Quýt vàng Hang Hú
Nói đến huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), người ta nghĩ ngay đến quýt vàng. Một loại quả ngọt, thơm nức tiếng cả nước. Đặc biệt từ 3 năm gần đây, cây quýt ở Hang Hú, thôn Hồng Phong, xã Chiến Thắng không chỉ cho quả màu vàng, mà còn cho người trồng, chăm nom vườn có nhiều tiền để mua vàng thông qua các hoạt động du lịch và dịch vụ.
Vườn quýt Hang Hú có một lực hấp dẫn mạnh đối với nhiều du khách. Sức hấp dẫn bởi cả khu vườn với gần 700 cây quýt được trồng giữa một quần thể đá. Leo lên mỏm núi kề đó, nhìn xuống thấy một không gian thoáng đãng bởi “Cỏ cây chen lá, đá chen hoa”. Bình quân mỗi ngày vườn quýt Hang Hú thu hút khoảng 500 lượt người đến tham quan, thưởng thức không khí trong lành và chụp ảnh chia sẻ với bạn bè. Đẹp nhất là vào dịp đầu Xuân, hoa nở trắng Hang Hú, hương thơm ngọt ngào lan tỏa mời gọi từng đàn ong rừng về tìm mật. Sang mùa quả chín, từ tháng 11 đến độ Tết, quả lúc lỉu vàng trên cây, thỏa sức ngắm nhìn không chán mắt và tha hồ thưởng thức vị ngọt mọng mòng từ múi quýt.
Tuy Hang Hú đã có bàn tay con người can thiệp, nhưng không bị lạm dụng, phá vỡ cảnh tự nhiên. Từ xa nhìn lại, du khách đã thấy một dòng chữ ấn tượng: “Vườn quýt Hang Hú”. Có nhiều tích chuyện về Hang Hú nghe ly kỳ, nhưng có một người dân mất mấy mươi năm dòng cải biến Hang Hú thành điểm vui chơi, giải trí mãn nhãn, thỏa miệng. Tức là, vừa được ngắm nhìn và được ăn quýt thỏa mái với giá 20.000 đồng cho người lớn, 10.000 đồng cho trẻ em. Đó là ông Hoàng Cao Vinh chủ vườn. ông kể: Từ năm 1988, tôi mang cây quýt vào đây trồng cũng vì kế sinh nhai. Vì không có nhiều vốn đầu tư, nên tôi trồng dần trong 3 năm thì quýt phủ kín thung lũng. Thời gian đợi cây cho quả chín, tôi đục đẽo đá làm đường lên cửa hang và đi suốt dọc hang để vào vườn. Khi vườn quýt cho thu hoạch, việc vận chuyển quả quýt từ trong thung lũng qua hang ra ngoài cũng chật vật vất vả. Vì xe máy, xe đạp thồ không vào được. Tất cả trông cậy vào đôi vai.
Trước lúc nếm vị ngọt của quả quýt vàng Hang Hú, du khách bắt đầu với trải nghiệm leo núi. Dù chỉ ít phút, lưng áo chưa kịp bắt mồ hôi, nhưng thú vị bởi bàn chân được đặt lên từng bậc đá tự nhiên. Quay nhìn lại thấy cánh đồng ngô xanh tốt dưới chân núi. nhìn xa hơn thấy núi ôm lấy cánh đồng dưới chân. Quay trở lại Hang Hú, đi trên con đường đá lởm chởm rêu phong, ngước nhìn lên thấy núi dựng vách đứng, dương xỉ bao phủ, nước từ mái đá rơi xuống tí tách; lại chợt thoải ra mời gọi, rồi núi như trốn đâu cả để bên đường vào là một bãi đá to như đàn trâu mộng nằm nghỉ nhai cỏ. Thỉnh thoảng lại thấy tiếng người từ đâu đó trong thung núi hú gọi nhau, tiếng hú gọi theo gió đưa lễnh loãng rồi chìm vào sương mù xứ Lạng. Một thoáng bất ngờ đến ngỡ ngàng bởi chợt ngay trước mắt hiển hiện một không gian lớn rộng mở ra. Ai nấy trầm trồ, háo hức vì đang đứng trước cả một vườn quýt có “niên đại” 30 năm tuổi.
Mấy người nhà vườn mang trang phục dân tộc Tày, nùng xứ Lạng duyên dáng, vừa đi vừa khẽ hát câu Sli, câu Lượn có nội dung kể về sự tích tình yêu “Chài Hồng, noọng Đáo”. Họ khéo léo đặt lên các mỏm đá gần chân nhà sàn, hoặc bên mái lều dựng tạm cho khách dừng chân mấy thạ quýt vàng tươi. Sự chân thành, mộc mạc của chủ vườn với du khách đã nhanh chóng xóa nhòa khoảng cách. Một không khí thân thiện chan hòa, ai nấy như được mở rộng lòng để quên đi phiền muộn. Và để được sống những giây phút bình dị, dân dã rất đỗi đời thường giữa một miền đầy quả chín. ông nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tâm đắc: Vườn quýt Hang Hú cùng với Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn và suối Mỏ Mắm là 3 sản phẩm du lịch mới không chỉ của Bắc Sơn, mà của cả tỉnh Lạng Sơn hiện nay. Để phát triển du lịch lâu dài, chủ vườn quýt được tham gia các lớp tập huấn về du lịch, được hướng dẫn làm du lịch gắn với bảo vệ môi trường.