Rào cản trong xuất khẩu thủy hải sản

Trong tổng số sản lượng 62 ngàn tấn thủy hải sản khai thác năm 2023, tỷ trọng xuất khẩu chiếm rất nhỏ mà chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và một số tỉnh lân cận. Thủy sản tiêu thụ nội địa cũng chủ yếu hàng tươi sống, chế biến quy mô rất nhỏ.

 Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Phú Song Hường

Chế biến hải sản xuất khẩu tại Công ty TNHH Phú Song Hường

Giám đốc điều hành Nhà máy chế biến - Công ty TNHH Phú Song Hường, ông Trần Mai Anh khẳng định, sản lượng khai thác thủy hải sản trên địa bàn tỉnh lâu nay không đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế thấp như cá nục, bánh lái, hố, ngừ chù… chất lượng thấp, không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường các nước lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu mà chủ yếu sang Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan.

Ông Nguyễn Thanh Túc, Giám đốc Công ty CP. Phát triển thủy sản tỉnh lý giải, sản lượng thủy sản nuôi bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh khá lớn nhưng cũng khá bấp bênh, không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật... Sản phẩm nuôi trồng, đặc biệt là tôm sú, tôm chân trắng không tuân thủ quy trình nuôi an toàn sinh học, dư lượng hóa chất, kháng sinh cao nên không đảm bảo kích cỡ, chất lượng phục vụ chế biến xuất khẩu. Lâu nay, sản phẩm nuôi trồng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tôm chỉ đáp ứng khoảng 10% công suất chế biến xuất khẩu của công ty.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Nguyễn Xuân Trường cho rằng, ngành nghề chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh lâu nay chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa. Tính riêng ngành nghề chế biến thủy sản quy mô nhỏ và vừa do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý, bình quân mỗi năm chế biến khoảng 2.500 tấn sản phẩm, tập trung nhóm ngành hàng tôm chua, ruốc, nước mắm... và một số ít thủy sản phơi, sấy khô.

Đối với lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu (doanh nghiệp xuất khẩu đóng trên địa bàn tỉnh do Bộ NN&PTNT quản lý) hiện có 5 công ty xuất khẩu thủy sản, gồm các Công ty CP. chế biến thủy sản Amigo, Công ty CP. Chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế, Công ty CP. XNK Phú Song Hường, Công ty CP. Phát triển thủy sản Huế, Công ty CP. Thủy sản Viễn Đông.

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh năm 2023 đạt khoảng 696 ngàn USD, trong đó chủ yếu Công ty CP. chế biến thủy sản Amigo đạt gần 600 ngàn USD, Công ty CP. Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế đạt 91.257 USD… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.

Dự kiến năm 2024, Công ty CP. Thủy sản Viễn Đông sẽ xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản trị giá 75 ngàn USD sang thị trường Hàn Quốc (theo hình thức hợp đồng gia công cho công ty khác); mặt hàng cá chẽm trị giá 200 ngàn USD sang thị trường Trung Quốc (theo hình thức nuôi trồng và chế biến, xuất khẩu trực tiếp). Nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản xuất khẩu chủ yếu từ khai thác và nuôi trồng tại địa bàn tỉnh và một số ít mua từ các tỉnh lân cận.

Ông Nguyễn Xuân Trường đánh giá, nhìn chung lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy hải sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, quy mô nhỏ lẻ so với mặt bằng chung của cả nước. Tình hình xuất khẩu đối với các doanh nghiệp những năm gần đây giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu vì đơn hàng giảm và nguồn nguyên liệu chất lượng khan hiếm, giá cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang duy trì ở trạng thái chững lại. Ngoài ra, chi phí để chứng nhận nguồn gốc khai thác và đánh bắt thủy sản khá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm thủy sản khi xuất khẩu cao đã làm hạn chế tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Theo ông Trường, tiềm năng và thế mạnh để đầu tư khai thác, nuôi trồng phục vụ chế biến và xuất khẩu thủy hải sản trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn rất lớn. Với lợi thế tiềm năng vùng biển, đầm phá, vùng nguyên liệu và nhân công lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có khả năng tiết giảm chi phí sản xuất tối đa, tối đa hóa giá trị chất lượng sản phẩm để phù hợp với yêu cầu của các đơn hàng. Các chính sách ưu đãi đầu tư, khuyến khích sản xuất của tỉnh đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản quy mô lớn hiện nay khá tốt.

Yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay là việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm tái đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thêm nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa của địa phương. Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh sẽ tham mưu cấp trên, đề nghị UBND tỉnh, Trung ương quan tâm hỗ trợ, giải quyết những vấn đề này.

Trên cơ sở điều kiện và cơ chế chính sách sẵn có của Nhà nước, các cơ quan quản lý kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, thúc đẩy tính sáng tạo và nội lực của doanh nghiệp; áp dụng linh hoạt các chính sách, cơ chế để giải quyết, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản một cách hợp lý, kịp thời.

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức khẳng định, với vai trò quản lý Nhà nước, Sở tiếp tục nắm bắt các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo, đề xuất cấp trên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, ngành liên quan nhằm cung cấp kịp thời các thông tin về yêu cầu của thị trường xuất khẩu, các định mức và quy chuẩn các nước, yêu cầu pháp lý cần thiết… để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/rao-can-trong-xuat-khau-thuy-hai-san-138921.html