhất trí rằng các hoạt động kinh doanh của Raymond đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch do chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên. Arti Roy, nhà phân tích tại công ty xếp hạng CareEdge, cho biết nhu cầu của người tiêu dùng dự kiến sẽ duy trì ở mức cao và được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng. Biên lợi nhuận đã được cải thiện nhờ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp hợp lý hóa chi phí bất chấp bối cảnh lạm phát hàng hóa và chi phí đầu vào cao hơn.
Trong những tháng tới, Raymond đặt mục tiêu mở thêm nhiều cửa hàng ở các thị trấn nhỏ hơn để thu lời nhờ người tiêu dùng tăng mức chi tiêu, đồng thời mở rộng các dòng quần áo của mình, ngoài các sản phẩm may mặc truyền thống, thường phổ biến trong các nghi lễ đám cưới của người theo đạo Hindu./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/raymond-va-ky-vong-tro-minh-hau-covid-19/275654.html