Rà soát quy định về sở hữu, sử dụng nhà ở đối với người nước ngoài

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng đề nghị, câu chuyện cá nhân người nước ngoài có được sở hữu nhà ở, gắn với giao đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không thì cần phải rà lại cho phù hợp các luật có liên quan, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi).

Có những người phải nộp thuế thu nhập nhưng không có điều kiện mua nhà

Sáng 5/6, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về nội dung này. Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày cho biết, việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về: Đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; loại hình dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội; lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội...

Qua thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật (UBPL) tán thành với quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước. "Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị", Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng nêu.

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng.

Liên quan nhà ở xã hội, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng, điểm b, Điều 75 quy định điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân lao động làm việc trong các khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức là phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân. "Theo tôi, nên cân nhắc, xem xét mở rộng phạm vi thu nhập và đối tượng được mua. Có những người phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng người ta không đủ điều kiện mua nhà, đặc biệt những người sinh sống, làm việc các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nếu quy định như thế này, họ sẽ rất khó khăn để có được nhà ở", đại biểu lo ngại.

Viện dẫn chính sách nhà ở xã hội của Singapore là một ví dụ thành công về mô hình nhà ở xã hội, đảm bảo cả xã hội được hưởng quyền lợi về nhà ở và khoảng 85% dân số sống trong nhà ở công, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị có những quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn trong chính sách nhà ở xã hội, để dễ dàng thực thi trong thực tế, nhất là về quy trình, trình tự thủ tục đầu tư, phân phối, cũng như các tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật nhà ở xã hội.

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh.

Về tài chính cho phát triển nhà ở xã hội, nữ đại biểu đồng tình với nhiều cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật về thuế; được hưởng lợi nhuận định mức; vay vốn ưu đãi...; đồng thời tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội. "Tôi cũng đề nghị, khi xây dựng khung bảng lương, thu nhập cho người lao động, làm công ăn lương ở các thành phần kinh tế trong công chức, viên chức, thì cần tính toán đến khả năng mua, thuê nhà ở xã hội", ĐBQH tinh Điện Biên nêu quan điểm.

Có nên quy định thêm về người nước ngoài sở hữu căn hộ, căn nhà?

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật (bao gồm cả cá nhân nước ngoài) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) cũng không đề cập quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng.

"Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ, đề xuất phương án chỉnh lý để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất về chính sách đất đai, nhà ở đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam" - Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh. Một số ý kiến trong UBPL cũng đề nghị quy định rõ tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) về quyền sở hữu nhà ở của cá nhân nước ngoài không gắn với quyền sử dụng đất, bảo đảm minh bạch, phù hợp với quy định tại Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị, câu chuyện cá nhân người nước ngoài có được sở hữu nhà ở, gắn với giao đất, thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay không thì cần phải rà lại cho phù hợp các luật có liên quan, đặc biệt phải sửa đồng thời với Luật Đất đai (sửa đổi). "Cũng rất may mắn, theo lộ trình thì hai luật này sẽ thông qua cùng thời gian với nhau, do đó Ban soạn thảo cần có đối chiếu, tham chiếu phù hợp", ông nói.

ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) viện dẫn Điều 21 dự thảo luật quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 19 của luật này chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.

"Mình có nên quy định thêm không, thực tế đi các nước tôi thấy có các làng cùng một cộng đồng người, khi các làng hình thành thì từ văn hóa, buôn bán, sản xuất kinh doanh đều hình thành theo người mang quốc tịch đó. Có nên quy định tỷ lệ người cùng quốc tịch là bao nhiêu không?" - đại biểu băn khoăn và cho rằng, nếu hình thành như thế trong thời gian dài, ở những địa bàn giáp biên có thể hình thành cụm dân cư cùng quốc tịch và văn hóa của họ sẽ chi phối, ảnh hưởng văn hóa người Việt...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ra-soat-quy-dinh-ve-so-huu-su-dung-nha-o-doi-voi-nguoi-nuoc-ngoai--i695859/