Rất cần giải pháp căn cơ
Ngày 3-6, Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước ban hành Công văn số 369/BDT-CSDT gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thị xã, thành phố về việc phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Nội dung văn bản đề nghị, các đơn vị, địa phương căn cứ chức năng phối hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 3-7-2017 về tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2001/UBND-KGVX ngày 18-6-2021 về việc tiếp tục thực hiện biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi, lừa đảo cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1858/UBND-KGVX ngày 21-7-2022 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý đất đai trong vùng đồng bào DTTS. Thực tế, tình trạng bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất trong vùng đồng bào DTTS vẫn đang xảy ra.
Tình trạng vay lãi suất cao, cầm cố, sang nhượng đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh những năm qua là chuyện không mới, trước đó, các phương tiện truyền thông đại chúng đã nhiều lần phản ánh. Nguyên nhân chủ yếu là do giá nông sản xuống thấp, một số cây trồng mất mùa nên người dân không có tiền để trang trải cuộc sống. Một số gia đình đồng bào DTTS còn lưu giữ những phong tục, tập quán lạc hậu gây tốn kém, lãng phí tiền của; một bộ phận không nhỏ đồng bào chưa quan tâm chăm sóc vườn rẫy nên không có nguồn thu hoặc chưa có kế hoạch chi tiêu hợp lý; gặp rủi ro, đau ốm… phải tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con, các đối tượng này dụ dỗ cầm cố vườn, rẫy, đất đai, cho vay tiền với cách tính lãi cao. Trong giao dịch, chúng cố tình lừa gạt, giao dịch ngầm, hợp đồng vay mượn sơ sài, không thể hiện lãi suất, còn người đi vay cố tình che giấu thông tin, ngại khai báo. Tất cả giao dịch này diễn ra bí mật nên chính quyền và ngành chức năng rất khó nắm bắt thông tin để kịp thời can thiệp. Hệ lụy là nhiều hộ bị mất đất, siết nhà và gia đình rơi vào cảnh đói nghèo.
Thực tế cho thấy, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống các hộ đồng bào DTTS mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội và tình hình an ninh trật tự của địa phương. Do đó, chính quyền và ngành chức năng ở các địa bàn trọng điểm về bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất đã tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm nhiều vụ việc để răn đe. Đồng thời, tổ chức các đoàn trực tiếp đến các hộ DTTS tuyên truyền, vận động và huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ bà con phát triển sản xuất. Tuy nhiên, các vụ việc liên quan vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn.
Thực trạng nêu trên đòi hỏi, các ngành chức năng cần sớm có những giải pháp căn cơ. Trước mắt, ngoài thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, rất cần các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú và phát huy tối đa vai trò của các già làng, người có uy tín để người dân, nhất là đồng bào DTTS hiểu về những tác hại của vay nặng lãi, bán điều non, cầm cố đất sản xuất trong thời gian dài. Đặc biệt, nâng cao nhận thức cho đồng bào về các dịch vụ tài chính, ngân hàng để bà con từng bước thay đổi tư duy khi có nhu cầu về vốn, từ đó cảnh giác với hoạt động “tín dụng đen” và tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi theo các chương trình, đề án của Trung ương và địa phương. Có giải pháp giúp bà con có sinh kế ổn định. Đồng thời, có giải pháp phát triển kinh tế bền vững, không để xảy ra tình trạng mất mùa, mất giá hay vừa mất mùa vừa mất giá…
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/158758/rat-can-giai-phap-can-co