Tăng tốc giải ngân đầu tư công, TP.HCM cũng chỉ đạt hơn 80%
Dù tăng hết tốc lực từ nay đến hết niên độ (hết tháng 1/2025), TP.HCM cũng chỉ giải ngân được 64.528 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 81,4%), vẫn còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu giải ngân 95% như kế hoạch đề ra.
Chỉ đạt hơn 80%
Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến giữa tháng 11/2024, số vốn đầu tư công đã giải ngân trên địa bàn Thành phố là 18.635 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,5% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024 là 79.263 tỷ đồng. Kết quả này chưa đạt kế hoạch đề ra và thấp hơn mức giải ngân bình quân của cả nước.
Sau khi các đơn vị rà soát lại, với kịch bản mọi thứ thuận lợi, thì đến hết tháng 11, giải ngân đạt 23.626 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 29,8%); hết tháng 12/2024, giải ngân đạt 60.944 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 76,9%). Và đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (hết tháng 1/2025), giải ngân đạt 64.528 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 81,4%.
Như vậy, với kịch bản tăng tốc hết công suất, thì đến hết niên độ (hết tháng 1/2025), TP.HCM cũng chỉ giải ngân được 81,4% và vẫn còn khoảng cách xa so với mục tiêu giải ngân đạt 95% như kế hoạch đề ra.
Báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thừa nhận, giải ngân đầu tư công của Thành phố thực hiện rất chậm. Nguyên nhân một phần đến từ việc nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 bố trí chậm, dẫn đến việc chuẩn bị đầu tư cũng chậm.
“Thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án mất rất nhiều thời gian, chỉ có dự án đường Vành đai 3 làm được nhanh, còn tại các dự án khác, quá trình chuẩn bị đầu tư mất cả năm”, Chủ tịch UBND TP.HCM nêu thực trạng.
Đó là chưa kể, từ khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, Thành phố phải điều chỉnh tăng giá đền bù giải phóng mặt bằng, nên mất thêm thời gian dẫn đến chậm giải ngân.
Đối với trách nhiệm của UBND Thành phố trong điều hành, ông Phan Văn Mãi thừa nhận, việc thực hiện còn chậm. Trong đó, sự phối hợp của các sở, ngành trong giải quyết thủ tục chuẩn bị dự án như cấp giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy hoạch 1/500, 1/2.000… đều mất nhiều thời gian, có việc hàng tháng trời. Mặt khác, các dự án đang thi công gặp phải vấn đề như thiếu cát, thiếu nguyên liệu... dẫn đến thi công chậm.
Phân loại thành các nhóm dự án để tháo gỡ vướng mắc
Từ đầu năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ban hành nhiều chỉ thị và văn bản đốc thúc các sở, ngành và các địa phương giải ngân vốn ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp như xây dựng quy chế phối hợp, cụ thể hóa các nhiệm vụ chứ không phối hợp chung chung… Tuy vậy, các giải pháp này mới thực hiện trên giấy, trong khi những vướng mắc trên thực địa chưa được giải quyết.
Để tăng tốc giải ngân trong 2 tháng còn lại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phân loại thành các nhóm Dự án để các sở, ngành và địa phương tháo gỡ.
Hiện Thành phố có hơn 3.000 dự án không có vướng mắc về thủ tục đầu tư, số vốn dự kiến giải ngân năm 2024 là 31.286 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 10/2024 mới giải ngân được 13.500 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các dự án thuộc nhóm này không có vướng mắc về thủ tục đầu tư, nên chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc giải ngân theo kế hoạch đã đề ra.
Để tăng tốc giải ngân trong 2 tháng còn lại, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phân loại thành các nhóm dự án như nhóm vướng quy hoạch, nhóm vướng giải phóng mặt bằng, nhóm vướng thủ tục… để các sở, ngành và địa phương tháo gỡ. Trong đó, tập trung tháo gỡ nhóm liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng có số vốn cần giải ngân lớn nhất, phải giải ngân 29.858 tỷ đồng. Tiếp đến là nhóm các dự án không vướng mắc về thủ tục đầu tư, phải giải ngân 10.856 tỷ đồng đến hết tháng 1/2025.
Qua rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư phát hiện, nhiều nội dung còn tồn tại được UBND Thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện xử lý, song đến nay đã hết thời hạn, các đơn vị này chưa xử lý, dù đã được đôn đốc, nhắc nhở hơn 1 lần. Nhiều địa phương còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa giải quyết như UBND quận Bình Thạnh 8 nội dung; huyện Củ Chi 4 nội dung, TP. Thủ Đức 4 nội dung, việc chậm xử lý các bất cập dẫn đến giải ngân đầu tư công chậm.
Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo, chấn chỉnh các đơn vị này trong việc giải quyết thủ tục đối với các dự án đầu tư công, nghiêm chỉnh thực hiện tinh thần của đợt cao điểm về giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của Thành phố.