Rất ít học sinh báo cáo với giáo viên hay hiệu trưởng khi bị quấy rối, xâm hại tình dục

Rất ít học sinh báo cáo với giáo viên hay hiệu trưởng khi bị quấy rối, xâm hại tình dục, còn số học sinh báo với bố mẹ chỉ chiếm 16%.

Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội lần thứ tư, với chủ đề “Kết nối để xóa khoảng trống trong phòng, chống bạo lực tình dục (BLTD)” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Xâm hại và BLTD trong không gian ảo được đánh giá là có thể len lỏi vào bất kỳ đâu, không có giới hạn, thường gây ám ảnh nặng nề về cảm xúc, tâm lý, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe thể chất, tinh thần cho nạn nhân.

Bà Phí Mai Chi, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, Việt Nam có khoảng 62 triệu người dùng internet, trong đó 1/3 là trẻ em và trẻ em dùng hơn 65 tiếng mỗi tháng để truy cập internet.

Hiện, không có số liệu về trẻ em bị quấy rối xâm hại tình dục trên môi trường mạng. Kết quả khảo sát cho biết có 57% trẻ chia sẻ thông tin cá nhân; 49% tiếp xúc nội dung khiêu dâm; dưới 20% gặp bạo lực trên mạng…

Các đại biểu thảo luận về khoảng trống pháp luật về bạo lực tình dục. Ảnh: P.Thảo

Đáng nói, hiện khung pháp lý chưa đầy đủ, cũng như thiếu công cụ, dịch vụ hỗ trợ phù hợp cho trẻ khi tham gia truy cập mạng, qui trình can thiệp, giúp trẻ bị xâm hại trên mạng. Nhiều vụ việc quấy rối/xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng không được phát hiện và khai báo, trong khi tỷ lệ truy cập mạng của trẻ em tăng cả về số lượng và thời gian, cho thấy nguy cơ trẻ em bị quấy rối/xâm hại tình dục trên môi trường mạng có xu hướng gia tăng.

Hiện nay, chương trình giáo dục giới tính tại trường học chủ yếu tập trung vào sự khác biệt về sinh lý giữa hai giới và phòng ngừa các hậu quả tiêu cực liên quan đến quan hệ tình dục. Các thông tin này có thể không đủ để giúp trẻ có thái độ lành mạnh về giới tính.

Trình bày khảo sát Mô hình ứng phó xâm hại tình dục trẻ em qua môi trường mạng tại Đà Nẵng, bà Nguyễn Lê Hồng Phúc, quản lý Dự án World Vision Việt Nam cho biết, có 68% trẻ em tự học cách dùng internet; có 10,4% trẻ em có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng; 8,6% cha mẹ có kiến thức cơ bản về xâm hại tình dục qua mạng…

Các hình thức trẻ bị xâm hại trên mạng phổ biến là nhắn tin có nội dung liên quan đến tình dục cho trẻ; sử dụng hình ảnh khỏa thân của trẻ để sản xuất các ấn phẩm khiêu dâm; lôi kéo, dụ dỗ trẻ chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm trên mạng; ép trẻ cởi quần áo để khỏa thân hoặc ăn mặc hở hang cho mình xem…

Bà Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội GBVNet nhấn mạnh, BLTD là vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng và quyền con người, gây hậu quả trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe thể chất, tinh thần, tình dục và sinh sản của phụ nữ và trẻ em gái. Cho dù BLTD xảy ra trong mối quan hệ riêng tư, trong gia đình hay cộng đồng, nó đều vi phạm quyền và gây tổn thương sâu sắc cho nạn nhân.

Đáng quan tâm, trẻ em khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực và lạm dụng tình dục nhiều hơn 4 đến 5 lần so với trẻ em không khuyết tật và cứ 10 phụ nữ khuyết tật thì có 4 người trải qua BLTD. Với nhóm chị em bán dâm, có gần 30% cho biết đã từng bị BLTD, 22% bị cưỡng bức phải tiếp khách. Khảo sát với nhóm LGBT cho kết quả 41% thanh thiếu niên LGBT bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành, kể cả bạo hành tình dục; Phụ nữ nhiễm HIV cũng bị BLTD giống như những phụ nữ không nhiễm HIV…

Thế nhưng, phần lớn nạn nhân im lặng vì sợ bị kỳ thị, sợ đổ vỡ cuộc sống, sợ bị trả thù, sợ không được tin tưởng, thậm chí tin rằng mình đáng bị như thế …

Kết quả khảo sát về BLTD với trẻ em gái trong trường học cho biết nhiều học sinh nữ đã từng bị xâm hại tình dục nhưng không dám chia sẻ với ai (ngay cả với cha mẹ, người thân). Các em cảm thấy xấu hổ với mọi người, tội lỗi, nhục nhã, chán chường, sợ bị coi thường, miệt thị, định kiến và không tin rằng việc chia sẻ có thể giúp các em giải quyết được vấn đề và hậu quả của nó. Đáng quan tâm, rất ít học sinh báo cáo với giáo viên hay hiệu trưởng khi bị QRXHTD còn số học sinh báo với bố mẹ khi bị QRXHTD chỉ chiếm 16%.

Th.s Lê Thị Lan Anh cho biết, quấy rối tình dục với trẻ em có thể để lại tác động nặng nề về tâm lý và thể chất cho nạn nhân/nhân chứng, người thân, gia đình của họ tại thời điểm xảy ra vụ việc và trong tương lai.

Đáng chú ý, không ai trong số các sinh viên nam nghĩ rằng “cho xem phim/ hình khiêu dâm khi bản thân không muốn” là quấy rối tình dục và có 3 sinh viên nữ nói rằng đây là quấy rối tình dục; 55,6% sinh viên không biết bất kỳ quy tắc an toàn nào để ngăn chặn quấy rối tình dục; 15,8% học sinh im lặng, không làm gì cả và chịu đựng khi trải qua hành vi quấy rối; 47,6% học sinh biết người cụ thể để báo cáo, 25,5% biết số điện thoại và 43,6% học sinh không biết một nguồn nào để báo cáo tình trạng quấy rối tình dục.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần hình thành mạng lưới dịch vụ trợ giúp trẻ bị xâm hại; biên soạn tài liệu giáo dục trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Đồng thời, thực hiện các chiến dịch truyền thông, nghiên cứu đưa ra cảnh báo dịch vụ, sản phẩm không phù hợp trẻ em.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/rat-it-hoc-sinh-bao-cao-voi-giao-vien-hay-hieu-truong-khi-bi-quay-roi-xam-hai-tinh-duc-172898.html