Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động mỹ thuật
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Cao Thái, Nghị định số 113/2013/NĐ-CP là một bước quan trọng trong quản lý, phát triển hoạt động mỹ thuật tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, một số quy định trong Nghị định cần được rà soát, sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Hoạt động mỹ thuật đi vào nền nếp
- Nhìn lại hơn 10 năm qua, xin ông cho biết việc thực thi Nghị định số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật đã đem lại những kết quả nổi bật nào?
- Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được nêu tại Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững phát triển đất nước, ngày 2.10.2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật.
Sau khi Nghị định số 113/2013/NĐ-CP được ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (hiện được thay thế bởi Nghị định số 38/2021/NĐ-CP) trong đó quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động mỹ thuật. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành theo thẩm quyền 6 thông tư quy định về hoạt động mỹ thuật và liên quan đến hoạt động mỹ thuật, cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện, tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ra đời đã giúp hoạt động mỹ thuật đi vào nền nếp. Hoạt động thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật và triển lãm mỹ thuật được quy định cụ thể tại Nghị định với thủ tục thông báo thi sáng tác và cấp giấy phép triển lãm đã được triển khai từ Trung ương đến các địa phương, bảo đảm công tác quản lý nhà nước được thực hiện đồng bộ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia.
Hoạt động đấu giá tác phẩm mỹ thuật đã bước đầu được hình thành với sự ra đời và hoạt động của một số nhà đấu giá Lạc Việt, Chọn, Lý Thị, Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom… là tín hiệu ban đầu để thúc đẩy thị trường mỹ thuật trong nước. Nghị định số 113/2013/NĐ-CP đã có sự điều chỉnh quy định cấp giấy phép đối với sao chép tác phẩm về danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, bảo đảm quy trình thẩm định về nội dung và chất lượng nghệ thuật.
Hay việc quy định định mức kinh tế - kỹ thuật phần mỹ thuật trong xây dựng công trình tượng đài và phù điêu đã góp phần thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng tượng đài tại các địa phương nói riêng và trên cả nước nói chung, bảo đảm về mặt chuyên môn mỹ thuật, quy trình xây dựng, để công trình tượng đài đạt chất lượng về nghệ thuật và kỹ thuật…
Còn nhiều “khoảng trống”
- Nghị định số 113/2013/NĐ-CP đã được ban hành hơn 10 năm, trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn có nhiều thay đổi. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động mỹ thuật thế nào, thưa ông?
- Đúng là nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế của hoạt động mỹ thuật chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; một số quy định trong Nghị định không còn phù hợp. Đơn cử như, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng, các công trình văn hóa đặc thù như trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời, tranh tường (bích họa) 3D tại các địa điểm công cộng, khu dân cư, khu du lịch, kinh doanh dịch vụ của tư nhân ngày càng nhiều, tự phát, nhưng không có sự kiểm soát nội dung của cơ quan quản lý văn hóa tại địa phương (như tượng 12 con giáp tại Hòn Dáu, Hải Phòng; tượng nữ thần tự do, tượng nhân vật hoạt hình Elsa tại Lào Cai…). Điều này ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Khó khăn nữa là chưa có cơ chế kiểm soát các triển lãm mỹ thuật trên không gian mạng, có nguy cơ ảnh hưởng đến chính trị, xã hội, văn hóa dân tộc. Đồng thời, các thủ tục hành chính tại Nghị định 113/2013/NĐ-CP mới chỉ quy định hình thức nộp hồ sơ trực tiếp và qua đường bưu điện, chưa quy định hình thức nộp hồ sơ qua môi trường điện tử. Một số mẫu đơn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của công dân chưa phù hợp với yêu cầu về mục tiêu chuyển đổi số.
Ngoài ra, một số quy định tại Nghị định số 113/2013/NĐ-CP cần được rà soát với những văn bản pháp luật có liên quan mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung như: Luật Xây dựng năm 2014 (thay thế Luật Xây dựng năm 2003), Luật Đấu thầu năm 2023 (thay thế Luật Đấu thầu năm 2013), Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020...
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
- Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết những khó khăn như ông vừa nêu, có lẽ cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 113?
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lập đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2013/NĐ-CP, trong đó đề xuất một số chính sách mới.
Thứ nhất, xây dựng chính sách quản lý công trình mỹ thuật ngoài trời, thực hiện quản lý nhà nước với công trình mỹ thuật ngoài trời, khắc phục tình trạng công trình mỹ thuật đặt tràn lan tại các địa điểm công cộng, ngoài trời; đồng thời vẫn bảo đảm môi trường sáng tạo cho các chủ thể sáng tác tác phẩm mỹ thuật. Theo đó, khi xây dựng, đặt công trình mỹ thuật ngoài trời, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, xây dựng chính sách quản lý triển lãm mỹ thuật trên không gian mạng, bổ sung phương thức thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn giản hóa giấy tờ công dân theo mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Riêng hoạt động triển lãm mỹ thuật trên không gian mạng về cơ bản được quản lý như hoạt động triển lãm mỹ thuật trực tuyến và thực hiện thông báo tới cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung một số quy định về tượng đài, tranh hoành tráng; quy định về điều kiện chuẩn bị đầu tư dự án và dự án đầu tư xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Về lâu dài, Vụ Pháp chế cùng với Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ phối hợp nghiên cứu, tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xây dựng Luật Mỹ thuật.
- Xin cảm ơn ông!
Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch